Vietnamese English
Thêm 36 cây cổ thụ ở 9 tỉnh, thành phố lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

1/19/2024 11:13:00 PM

(VACNE) Ngày 19/01/2024, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp phiên Tất niên Tết Giáp Thìn, xét công nhận 36 cây cổ thụ ở các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Quảng Nam, Bình Dương và các thành phố Cần Thơ, Hải Phòng, đủ tiêu chí công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Tỉnh Nam Định đứng đầu danh sách trong đợt này (có 10 cây); thành phố Cần Thơ xếp thứ hai (9 cây) và tiếp đến là Phú Thọ (6 cây), Yên Bái (4 cây) và Hải Phòng (3 cây). Các nơi khác như: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bình Dương và Quảng Nam, mỗi nơi chỉ có 01 cây được Hội đồng nhất trí trình Chủ tịch Hội phê chuẩn, công nhận là Cây Di sản Việt Nam 

A group of men sitting around a tableDescription automatically generated

Riêng Nam Định có 08 cây trong khuôn viên Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường (05 cây Đa + 02 cây Gạo + 01 cây Muỗm), cùng 02 cây cổ thụ ở nơi khác được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cụ thể là 01 cây Bồ đề hơn 100 năm, chu vi thân 4,4 m: thôn Nhị Thôn, xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản và cây Gạo hơn 500 năm, có chu vi thân gần 7 mét ở khu di tích Đền xóm 5, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường.

Cả 09 cây cổ thụ của thành phố Cần thơ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam trong đợt xét lần này có tuổi từ 150 năm trở lên và đều là của một gia đình ở số 89, đường số 3, khu vực 3 Sông Hậu, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Cụ thể là: 01 cây Xoài (300 năm), 01 cây Hoa Sữa (200 năm), 02 cây Vú sữa (150 năm và 196 năm) 02 cây Thị (296 năm và 235 năm), 01 cây Đại hoa trắng (150 năm), 01 cây Me (250 năm), 01 cây Nhãn (150 năm)

Tỉnh Phú Thọ có thêm 06 Cây Di sản trong đợt xét này và cùng ở xã Quang Húc, huyện Tam Nông. Đó là cây Thị khổng lồ gần nghìn tuổi, có chu vi thân tới 9,5 mét ở đình Hạ, (khu 4) + 3 cây Đa gần 300 năm (ở khu 6) + 02 cây cổ thụ khác (01 cây Đa gần 250 năm và 01 cây Sanh hơn 150 năm) đều được trồng ở khu 3, xã Quang Húc.

Bốn cây cổ thụ của tỉnh Yên Bái được Hội đồng xét, công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam trong đợt này, là những cây rừng cho gỗ quý và được đơn vị Kiểm Lâm đăng ký với mục tiêu làm cây đầu dòng để nhân giống. Đó là 03 cây Du sam núi đất, có tuổi trên 250 năm ở Tiểu khu 561, khoảnh 10, thuộc địa phận thôn Tà Đằng, xã Xà Hồ và 01 cây Du sam núi đất khác hơn 250 năm, chu vi thân 3,7 mét ở tổ dân phố số 1, thị trấn Trạm Tấu (cùng thuộc huyện Trạm Tấu).            

Thành phố Hải Phòng có 03 cây Ruối cổ (gần 300 năm) cao tới 15 mét trong khuôn viên đình An Biên, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo được Hội đồng công nhận đủ tiêu chí là Cây Di sản Việt Nam. 

Cùng loài Ruối, nhưng cây đứng bên miếu Đống Vịnh, thôn Thượng Lạp, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là cây Ruối khổng lồ nhất từ trước tới nay. Bởi tuổi cây đã hơn 700 năm, chu vi thân tới 2,8 m và chiều cao gần 20 m.

Các tỉnh Hải Dương, Quảng Nam, Bình Dương đều có 01 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam trong đợt xét lần này. Đó la cây Muồng ràng ràng (hơn 200 năm) ở thôn Phú Khê, xã Thái Học, huyện Bình Giang và cây Đa lông (gần 250 năm) đứng bên đình làng, thôn Bàng Tân, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc và cây Trôm (150 năm) trong khuôn viên trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hoá Bình Dương (phường Phú Cường, Tp. Thủ Dầu Một.

Trong số những cây kể trên, có rất nhiều cây bị bao gốc, chèn lấn, nên Hội đồng yêu cầu phải mở rộng không gian sống cho cây, trước khi được công nhận chính thức là Cây Di sản Việt Nam. Đợt này, có 8 cây bị loại, vì hồ sơ thiếu chính xác, hoặc không đủ các tiêu chí Cây Di sản của VACNE đã đề ra./.

PV VACNE

Lượt xem : 800