Vietnamese English
Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao chất lượng môi trường

6/3/2020 6:58:00 AM

Đến nay, việc triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 của thành phố Hồ Chí Minh đã có 14/16 mục tiêu về đích trước hạn, góp phần giúp chất lượng môi trường đô thị thành phố ngày càng được nâng lên. Nỗ lực này tạo tiền đề quan trọng để xây dựng thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp.



Chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực chung tay xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.

50% chất thải rắn sinh hoạt dùng đốt phát điện

Thành phố Hồ Chí Minh là một siêu đô thị với khoảng 13 triệu dân. Toàn thành phố có hơn 10 triệu phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, 3 khu chế xuất, 14 khu công nghiệp, khu công nghệ cao và hàng nghìn nhà máy, xí nghiệp cùng hệ thống hơn 2.000km kênh rạch nhận nước thải chưa qua xử lý. Thực trạng này là những nguyên nhân chính khiến môi trường thành phố nhiều năm trước bị ô nhiễm nghiêm trọng...

Để khắc phục tình trạng trên, từ tháng 11-2016, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, với các mục tiêu như: Giảm ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải; giảm ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế...

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, qua gần 4 năm triển khai, hiện 100% chất thải rắn thông thường, chất thải rắn công nghiệp nguy hại, chất thải y tế được thu gom, lưu giữ và xử lý an toàn; 100% các khu công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và vận hành bảo đảm các quy chuẩn môi trường Việt Nam… Đặc biệt, trong năm 2020, thành phố sẽ đạt chỉ tiêu chôn lấp khoảng 50% trong tổng số hơn 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày, số còn lại được đốt phát điện trong 3 nhà máy xử lý chất thải rắn đang xây dựng tại các khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố.

Ngoài ra, để giảm thiểu ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, thành phố đã đầu tư 109 xe buýt cho 9 tuyến mới; chuyển đổi, bổ sung 816 xe cho các tuyến hiện hữu; ưu tiên chuyển đổi phương tiện sang sử dụng nhiên liệu sạch (điện, LPG, CNG, LNG...) để thay thế nhiên liệu truyền thống, giảm phát khí thải độc hại.

Ông Phương Hữu Trung, 43 tuổi, ngụ tại đường Bến Phú Định (phường 16, quận 8) chia sẻ: “Tôi thường xuyên sử dụng xe buýt để đi lại. Việc hệ thống xe buýt chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch là chủ trương rất đúng đắn, góp phần giảm ô nhiễm không khí cho thành phố".

Xây dựng thành phố xanh, thân thiện môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh thông tin, hiện thành phố đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện 2 chỉ tiêu trong Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 là: 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường; giảm thiểu 90% tải lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép gộp 3 dự án nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt về thành 1 nhà máy lớn ở Bình Hưng Hòa, với tổng công suất xử lý 800.000m3/ngày - đêm, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.

Một giải pháp quan trọng nữa là thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng. Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên từ năm 2021; khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương trong năm 2020. Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, trong năm 2020, thành phố đề xuất Chính phủ và Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư các tuyến đường sắt đô thị số 3A và số 5. Ngoài ra, từ ngày 15-5, thành phố bắt đầu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy sau 5 năm hoạt động để từng bước có giải pháp giảm nguy cơ ô nhiễm từ loại hình phương tiện này.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Hiện, sau hơn 1 năm thực hiện, đã có 1,36 triệu hộ dân ký cam kết không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định. Toàn thành phố đã chuyển hóa được 656/733 điểm ô nhiễm về rác thải. Có 70 điểm đã được chuyển hóa thành nơi sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên.

“Cùng với nỗ lực hoàn thành Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, kế hoạch xây dựng thành phố xanh - thân thiện với môi trường sẽ tiếp tục được triển khai rộng rãi tới các cơ quan, đơn vị, người dân, để tất cả chung tay xây dựng thành phố Hồ Chí Minh ngày càng xanh, sạch và đáng sống”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh

Tuệ An/HNM

Lượt xem : 1351