Vietnamese English
Thiền học và Bảo vệ Môi trường - Kỳ 2: Du lịch thiền. Phù Lãng: Khúc thiền ca trong gốm méo. Thiền học với bảo vệ thiên nhiên và môi trường

2/27/2012 9:32:00 AM

Cư dân của các nước công nghiệp phát triển Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc... tìm đến Zen như một hoạt động du lịch thư giãn.



Du lịch Thiền
            Chính vì những đặc trưng trên đây của Zen nên cư dân của các nước công nghiệp phát triển Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc... tìm đến Zen như một hoạt động du lịch thư giãn. Nhu cầu du lịch Thiền ngày càng gia tăng cùng sự gia tăng nhu cầu thư giãn của con người dưới sức ép công nghiệp hoá và đô thị hoá, đã tạo ra doanh thu mỗi năm của Du lich Thiền ở Nhật đạt đến 30 tỷ USD. Du lich Thiền ở Nhật không nhất thiết là một kiểu du lịch tách biệt, nó có thể xen ghép với các loại hình du lịch thông thường khác và rất đa dạng. Trong một hành trình đi bộ (hiking) thông thường, du khách có thể viếng thăm các khu rừng lá đỏ (Momiji no ryoko), ngồi lặng lẽ trong những am cỏ nhỏ nghe suối chảy róc rách, ngâm tắm nước nóng hay cát nóng, uống rượu ngắm hoa anh đào (hanamizake)... Du lịch Thiền không đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng hay đối tượng du lịch mà quan trọng hơn là cách thưởng ngoạn, cách chiêm ngưỡng khu trú vào đối tượng để hoà mình với đối tượng du lịch, do đó vai trò của người hướng dẫn du lịch là rất quan trọng(2).
            Sự phát triển Du lịch Thiền trên cơ sở một xã hội có phong cách sống Thiền đã khiến cho thiên nhiên Nhật Bản được bảo vệ rất tốt. Chính Hội các đền thờ Shinto là tổ chức đầu tiên đề xuất việc bảo vệ môi trường ở đất nước này.
            Vốn là một đất nước nông nghiệp truyền thống lâu đời, người Việt có tín ngưỡng tôn kính thiên nhiên qua phong tục thờ các nữ thần như nữ thần rừng núi (Thánh mẫu Thượng ngàn), nữ thần mây (Pháp Vân), nữ thần sấm (Pháp Điện), nữ thần mưa (Pháp Vũ), nữ thần nước (Bà Thuỷ/Thoải), phong tục cúng thần cây đa, ma cây gạo... Những hình thức tín ngưỡng cổ xưa này có nhiều nét tương đồng với Shinto của Nhật và là mảnh đất thuận lợi tiếp nhận các đợt sóng Thiền du nhập vào nước ta qua chiều dài lịch sử dân tộc.
Phù Lãng: khúc thiền ca trong gốm méo
            Làng gốm Phù Lãng nằm trên những quả đồi thấp, trải dài xuống các vạt phù sa hẹp trên bờ phải sông Cầu thuộc huyện Quế Võ - Bắc Ninh. Từ lâu, Phù Lãng đã nổi tiếng trong và ngoài nước nhờ những sản phẩm gốm méo. Sau khi dùng bàn xoay tạo xương các lọ lộc bình, nghệ nhân làm méo, làm lõm, hoặc xẻ đôi miệng lọ rồi vặn chéo đi... có rất nhiều kiểu làm méo mó chiếc lọ. Tại những chỗ méo đó, nghệ nhân thêm các hoa văn trang trí. Sau khi nung chín, những chiếc lọ thật đa dạng với những cách méo mó, xù xì rất khác nhau. Gốm méo Phù Lãng ngày càng được ưa chuộng, không chỉ trong các hộ gia đình mà cả ở những khách sạn sang trọng. Các sản phẩm gốm méo thu hút tâm trí người chiêm ngưỡng đến kỳ lạ. Chúng không hề hoàn hảo, không kiêu sa, nhưng rất thực như cuộc sống. Chúng minh chứng một triết lí của Thiền học cho rằng trong đời không có gì hoàn hảo, rằng hoàn hảo là khô cứng, chính những gì không hoàn hảo mới là thực sự hoàn hảo, vì chúng là đời thực, hơn nữa mỗi sản phẩm là duy nhất trong thế giới này. Và cũng chính từ chỗ thiếu hoàn hảo đó đã phát sinh sự sáng tạo, sự đa dạng đến vô cùng... tạo nên vẻ đẹp của cuộc sống.


