Thêm nhiều giải pháp mới nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ cảnh quan môi trường trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ
(VACNE, 10/7) - Nhiều giải pháp và kiến nghị mới của chuyên gia, cùng nhiều kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nông thôn mới, được trao đổi tại Hội thảo vừa diễn ra tại thành phố Ninh Bình, hướng tới mục tiêu: sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ cảnh quan, môi trường cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ.
Đây là Hội thảo nhằm thu thập thông tin và lấy ý kiến chuyên gia của đề tài khoa học do PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Tổng Thư ký Hội BVTN&MT Việt Nam làm Chủ nhiệm, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam cùng các vị đại diên VP Điều phối NTM tỉnh Ninh Bình và Mạng lưới phát triển nước quốc tế (IWDP) chủ trì Hội thảo.
Tới dự, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Hội thảo, có GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, cùng đông đảo các nhà khoa học, cán bộ quản lý của do Hội BVTN&MT Việt Nam, Viện hợp tác & Phát triển tài nguyên nước, Viện KH Thủy lợi miền Nam, các Sở NN&PTNT và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới một số tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Theo đánh giá của PGS.TS Hoàng Thái Đại, PGS.TS Hà Lương Thuần, TS. Trần Văn Miều: Hội thảo rất thành công, nhờ có sự đóng góp tích cực và chỉ đạo cụ thể của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Chương trình KH&CN Nông thôn mới, Viện hợp tác & Phát triển tài nguyên nước, Viện KH Thủy lợi miền Nam cùng đông đảo các nhà khoa học. Hội thảo có nội dung tương tự cách đây ít ngày ở khu vực Tây Nam Bộ, nhưng lần này nhận được nhiều ý kiến cụ thể và sâu sắc hơn. Ban tổ chức sẽ cố gắng hạn chế những trùng lặp giữa các chuyên đề, bổ sung thêm những nội dung đóng góp mới tại Hội thảo, để làm rõ hơn những vấn đề thực tiễn đòi hỏi. Đặc biệt là: làm rõ những nguy cơ và tác nhân phá vỡ cân bằng sinh thái và cảnh quan ở 2 khu vực này; đưa ra các giải pháp cùng những phân tích thêm về tính khả thi, khi triển khai rộng rãi trong quá trình phát triển; đồng thời bổ sung, hoàn thiện hơn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.