Sáu tuần trước, trận động đất tàn phá Haiti, cướp đi sinh mạng hơn 300.000. Trận động đất tấn công Chile hôm thứ Bảy, có cường độ mạnh gấp cả nghìn lần, nhưng số người thiệt mạng ước tính chỉ ở 3 con số.
Tại sao trận động đất cường độ nhẹ hơn lại gây tổn thất nặng nề hơn? Và tại sao những nỗi tai ương tàn khốc lại liên tiếp giáng xuống các quốc gia châu Mỹ?
Người phụ nữ Haiti và đứa con nhỏ ngồi giữa đống đổ nát sau trận động đất hôm 12/1
Tất nhiên không có lời nguyền nào. Hai trận động đất cũng không có mối liên hệ nào với nhau. Không thể đổ lỗi cho quỷ xa tăng hay ma quái. Câu trả lời đúng cho trường hợp này chỉ có thể căn cứ vào khoa học, do kiến trúc, kết cấu hạ tầng cơ sở, và do sự đói nghèo, bất cẩn của con người.
Các chuyên gia cho rằng sở dĩ con số thương vong ở Chile thấp hơn Haiti, dù động đất mạnh hơn rất nhiều, đơn giản là do nước này đã chuẩn bị đối phó với động đất tốt hơn. Chile giàu có hơn với những ngôi nhà xây dựng đúng tiêu chuẩn, phản ứng tốt và có lịch sử nhiều năm đối phó với thảm họa kiểu này.
Các nhà địa chấn học thường nói: “Động đất không giết người, nhưng các tòa nhà đổ sập thì có”.
Các tòa nhà ở Chile được xây dựng tốt hơn, với nguyên vật liệu tốt hơn. Công nhân xây dựng có kỹ năng cao hơn và người dân luôn ý thức phòng chống động đất. Càng ít ngôi nhà bị đổ thì số người thiệt mạng càng ít.
Trong khi đó, ở Haiti, kể cả thủ đô, đa phần những ngôi nhà tồi tàn, được xây dựng tạm bợ, chỉ cần một cú lắc nhẹ của bà mẹ Trái Đất cũng khiến những ngôi nhà này đổ xuống. Và giữa đêm tối, khi người dân đang say giấc nồng thì con số thương vong lớn là không tránh khỏi.
Chile nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương (còn gọi là Vành đai địa chấn Thái Bình Dương) - một khu vực bao quanh Thái Bình Dương có chiều dài tới 40.000 km. Đó là một khu vực có nhiều trận động đất và phun trào núi lửa nhất hành tinh. Theo các thống kê, 90% số trận động đất trên trái đất xảy ra tại vành đai này.
Phần lớn địa chấn mạnh tại vành đai Thái Bình Dương có thể tạo nên sóng thần - những con sóng cực mạnh di chuyển từ tâm của chấn động đất tới thềm lục địa. Đó là hiện tượng từng xảy ra trên Ấn Độ Dương vào năm 2004, khi một trận động đất có cường độ 9,3 độ Richter xảy ra gần đảo Sumatra của Indonesia. Khi đó khoảng 230.000 người đã thiệt mạng do sóng thần.
Trên khắp thế giới, các trận động đất mạnh 8,8 độ richter hoặc mạnh hơn rất hiếm. Trận động đất ở Chile có cường độ mạnh gấp cả nghìn lần động đất ở Haiti. Nhưng các nhà địa chấn học cũng từng cho rằng nếu có bất kỳ nước nào có thể phải hứng chịu một trận động đất như vậy thì đó là Chile. Trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, các quan chức Chile tỏ ra bình tĩnh và tự chủ vào ngày xảy ra thảm họa, chứ không hỗn loạn và kinh hãi như ở Haiti.
Ý thức sẵn sàng đối phó với động đất đó, tại Chile cũng như các nước khác, đồng nghĩa với việc công tác ứng cứu quen thuộc được chuẩn bị kỹ càng để áp dụng trong những giờ và ngày sau thảm họa. Những lều tạm được chuẩn bị sẵn sẽ được dựng lên, những người bị thương được điều trị kịp thời. Nhờ đó mà số người thiệt mạng giảm. “Trăm hay không bằng tay quen” người dân Chile có đủ phương tiện, lại quá quen với việc dọn dẹp những đống đổ nát và đưa nạn nhân ra khỏi những đống đổ nát đó kịp thời. Vì thế, cường độ mạnh hơn nhưng động đất ở Chile thiệt hại ít hơn.
Võ Vân (Theo CNN)
(Tổ Quốc, 2/3/2010)