 
            Cũng như các bài thơ Haiku, ở gốm méo Phù Lãng, những điều quan trọng và cốt lõi nhất lại không phải là cái được nói ra hay nhìn thấy. Chúng tiềm ẩn trong khoảng tĩnh lặng vô ngôn vô hình giữa các họa tiết xù xì, bất đối xứng và không hoàn hảo mà người xem gốm chỉ có thể cảm nhận được mà khó nói nên lời.Gốm méo Phù Lãng là khúc thơ thiền không lời, cũng như thiên nhiên và những con người nhân hậu mà ta có thể gặp mọi nơi trên đất nước này.
            Làng gốm Phù Lãng đón tiếp ngày càng đông không chỉ khách hàng mà cả khách du lịch. Phù Lãng trở thành một điểm sáng giá trong loại hình du lịch Thiền mới mẻ, nhất là nó lại nằm trên đường từ Hà Nội đi Yên Tử - quê hương của Trúc Lâm Thiền Tông
Thiền học với Bảo vệ thiên nhiên và môi trường
Tư duy logic (Khoa học Công nghệ) và tư duy cảm nhận (Zen-Thiền) tưởng chừng như hai mặt của một vấn đề, như nước và lửa, không có thể đi chung một đường. Nhưng thực tế hai cách tư duy đó vẫn đi chung đường, vì chúng là sản phẩm cuả một thực tại duy nhất. Triết lý “Tích hợp Đông Tây” đã dần làm sáng tỏ khả năng này. Tuy nhiên, đây là cả một câu chuyện dài. Horioka và cộng sự (2004) (1)  đã ghi nhận có 12 nguyên lý Thiền học là cơ sở của tranh Mặc hội và thơ Haiku của Nhật Bản. Sau đó Nguyễn Đình Hòe (2006) đã xác nhận có đến 10 nguyên lý Thiền học có thể ứng dụng tốt trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (2). Cốt lõi của việc tích hợp này là tư duy nhất nguyên luận cho rằng con người là một bộ phận không thể tách rời thế giới tự nhiên. Nhà quản lý và người gây ô nhiễm thực ra cũng chỉ là một, xét về khía cạnh các mặt đối lập của một hệ thống: nếu không còn ai gây ô nhiễm hay xâm hại môi trường thì  cũng không còn ai phải làm nhà quản lý môi trường nữa. Nơi nào mà con người với vũ khí khoa học công nghệ cho rằng mình đứng trên, đứng ngoài thế giới thực tại (tức là Thiên nhiên và Môi trường theo một nghĩa nào đấy) và có quyền uy tối thượng đối với thế giới đó thì bảo vệ hay quản lý môi trường cũng chủ yếu là nói trên sách vở mà thôi. Từ sự tách rời một cách nhị nguyên đó, mới sinh ra các cách quản lý một chiều kiểu mệnh lệnh từ trên xuống (top-down approach), mới xa lạ với những nguyên lý “biến quản lý thành tự quản lý”, “đồng quản lý” vốn rất thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Câu chuyện người và chim dưới đây minh họa cho một nguyên lý Thiền học  là nhất nguyên luận trong bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường. Bạn đọc nên cảm nhận mà đừng cố “hiểu” vấn đề.

Lượt xem : 1451