Thiền họa thư pháp và tư duy phản biện
1/27/2012 3:12:00 PM
Trong sáng tác thư pháp, con chữ và Thư pháp gia nhập làm một. Cũng như vậy, người bảo vệ môi trường cần tư duy phản biện để hòa nhập làm một với môi trường cần bảo vệ. Không như vậy thì mọi kêu gọi bảo vệ môi trường chỉ còn là một bản viết nguệch ngoạc.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Thư pháp “Trăng”, internet
1.Thư pháp (calligraphy) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp (kallos = đẹp + graphẽ = viết). Như vậy Thư pháp ban đầu có nghĩa là nghệ thuật viết chữ đẹp. Không chỉ phát triển ở nhóm nước sử dụng kiểu chữ tượng hình như Trung Quốc, Nhật, Hàn, và Việt Nam (trước đây), thư pháp còn phát triển ở nhiều nước chấu Âu, Ả rập và cả Việt Nam hiện nay khi đã sử dụng tự mẫu Latin.
Thư pháp dùng bút lông mực tàu kiểu Trung Quốc còn đựoc gọi là “Mao bút thư pháp” (có nghĩa là thư pháp bút lông). Mao bút thư pháp dùng 4 loại công cụ là "văn phòng tứ bảo" (bút, nghiên, giấy, mực). Thư pháp phải viết bằng tay. Các font chữ thư pháp trên máy tính không phải là thư pháp mà chỉ đơn thuần là kiểu chữ, vì không có cái hồn của người viết trong đó.
Thực ra thư pháp không đơn thuần là nghệ thuật viết chữ đẹp như ngữ nghĩa ban đầu, mà nó là cái cách tạo ra các bức tranh chữ, Chữ thư pháp thường rất khó đọc do các nét bị biến cải rất “phăng-te-zi” (fantaisie) có thể đến mức không còn những hình thù chuẩn mực của con chữ. Nhưng chính nhờ những biến tấu đó mà nhà thư pháp có thể sáng tạo ra rất nhiều bức tranh chữ khác nhau đến vô cùng từ cùng một con chữ, cốt để thể hiện tâm tình, chí khí và phong cách của mình. Ông tổ thư pháp Trung Quốc là Vương Hy Chi (321 - 379) đã nói: "Mỗi nét ngang là một đám mây trong một thế trận, mỗi nét móc là một cây cung giương lên, có sức mạnh khác thường, mỗi nét chấm là một tảng đá rơi xuống từ đỉnh núi cao, mỗi nét phẩy là một cái móc bằng đồng, mỗi nét sổ dài là một thân cây cổ kính, mỗi nét phóng khoáng mảnh mai là một lực sĩ chạy thi ở tư thế sẵn sàng lao lên phía trước" (1). Như vậy ở mỗi bức thư pháp, nội dung của con chữ không quan trọng bằng cách thể hiện, bằng hình dáng của nó, mặc dù nội dung con chữ quy định cung cách thể hiện của nó.
