Vietnamese English
Thấy tiền từ trong rác

12/17/2015 8:06:00 AM

Với những con người “thấy tiền từ trong rác” luôn tâm niệm rằng “rác là tiền”. Chính vì vậy nhiều nước khác đang tìm cách ngăn chặn sự lãng phí khổng lồ này bằng việc mở rộng "nền kinh tế nhặt rác".

Có quá nhiều thực phẩm mà thế giới sản xuất ra đã bị vứt đi, thay vì để ăn. Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng tại các nước giàu như Anh và Mỹ, nơi người tiêu dùng thường bỏ đi một nửa số thực phẩm đã mua.


Xử lý rác mang lại lợi nhuận không nhỏ


Trung bình đối với tất cả các công dân thuộc Liên minh Châu Âu (EU), có thể tránh lãng phí 47 triệu tấn chất thải thực phẩm mỗi năm. Nhưng ngay cả các nước nghèo cũng lãng phí số thực phẩm tương đương các nước giàu do yếu kém trong sản xuất, bảo quản và vận chuyển.

Nhiều nước khác đang tìm cách ngăn chặn sự lãng phí khổng lồ này bằng việc mở rộng "nền kinh tế nhặt rác". Ví dụ, Úc và Anh tái chế 30 - 40% rác thải so với chỉ 10-20% tại các nước đang phát triển như Việt Nam và Malaysia. Đây được dự báo là lĩnh vực thu lợi nhuận cao tại các thị trường mới nổi. Người Nhật mất 20 năm để cải tạo môi trường và đã làm giàu từ rác.
Việt kiều trên đất Mỹ

Công ty California Waste Solutions (CWS) của ông David Duong ở Mỹ đã chính thức thực hiện hợp đồng trị giá hơn 1 tỉ USD để thu gom và xử lý toàn bộ rác tái chế của TP Oakland, bang California, Mỹ trong 20 năm. Ngày 1/7/2015, 70 chiếc xe mới tinh trong tổng số 90 chiếc vừa đầu tư của CWS chính thức lăn bánh quanh TP Oakland, ra quân thực hiện thu gom rác theo hợp đồng mới với số lượng thu gom khoảng 270 tấn rác/ngày. Dự kiến trong thời gian tới con số này có thể tăng lên đến 550-600 tấn/ngày.

Được biết đây đều là những xe tải mới được công ty đầu tư hàng triệu USD, sử dụng khí thiên nhiên (CNG), sạch sẽ, bảo vệ môi trường. Khả năng giảm tiếng ồn, giảm ô nhiễm của các phương tiện giúp đảm bảo công việc đạt hiệu quả nhưng vẫn không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Nói về việc hợp tác, nâng cao ý thức người dân trong việc tái chế chất thải, ông David Duong, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CWS, cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã làm việc với các trường học, nhóm cộng đồng, tổ chức để giúp đỡ, giáo dục họ về những lợi ích to lớn đối với môi trường của việc tái chế và cách tái chế một cách đúng đắn”.

Người nước ngoài làm giàu từ phế liệu trên đất Việt

Nhà người Hoa nào ở Chợ Lớn ăn cam, quýt rồi cũng đều không bỏ vỏ. Họ phơi vỏ để dành dùng làm gia vị cho các món ăn. Ðây là nguyên liệu cho các nhà thuốc Bắc dùng bào chế thuốc trần bì ngọt the, bán cho bệnh nhân bị đắng miệng. Các quán ăn, nhà hàng của người Hoa không đổ bỏ đồ ăn thừa. Họ bán đồ ăn khách bỏ mứa cho những người nuôi heo để "kiếm thêm".

Một dạo, nhà hàng Triều Châu Hồng Toàn Tiên đắt khách ở quận 5 còn mang biệt danh... "nhà hàng chuồng heo" vì ông chủ nuôi bầy heo ở tầng trệt của nhà hàng bằng đồ ăn thừa của thực khách! Thỉnh thoảng, chủ nhà hàng bán lứa heo mập ú, thu tiền đầy tay.

Ngày trước, các chủ tiệm người Hải Nam ở Chợ Lớn thường giữ lại xác trà pú lỉ (trà đỏ) sau khi pha trà cho khách uống. Khi xác trà ngày càng nhiều, họ đem bán cho các trại hòm. Chủ các trại hòm dùng xác trà tẩm liệm thi thể người chết, thu phí dịch vụ mai táng khá cao.

Cũng ở Chợ Lớn, ngày nay, nhà nào cũng có hũ đựng cơm hẩm cùng đồ ăn thừa bỏ mứa. Cứ đôi ba ngày thì có người tới tận nhà lấy sạch đồ thừa đem về nuôi heo; đổi lại, người đó tặng cho gia chủ chút quà mọn. Phân heo được các ông già người Tiều cho vào cặp thùng nhôm có nắp đậy kín quảy đi bán cho những chủ vườn ở quận 6, quận 11 dùng bón rau cải.

Hoạt động kinh tế theo tinh thần tiết kiệm của người Hoa thì đồ phế thải của người này là nguyên liệu cho người kia, phế phẩm của ngành này là vật liệu cho ngành nọ. Do vậy, các ngành nghề kinh doanh phụ thuộc lẫn nhau, cứ xoay vòng tận dụng những thứ không đáng bỏ đi. Họ khéo làm gia tăng giá trị sản phẩm từ những thứ có trị giá rất thấp, ít ai để ý. Do vậy, thời buổi nào, người Hoa ở Chợ Lớn cũng đều sống khỏe.

Rác là tiền

Vào một ngày năm 1998, khi đi dạo trong trang trại của bố mẹ tại đảo Bowen ở British Columbia, ông Brian Scudamore đã vẽ ra 2 trang miêu tả tương lai của công ty và đặt ra một mục tiêu xa vời: Trong 5 năm, công ty thu rác của ông phải vươn tới 30 thành phố lớn hơn Vancouver tại Mỹ và Canada.

Tên ban đầu của công ty là “Những chàng trai rác” (“The Rubbish Boys”), Scudamore muốn có một cái tên thân thiện với hộ gia đình Mỹ hơn vì từ “rubbish” có bắt nguồn từ tiếng Anh Anh. Thêm nữa, công ty cũng đang có thêm nhiều nhân viên nữ.

Khi một đồng nghiệp nghĩ ra cụm “Got Junk?” (“Có rác à?”) xuất phát từ chiến dịch “Got Milk?” - một chiến dịch nổi tiếng thời bấy giờ cổ động mọi người tăng cường tiêu thụ sữa bổ dưỡng, Scudamore thấy viễn cảnh mà ông vẽ ra đã trở thành hiện thực. “Tôi chốt lại mục tiêu, tôi biết chắc chắn công ty phải có tên là 1-800-GOT-JUNK?, chúng tôi cần số điện thoại đó”, ông kể.

Công ty trị giá hàng triệu USD của ông Brian Scudamore mang tên 1-800-GOT-JUNK? có nhiệm vụ thu dọn và vận chuyển hàng phế phẩm tới các cơ sở tái chế hoặc cửa hàng đồ cũ. Mạng lưới công ty bắt rễ từ trụ sở tại Vancouver  (Canada) và tính đến nay đã mở rộng tới tới 325 khu vực khác. Từ khoản đầu tư vỏn vẹn 700 USD vào năm 1989, 1-800-GOT-JUNK? đã vươn lên trở thành một trong những công ty phát triển nhanh nhất thế giới, với đoàn 1.000 xe tải, doanh thu cán mốc hơn 107 triệu USD. Đối với Scudamore, rác là tiền.

Theo Minh Phúc (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2276