Vietnamese English
Thay đổi cách bảo tồn mới là chuyện bức thiết

7/17/2012 6:54:00 AM

Sau loạt bài phóng sự Người và bò tót tranh nhau đất sống, báo Sài Gòn Tiếp Thị nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Đó là những ý kiến bộc bạch quan điểm không thể phá rừng để phát triển kinh tế bằng mọi giá.

 

 


 

Sinh cảnh khu vực đồi Xương Rồng trong nông lâm trường Tân Lập (Đồng Phú) nơi bò tót sinh sống.
 Ảnh: Trung Dũng

 

Với trải nghiệm của một chuyên gia hơn 15 năm nghiên cứu về động vật hoang dã, theo tôi, để đánh giá tác động môi trường một dự án, hay một công trình nào đó liên quan đến môi trường, cần phải có nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan vì môi trường là khoa học đa ngành. Chẳng hạn, riêng về động vật hoang dã, trong hợp phần sinh thái cũng phải cần ba chuyên gia riêng biệt. Tuy nhiên, một số khu vực rừng thứ sinh không thuộc vào các khu vực bảo vệ như: vườn quốc gia, khu bảo tồn thì cũng có thể ghép ba chuyên môn này lại thành một. Tất nhiên, chuyên gia này phải có sự am hiểu về động vật hoang dã và môi trường sinh thái. Như vậy là phải hơn cả chục người ở các cơ quan khác nhau đánh giá theo những hợp phần khác nhau để khảo sát, thu thập và hoàn tất đánh giá các dữ liệu của báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Trở lại kết quả khảo sát ở Đồng Phú, chỉ nói về báo cáo đánh giá tác động môi trường về ngọn đồi 212 (đồi Xương Rồng), có thể thấy báo cáo này cực kỳ sơ sài, không hề quan tâm đến sự tồn tại của bầy bò tót tại khu vực này, không hề có dữ liệu khảo sát đa dạng sinh học và các biện pháp nhằm giảm thiểu sự tác động của công trình khai thác đá đối với môi trường xung quanh. Cũng vì chỉ cần báo cáo cho có thủ tục mà có thể, các đơn vị khác đã được cấp phép, để rồi, rừng bị chuyển đổi mục đích, sinh cảnh của đàn bò tót và nhiều loài động vật quý hiếm chúng tôi ghi nhận được ở đây (bò rừng, voọc chà vá chân đen, nai, gà lôi lông tía…) đã bị tác động nghiêm trọng bởi các hoạt động của con người.

Trước đây, tôi cũng từng có bài viết trên Sài Gòn Tiếp Thị nêu ý kiến về cách làm việc kiểu ăn xổi của nhóm các chuyên gia khi đánh giá tác động môi trường thuỷ điện 6A, 6B (Đồng Nai). Những báo cáo chúng tôi tiếp cận được khi đánh giá tác động môi trường ở Đồng Phú cũng thế. Vì vậy, để xây dựng và phục vụ cho công tác giữ gìn rừng đầu nguồn, các hệ sinh thái khác nhau lâu dài và bảo tồn các loài thú quý hiếm đang trên bờ vực tuyệt chủng như: voi, bò tót, bò rừng… cần có chương trình điều tra nghiên cứu tổng thể về đa dạng sinh học ở khu vực rừng Đồng Phú. Điều này sẽ giúp cho UBND tỉnh Bình Phước ra những quyết sách thích hợp để phát triển kinh tế và phát triển bền vững ở địa phương.

Ngô Văn Trí, nhà nghiên cứu động vật

 

Muốn bảo tồn loài, phải tiếp cận từ hệ sinh thái

Về dự án bảo tồn các loài cụ thể, thực tế mình đã có nhiều dự án thất bại rồi. Cho nên hướng đến bảo tồn một loài cụ thể, về nguyên tắc, với cách tiếp cận này trên thế giới thì đúng, nhưng áp dụng ở Việt Nam lại không hợp lý. Thế giới khi làm công tác bảo tồn, người ta coi loài đó có vai trò trong hệ sinh thái, mỗi loài có nguy cơ, họ tập trung vào bảo vệ. Cách nhìn nhận của mình lại khác, mỗi loài có một giá trị trong đời sống của con người, chứ không có giá trị trong đời sống của thiên nhiên. Chính vì cách tiếp cận này, nên người ta hay đặt câu hỏi: con hổ bao nhiêu tiền, chứ không hỏi con hổ có giá trị gì trong hệ sinh thái. Do đó, phải thay đổi bằng cách tiếp cận từ hệ sinh thái, chứ không phải cứ loài nào đáng báo động mới tập trung đầu tư, bảo vệ chúng.

Với cách làm mới này, hệ sinh thái nào có giá trị thì phải tập trung chú ý và đầu tư bảo vệ. Chẳng hạn, nếu đầu tư chương trình bảo tồn hổ thì khó thành công, nhưng nếu đầu tư bảo vệ hệ sinh thái Bắc – Trung Trường Sơn cho hổ, thì tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều. Hiện tại, những dự án nhỏ làm về bảo tồn ở Nhà nước mình rất ít, thậm chí không có. Còn lại phần lớn do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài họ làm, trực tiếp đầu tư. Có một quan niệm rất lạ là khi thấy người ta mang tiền đến thì rất ủng hộ và khuyến khích, và như vậy nghĩa là mình cũng đã quan tâm đến loài đó rồi.

TS Hà Thăng Long,
Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Cúc Phương


(SGTT)

Lượt xem : 1199