Hãy ngắm bức tranh chữ “Trăng” trên đây. Nội dung chỉ là chữ trăng, nhưng Thư pháp gia đã gửi gắm vào đó nhiều tâm sự. Trên nền mờ ảo vô thường của không gian, vầng trăng hạ huyền chiếu xuống nước lung linh. Trăng mà là bóng trăng, bóng trăng mà là sóng nước, vừa thật vừa hư, vừa có vừa không, có chính là không, không nhưng vẫn có. Vầng trăng sinh động đến vô thường. Nước không tồn tại trong chữ trăng mà vẫn hiện hữu. Không có nước chẳng có trăng. Ánh trăng lung linh mà vẫn tĩnh lặng. Vầng trăng trên trời khô cứng lạnh lẽo nhưng khi gieo bóng xuống nước, vầng trăng trở nên sinh động và thân thuộc với người ngắm trăng. Thân thuộc nhưng không nắm bắt được, xinh đẹp nhưng không sở hữu được,…
2.Người Nhật phát triển thư pháp lên thành môn phái Thiền họa thư pháp, còn gọi là Thiền thư pháp. Thư pháp ở Thiền thư pháp không chỉ là cách vẽ chữ. Chỉ khi người viết đạt được trạng thái thiền định khi viết thư pháp thì mới có thể sáng tác được bức thư pháp có hồn. Khi tâm không ổn định hay tâm ma giáo thì không tạo ra bức thư pháp nào có giá trị. Người Nhật không gọi là "Thư pháp", mà gọi là "Thư đạo" (Shodo). Thư đạo cũng như Kiếm đạo, Nhu đạo, Võ sĩ đạo,…là lối sống thiền của người Nhật Bản. Thư đạo là lối sống chứ không phải còn là cách viết chữ đẹp (1). Thư đạo thiền sư qua cách thể hiện các con chữ mà gửi gắm tâm hồn, khí phách, quan niệm cá nhân về chân - thiện - mỹ trong mỗi bức thư pháp.
Thế kỷ thứ 18 đánh dấu thời kỳ hoàng kim của Thiền thư pháp Nhật Bản. Bạch Ẩn (Hakuin 1685-1768), Jiun (1717-1804), Torei (1721-1792), Sengai (1750-1837), Ryokan (1758-1831), Nanzan (1756-1839) là những nhà thư pháp tiền bối nổi danh với hàng loạt tuyệt phẩm thư pháp. Sang thế kỷ 19 - 20, các thiền sư như Nantembo (1839-1925) và Gempo (1865-1961) đã phát triển nghệ thuật thư pháp không thua kém gì các bậc thầy đời trước (2) . Thư pháp tiếp tục phát triển ở nhiều nước châu Á, kể cả nước ta hiện nay khi đã sử dụng chữ cái Latin thay cho chữ Hán và chữ Nôm.
Bức thư pháp Nhật Bản trang bìa cuốn Nhật ký trong tù. Internet
3. Thiền họa thư pháp sử dụng cách sáng tác như cách vẽ tranh thủy mạc (Nhật Bản gọi là tranh Mạc hội Sumiye). Bút lông, mực tàu và giấy dó là những dụng cụ không gì thay thế được. Khi tư duy sáng tạo đã chín, trào dâng lên nét bút, mỗi nét bút khi đã hạ trên giấy là duy nhất và không thay đổi được, thư pháp kiểu thiền không cho phép tẩy xóa sửa chữa. Khi viết, nhà thư pháp hòa nhập với cây bút làm một, như là cây bút tự vẽ nên bức tranh chữ chứ không phải người viết. Vì vậy tuy cùng một con chữ, cùng một nhà thư pháp, nhưng do được sáng tác vào những thời điểm tư duy tình cảm khác nhau nên không bức nào giống bức nào. Mỗi bức thư pháp là duy nhất trên đời !
4.Thư pháp hiện đại ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu ngay cả khi sử dụng chữ Quốc ngữ để sáng tác. Nhiều người cho rằng thư pháp chữ Quốc ngữ hiện nay chỉ là sự hoài cổ, là sự bắt chước người xưa, chỉ là việc “viết những chữ dễ đọc thành dạng khó đọc”. Thực ra như trên đã nói, nội dung của các chữ trên tác phẩm thư pháp không quan trọng bằng cách thể hiện chúng. Chính nhờ kế thừa truyền thống thư pháp chữ Nho mà thư pháp chữ Quốc ngữ Việt Nam có những sáng tạo không ngờ, khác hẳn thư pháp của các nước cùng sử dụng bộ chữ cái Latin ở châu Âu và Trung Đông.
