Vietnamese English
Thay đổi tư duy về biển - Phải bắt đầu từ cấp quản lý

10/19/2009 9:53:00 AM

(VFEJ)-Để thực hiện được những mục tiêu mà chiến lược phát triển kinh tế biển đặt ra từ nay đến năm 2015, Việt Nam phải có đội ngũ cán bộ quản lý về tổng hợp biển và hải đảo có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra.

 

TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam, thẳng thắn nhìn nhận, về tổng thể, đến nay việc khai thác tiềm năng biển để phát triển kinh tế biển ở nước ta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi tụt hậu phát triển.

 

Cơ cấu ngành nghề kinh tế biển chưa hợp lý, mới phát triển một phần ở vùng biển quốc gia, chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Tuy là một quốc gia biển, thực tế nước ta vẫn chưa thực sự dựa vào biển để phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh.

 

Tại hội thảo“Xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển” do Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam tổ chức tháng 12/2008, ông Hứa Chiến Thắng - Tổng Cục Biển&Hải đảo, cho rằng quản lý tài nguyên và môi trường biển và hải đảo của nước ta vẫn rập khuôn quản lý “trực tiếp đơn ngành” chưa phù hợp với đặc điểm xuyên biến giới, đa ngành và đa mục đích sử dụng.

 

 

Quản lý yếu và tự phát trong khai thác sử dụng mặt biển, tài nguyên biển và hải đảo, coi trọng lợi ích trước mắt chưa coi trọng lợi ích lâu dài đã từng kéo dài trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20 là những nguyên nhân chính làm cho tài nguyên và môi trường biển bị suy kiệt ở nhiều nơi.

 

 

Hiện nay, các hạn chế chính trong quản lý tài nguyên và môi trường biển, hải đảo là vấn đề nhận thức, kiến thức còn yếu, cơ chế quản lý chưa phù hợp. Không chỉ ở cộng đồng mà ngay cả ở cấp các nhà quản lý ra quyết định và hoạch định chính sách cũng chưa hiểu đúng về bản chất, sự vận động và giá trị của biển, hải đảo.

 

 

Điều này không những hạn chế việc nhận được ích lợi từ việc sử dụng biển và hải đảo, mà còn làm mất đi giá trị vốn có của nó và nhiều khi lại có tác động tiêu cực trở lại.

 

 

Có rất nhiều nguyên nhân giải thích tình trạng trên. Có những nguyên nhân về kinh tế, xã hội và môi trường vùng biển Việt Nam còn có khía cạnh kỹ thuật cũng như quản lý, đặc biệt là thiếu chính sách và các văn bản quy định pháp luật phù hợp liên quan; thiếu cơ chế điều phối phối hợp hiệu quả giữa các ngành, cơ quan và các bên liên quan trong khai thác và quản lý tài nguyên, môi trường biển, dẫn đến mâu thuẫn về quyền lợi sử dụng tài nguyên không gian biển và ven bờ; thiếu sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan trong việc lập và triển khai các kế hoạch; thiếu thông tin dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển, ven bờ; thiếu nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng; thiếu vốn đầu tư cho hoạt động bảo vệ, quản lý tài nguyên môi trường biển, ven biển; hạn chế trong nhận thức cộng đồng, đặc biệt thiếu một tầm nhìn dài hạn, một chiến lược tổng hợp và một cách tiếp cận phù hợp để phát triển kinh tế biển theo hướng phát triển bền vững.

 

 

Nước ta có 30 tỉnh và thành phố ven biển chịu ảnh hưởng của biển, trong đó có 28 tỉnh và thành phố giáp biển, vì thế chỉ tính riêng số cán bộ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển ở các tỉnh sẽ là con số đáng kể.

 

 

Hiện nay, bộ máy quản lý nhà nước về biển của nước ta tổ chức theo nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ. Do đó một số vấn đề liên quan tới quản lý và bảo vệ môi trường biển thực hiện phân tán ở một số bộ, ngành.

 

 

Các bộ chuyên ngành khác nhau chịu trách nhiệm về ngành riêng của mình. Chủ yếu các quy hoạch, kế hoạch của bộ chuyên ngành do các cục, vụ chịu trách nhiệm xây dựng với ý kiến nhận xét của các cơ quan liên quan.

 

 

Bằng cách lập quy hoạch, kế hoạch như vậy, những cân nhắc về mặt kinh tế, môi trường và xã hội không được kỹ lưỡng, đặc biệt là về những vấn đề có xung đột về lợi ích giữa các ngành khác nhau.

 

 

Đến nay chính thức có một cơ quan quản lý nhà nước quản lý tổng hợp thống nhất về biển là Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam. Tuy vậy, do chưa có thể chế, chính sách thích hợp, nhiều bộ ngành cũng tham gia quản lý biển nên dẫn đến tình trạng chồng chéo, trong khi nhiều khâu lại bỏ trống.

 

 

Các địa phương chưa hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý biển thống nhất nên rất lúng túng và có tình trạng buông lỏng trong quản lý.

 

 

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh sáu nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu Tổng cục cần tập trung làm tốt trong năm 2009 và những năm tới, trong đó xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về biển, hảo đảo.

 

Cũng theo Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam, từ nay đến năm 2015, sẽ có khoảng 500-550 cán bộ, công chức, viên chức cần được trang bị kiến thức về nghiệp vụ quản lý tổng hợp về biển.

 

Trước mắt, Tổng cục sẽ xác định các đối tượng cần tập trung bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực cho ngành, các yêu cầu về khối lượng, nội dung kiến thức cơ bản và thời gian bồi dưỡng.

 

Tiếp đó, Tổng cục sẽ xác định nhu cầu cầu hỗ trợ của bộ chủ quản và các bộ, ngành có liên quan, các nhà tài trợ quốc tế đối với Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam và các địa phương có biển trong bồi dưỡng, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác này.

 

Như vậy, đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các cấp và nâng cao nhận thức cộng đồng để khắc phục được các yếu điểm về nhận thức, kiến thức đối với quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên, môi trường biển, hải đảo. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài, đầy khó khăn, thách thức.

 

 

Các kiến thức chung về biển và hải đảo cần trang bị cho cán bộ quản lý các cấp, nâng cao nhận thức cộng đồng ven biển như điều kiện, các quá trình tự nhiên, quy luật và hoạt động điều tra nghiên cứu; Tài nguyên thiên nhiên, giá trị sử dụng và hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; Quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo trong đó có nội dung về quản lý tổng hợp.

 

 

Để đáp ứng yêu cầu hiện nay, trong hệ thống quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo ở trung ương cho tới các cấp quản lý cơ sở thuộc ngành tài nguyên và môi trường biển, đào tạo ngắn hạn cho cán bộ quản lý mang tính chất bổ túc về nghiệp vụ, quản lý tổng hợp biển và hải đảo là rất cấp bách- vấn đề này cần phải là một trong những nội dung đào tạo cơ bản trong hoạt động đào tạo của Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam.

 

 

Nội dung quản lý tổng hợp này có thể lồng ghép vào chương trình đào tạo chung, mang tính phổ cập hoặc được xây dựng thành nội dung chuẩn mực áp dụng cho khóa đào tạp chuyên sâu cho đối tượng là các cán bộ quản lý ở cấp quản lý trực tiếp tại địa phương, từ cấp tỉnh và thành phối (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho đến cấp huyện (phòng pài nguyên&môi trường) ven biển.

 

Việt Anh

(VFEJ, 19/10/2009)

Lượt xem : 2153