Vietnamese English
Thêm 12 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

1/31/2015 10:25:00 AM

(VACNE) - Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (CDS) vừa họp phiên đầu tiên của năm 2015, bàn việc chỉnh sửa Tiêu chí CDS, mẫu hồ sơ CDS cho phù hợp với thực tiễn; đồng thời xét duyệt công nhận thêm 12 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản Việt Nam,

  
Có rất nhiều khái niệm như: Quần thể, tập đoàn cây, cụm cây, cây cao to hùng vĩ, có hình dáng đặc sắc, có giá trị văn hóa lịch sử…được đưa ra thảo luận để thống nhất khi xem xét công nhận. Các Tiêu chí và mẫu hồ sơ chi tiết sẽ được hoàn chỉnh và thông qua vào phiên họp tiếp theo của Hội đồng.

Tại phiên họp này, Hội đồng đã cơ bản thông qua Cụm cây muỗm cổ thụ (2 cây, có đường kính thân hơn 1 mét) trong khuôn viên đình Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và cây Ruối  trên 500 năm bên lăng mộ tướng Chu Bá, thôn Văn Nội, phường Phú Lương, quận Hà Đông (Hà Nội)          

Khu vực ngoại thành Hà Nội còn có cây Đa lông hơn 700 năm  ở đền Quan Nghè, thôn Đông Bình, xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức. Cũng tại huyện này, còn có 3 cây Đại hoa trắng và 1 cây Đa lông gần 300 năm trong khuôn viên đình Hà Xá, xã Đại Hưng, được công nhận đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản Việt NamỞ huyện Đoan Hùng vùng đất tổ Hùng Vương cũng có 2 cây cổ thụ được xét và thông qua lần này. Đó là cây Gạo khổng lồ (cao gần 40 mét, chu vi thân gần 8 mét) ở thôn Xuân Thịnh và cây Đa tía 350 năm ở thôn An Thọ. Những cây này cùng ở xã Vụ Quang, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng có 2 cây Đa gần 200 tuổi ở Đình xã Phước Tuy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cùng loài Đa, còn có cây Đa tía 245 năm ở chùa Ninh Cường, xã Trực Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cũng được Hội đồng nhất trí thông qua.           

Thành phố Hải Phòng có 2 cây cổ thụ: cây Sanh trên 150 năm ở đền Tiên Nga (số 53 phố Lê Lợi, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) và cây Đa lông ở đình làng Lễ Hợp, xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo cũng được Hội đồng nhất trí thông qua  

Cả 2 cây Thị trên 600 năm, có chu vi thân 8 m ở thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cũng được công nhận là cây Di sản Việt Nam, với điều kiện phải giải phóng không gian sống, bảo vệ cây.Hai cây Đa lông ở đền Thanh Châu, thôn Nam Đồng Nam, xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải (Thái Bình) bị loại vì không đáp ứng đủ tiêu chí. Và Hội đồng cũng nhất trí chưa công nhận Quần thể chè San tuyết ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), chờ kết quả khảo sát, hoàn chỉnh hồ sơ. Cùng với 6 cây Muỗm trong khuôn viên Văn chỉ họ Nguyễn Đình, ở thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đã được xét duyệt và tổ chức công nhận gần đây nhất và nếu như tất cả những cây này đều được Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam thông qua, thì danh sách Cây Di sản Việt Nam tiến tới con số 737/.

 

 

Văn phòng VACNE

Lượt xem : 2578