Thư pháp:”Ở đời thiếu bạn tri âm, như cây thiếu nắng như trầm thiếu hương”. Internet
Nếu sáng tác một bức thư pháp tốt đòi hỏi phải thiền định, thì người đọc thư pháp cũng cần phải biết thiền định khi đọc mới thấy hết cái hay cũng như cái dở nếu có của mỗi bức thư pháp. Thưởng lãm thư pháp với con mắt của người đọc chữ chỉ cốt để hiểu nội dung thì một bản thư pháp chỉ còn là cách “làm khó đọc những chữ vốn rất dễ đọc” mà thôi.
5. Thiền thư pháp và Tư duy phản biện
Nếu coi mỗi bản chiến lược, kế hoạch, dự án hay đơn giản chỉ là một lời kêu gọi bảo vệ môi trường (từ đây gọi chung là dự án) như một bản thư pháp, nhà thẩm định dự án có thể và cần phải nhận ra đó là một bản thiền thư pháp hay chỉ là một bản viết theo kiểu “làm khó đọc những chữ dễ đọc”. Ngày nay ai cũng có thể nói về bảo vệ môi trường. Môi trường trở thành cái mốt của xã hội. Một dự án bảo vệ môi trường có thể đúng là nhằm bảo vệ môi trường (chân dự án), nhưng cũng có thể chỉ là cái cách kiếm tiền, là cái cách để tác giả của nó nổi danh, có thể là biện pháp để cạnh tranh không lành mạnh thậm chí triệt hạ đối thủ cạnh tranh (ngụy dự án).
Tư duy phản biện (critical thinking) chính là biện pháp nhận diện các dự án này có phải là chân dự án hay chỉ là ngụy dự án, nó cũng như biện pháp thiền định khi sáng tạo và thưởng lãm các bức thư pháp. Tác giả các chân dự án luôn nói về dự án với tư cách là người trong cuộc, là một bộ phần hữu cơ của dự án, rằng mỗi nội dung của dự án là đòi hỏi xuất phát từ chính nhu cầu của thực tiễn, của cộng đồng địa phương nơi trình diễn dự án. Ngược lại, những ngụy dự án thường được trình bày rất hay, rất văn vẻ, và dường như rất …luật pháp nữa, nghe qua có vẻ rất có lý, nhất là khi nó được xây dựng bởi những “chuyên gia” có học hàm học vi cao.
Tư duy phản biện nhìn chung bao gồm một số kỹ năng sau đây:(i) Làm rõ nội hàm bề nổi của dự án; (ii) Phát hiện các nghịch lý trong dự án; (iii) Tìm ra các chiều ngầm, các giá trị ngầm, các quyền lực ngầm trong dự án; (iv) Tìm ra các mối liên hệ với dự án nằm trong môi trường giao dịch (môi trường bên ngoài) của dự án; (v) Tìm ra các nhiễu lọan tất định hàm chứa mơ hồ trong dự án; (vi) Tìm ra phương án thay thế, tình tiết bổ sung để hoàn thiện hơn dự án hoặc trong trường hợp cần thiết để loại bỏ dự án; (vii) Dự kiến các xung đột khi một dự án được thực hiện và dự liệu giải pháp quản trị (3) .
Với tính chất như vậy, tư duy phản biện là công cụ sắc bén của lĩnh vục phản biện xã hội, là phương pháp thiền định trong đánh giá các dự án môi trường. Xét trên một góc độ nào đó, chuyên gia viết hoặc thẩm định dự án, chuyên gia phản biện xã hội cũng đòi hỏi có kỹ năng của một nhà thư pháp.
Chú thích
(1) Nghệ thuật Thư Pháp
http://www.cuocsongviet.com.vn/index.asp?act=detail&mabv=4501&/Nghe-thuat-thu-phap.csv
(2) Thư pháp Thiền. http://www.hoasontrang.us/trungvan/?tag=th%C6%B0-phap-thi%E1%BB%81n
(3) Nguyễn Đình Hòe. Phản biện xã hội về Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường.Tủ sách VACNE. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2011.
Lượt xem : 4997