Thiên nhiên cần chúng ta hành động ngay
4/8/2020 6:24:00 AM
Đa dạng sinh học là một khái niệm không chỉ đề cập đến sự sống phong phú trên Trái đất, mà còn về mọi thứ, từ gene đến toàn bộ hệ sinh thái giúp hành tinh xanh thành nơi sinh sống được.
Công viên quốc gia Tsavo East ở Kenya cung cấp nơi ở cho voi châu Phi và các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác.
Tuy nhiên, các báo cáo khoa học gần đây cho thấy, đa dạng sinh học đang xấu đi trên toàn thế giới với mức độ nhanh hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử loài người. Do đó, vấn đề hiện nay là phải hành động để bảo tồn tự nhiên càng sớm càng tốt.
Suy giảm nghiêm trọng
“Nếu đa dạng sinh học biến mất, loài người sẽ biến mất theo”, TS Stephen Woodley, nhà sinh thái học và là chuyên gia về đa dạng sinh học thuộc Liên minh quốc tế bảo tồn tự nhiên cho biết, “là một bộ phận của tự nhiên, chúng ta sẽ không tồn tại, nếu tự nhiên bị hủy hoại. Chúng ta cần đa dạng sinh học cho sự sống còn, sức khỏe và cả đức tin…”.
Mọi sinh vật sống, từ vi sinh vật trên da người, đến những con cá voi xanh khổng lồ ở đại dương đều đóng một vai trò không thể thiếu trong việc hỗ trợ sự sống trên hành tinh. Do đó, mất mát trong tự nhiên, dù chỉ là đơn lẻ, cũng khiến sinh quyển - phần quan trọng của Trái đất hỗ trợ sự sống, dần sụp đổ.
Năm 2017, một phân tích về đa dạng sinh học của loài ong bản xứ Bắc Mỹ và Hawaii, côn trùng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái chức năng, cho thấy gần 1/4 trong số 347 loài ong này lâm vào tình thế hiểm nghèo và có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài ra, theo các nghiên cứu ở Đức về côn trùng tại châu Âu, chúng ta “đang phải đấu tranh quyết liệt vì hệ sinh thái”, khi bầy đàn của chúng đã suy giảm đến 3/4 trong 25 năm qua. Sự mất mát các giống loài côn trùng mạnh mẽ này, “đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mạng lưới thực phẩm và tác hại đến các dịch vụ hệ sinh thái”.
Theo TS Woodley, cần ngăn chặn hậu quả bi thảm xảy ra, bắt đầu với sự nhận biết nguyên nhân đa dạng sinh học bị suy giảm, rồi tiến hành ngay lập tức các hoạt động để đảo ngược tiến trình.
“Hai nguyên nhân lớn nhất gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học là mất chỗ ở, chủ yếu ở đất liền và khai thác quá mức, chủ yếu ở đại dương”, ông nói thêm. Phải giải quyết các vấn đề này bằng các biện pháp bảo vệ thường xuyên đất đai và biển cả, quản lý chặt chẽ vì các giá trị bảo tồn của chúng.
Sứ mệnh của chiến dịch vì thiên nhiên
Theo các nhà khoa học, di chuyển đến sao Hỏa để ở không phải là một lựa chọn. Những điều kiện cho cuộc sống của chúng ta và sự thịnh vượng của xã hội loài người là ở đây, trên Trái đất này. Chúng ta là một phần của hành tinh, và chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ nó.
Chiến dịch vì thiên nhiên toàn cầu, một sự hợp tác ra đời vào năm 2018 giữa Quỹ Wyss và Hiệp hội Địa lý quốc gia, đã công bố các dự án bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo của Hansjorg Wyss, một nhà từ thiện người Thụy Sĩ, Quỹ Wyss đã đầu tư 600 triệu USD trong hai thập niên qua để bảo tồn hơn 20 triệu ha đất đai và môi trường sống của động vật hoang dã.
Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đang gia tăng, Wyss cam kết thêm 1 tỷ USD trong thập niên tới để hỗ trợ mục tiêu bảo vệ ít nhất 30% hành tinh vào năm 2030, gọi tắt là mục tiêu “30 by 30” thuộc Chiến dịch vì Thiên nhiên.
Gần đây, theo các nhà khoa học, chỉ 15% đất đai và 7% đại dương được bảo vệ. Do đó, chiến dịch kêu gọi những nhà làm chính sách trên toàn cầu quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn và cam kết thực hiện Thỏa thuận mới về Thiên nhiên và Con người, nhằm cứu sự đa dạng, phong phú về sự sống trên Trái đất.
Chiến dịch vì Thiên nhiên cũng khuyến khích các quốc gia hợp tác đầy đủ với các dân tộc bản địa và cộng đồng địa phương, tập trung vào việc bảo vệ đúng 30% đất đai và môi trường sống hoang dã.
Những vùng này, theo TS Woodley, tàng trữ các thành phần đa dạng sinh học, còn được gọi là các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nhất cần được bảo vệ, giữ nguyên vẹn trên hành tinh.
TS Woodly giải thích, các giá trị này bao gồm các loài, hệ sinh thái có nguy cơ tuyệt chủng, các giống loài, hệ sinh thái hiếm, tính đại diện (các mẫu của mọi sinh vật sống trên Trái đất), những tập hợp độc đáo, như các điểm dừng trên đường di trú của loài chim, nơi cá đẻ trứng, khu vực sinh sản của tuần lộc và khu vực nguyên sinh, những nơi hoang dã cuối cùng của Trái đất.
Chiến dịch cũng nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn do người bản địa lãnh đạo và tôn trọng các quyền lợi của họ trong nỗ lực “30 by 30”. Những thổ dân và các cộng đồng ở địa phương quản lý hoặc nắm quyền sử dụng đất đai, hỗ trợ khoảng 80% tính đa dạng sinh học của thế giới nên cần thiết giúp họ trở thành đối tác đầy đủ trong việc phát triển và thực hiện các chiến lược bảo vệ đa dạng sinh học.
Trong khi đó, TS Enric Sala, thuộc Hội Địa lý quốc tế đã nêu bật sự cần thiết của một thỏa thuận toàn cầu về tự nhiên (GDN). Việc bảo vệ sự ổn định ở những vùng đa dạng sinh học trên thế giới, ngăn chặn sự biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ cấp bách, cần làm ngay.
Kết hợp GDN và Thỏa thuận chung Paris sẽ tránh được sự biến đổi khí hậu gây hậu quả bi thảm, bảo tồn muôn loài và bảo đảm an toàn cho hệ sinh thái thiết yếu.
Thiên nhiên cần chúng ta hành động ngay bây giờ. Bảo vệ ít nhất 30% hành tinh là bước đầu tiên quan trọng, trong đó, phải đi kèm với tài trợ lâu dài cho công tác quản lý.
“Chúng ta cần bảo đảm các khu vực tự nhiên được bảo vệ ở mức cao nhất có thể. Nếu không, chúng sẽ chỉ là những công viên “giấy”, được bảo vệ trên giấy, không có kế hoạch. Các khu vực được bảo vệ cần có quy định rõ ràng và phạt thật nặng nếu mọi người không tuân thủ”, TS Enric Sala nhấn mạnh.
Theo Nationalgeographic/GDTĐ
Lượt xem : 1777