Chất lượng không khí đang “xuống dốc”
Ngày 7/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra báo cáo số liệu kiểm định chất lượng không khí của WHO tại 1.600 thành phố thuộc 91 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các châu lục cho thấy chỉ có 12% dân số ở những nơi này được sống trong bầu
không khí đạt các tiêu chuẩn quy định của WHO.
Ô nhiễm không khí ở các thành phố đã khiến nhiều người mắc phải bệnh tật dẫn đến tử vong
Số còn lại phải sống ở những nơi có không khí ô nhiễm nặng nề, khiến họ thường xuyên mắc các
bệnh về hô hấp và các trọng bệnh khác.
Theo thống kê của WHO, chỉ tính riêng trong năm 2012, trên toàn thế giới có 3,7 triệu người dưới 60 tuổi vì mắc các bệnh do ô nhiễm không khí gây ra. Không khí ô nhiễm đã làm 7 triệu
người thiệt mạng năm 2012 khiến nó trở thành nhân tố nguy hiểm nhất trong môi trường đối với sức khỏe con người.
So với những năm trước đây, chất lượng không khí tại tất cả các
thành phố trên thế giới đều đang "xuống dốc" và đương nhiên, điều đó khiến cho số nạn nhân tiếp tục tăng lên.
Lý do được WHO đưa ra để lý giải cho tình trạng này là khí thải từ các phương tiện giao thông vận tải ở đô thị ngày càng tăng.
Việc xây dựng thêm quá nhiều chung cư, công sở, kéo theo lượng cư dân tăng vọt, gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng và tăng lượng rác thải cũng là những nhân tố gây ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, lượng khí phát thải từ các cơ sở công nghiệp ven đô cũng gây tác động rất lớn đến chất lượng không khí ở nội đô.
New Delhi ô nhiễm nhất thế giới
WHO xác nhận New Delhi (Ấn Độ) đã vượt mặt Bắc Kinh (Trung Quốc) trở thành thành phố ô nhiễm nhất
thế giới.
Theo khảo sát, 13 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều ở Ấn Độ, trong đó có 4 thành phố đứng đầu danh sách là New Delhi, Patna, Gwalior và Raipur. Trong khi đó, Bắc kinh, nơi nổi tiếng với bụi mù dày đặc, lại xếp vị trí 77 trong bảng danh sách trên và mức độ ô nhiễm chỉ bằng 1/3 New Delhi.
Mặc dù hồi năm ngoái, không khí Bắc Kinh đã bị xếp hạng 17 ô nhiễm nhất thế giới khi tình trạng không khí trở nên tồi tệ nhất trong lịch sử và có mức ô nhiễm cao gấp 156% mức cho phép.
Xếp cuối danh sách là 32 thành phố đã cải thiện tình trạng ô nhiễm gấp 5 lần và 3/4 trong số này thuộc Canada, gồm thành phố Vancouver (Canada), cùng thành phố Hafnarfjordur (Iceland) và 7 thành phố khác của Mỹ.
Công khai để “thách thức”
Các chuyên gia WHO cho biết không có ý định nêu tên những thành phố “bẩn nhất thế giới” kể từ khi các nước tham gia cập nhật thông tin nhằm cải thiện môi trường của mình.
Dù vậy, Maria Neira, Giám đốc WHO về Sức khỏe Cộng đồng, cho biết mục đích công khai là để “thách thức” các thành phố và giúp họ cởi mở hơn về tình trạng ô nhiễm không khí của mình, thường do đốt than, khí thải công nghiệp và giao thông gây ra.
Bà nói thêm: “Chúng tôi đang tiến hành thảo luận với Trung Quốc về vấn đề ô nhiễm. Tổng giám đốc WHO đang ở đó và cho biết rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia có vấn đề lớn về ô nhiễm không khí. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến điều này để đảm bảo rằng các biện pháp liên quan được đưa ra có thể giảm ô nhiễm không khí".
Bên cạnh các biện pháp tích cực đang được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng để cải thiện chất lượng không khí như xây dựng các khu nhà "xanh," hạn chế phương tiện giao thông trong thành phố, áp dụng các quy định cụ thể về chất lượng kỹ thuật của các loại phương tiện và chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng sạch.
WHO kêu gọi các nhà quản lý và giới khoa học cùng nghiên cứu đưa ra các biện pháp tích cực hơn nữa để làm trong sạch bầu không khí tại các thành phố, nơi đang được phần đông dân số thế giới chọn làm nơi sinh sống.