Vietnamese English
Thành phố Hồ Chí Minh khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn Cần Giờ

9/8/2024 8:05:00 AM

Thị trường carbon đang trở thành một vấn đề quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Rừng ngập mặn ven biển không chỉ đóng vai trò như một lá chắn tự nhiên bảo vệ các vùng đất khỏi thiên tai mà còn là nơi hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả, góp phần giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo các chuyên gia, các hệ sinh thái ven biển và đất ngập nước bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy, thủy triều, cỏ biển… đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Không những vậy, hệ sinh thái này còn đảm bảo sinh kế và an sinh xã hội cho cộng đồng ven biển. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rừng ngập mặn và đất ngập nước có khả năng hấp thụ carbon nhiều hơn so với hệ sinh thái khác. 

Những năm trở lại đây, thị trường tín chỉ carbon rừng trên cạn không được nhắc đến nhiều mà các quốc gia trên thế giới, nhà đầu tư chuyển sang tín chỉ carbon xanh dương (tín chỉ carbon từ hệ sinh thái biển), sản phẩm đắt tiền và cao cấp của tự nhiên. Carbon xanh dương là carbon được lưu trữ tự nhiên trong các hệ sinh thái ven biển, thường là trong đất ngập nước, phổ biến nhất là rừng ngập mặn, đầm thủy triều và thảm cỏ biển.

Đáng chú ý, giá bán tín chỉ carbon rừng ngập mặn cao hơn rất nhiều so với dự án rừng trên cạn. Carbon rừng trên cạn có giá 5 - 10 USD/tín chỉ. Trong khi đó, vào năm 2022, trên toàn cầu có 6 dự án tín chỉ carbon rừng ngập mặn được đấu thầu, giá đấu thầu thấp nhất là 35 USD/tín chỉ. Việt Nam có nhiều ưu thế phát triển thị trường carbon trong lâm nghiệp.  

Rừng ngập mặn ven biển là nơi hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả, góp phần giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.  

Thông tin từ Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ở nước ta, rừng ngập mặn khoảng 15.000 hecta, 80% phân bố ở phía Nam. Bãi triều khoảng 18.000 hecta, chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Cỏ biển khoảng 15.637 hecta với 66% ở khu vực đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Trữ lượng carbon ở rừng ngập mặn cao với khoảng 8,7 triệu tấn carbon (chiếm 1,4% tổng trữ lượng carbon trong hệ sinh thái rừng). Như vậy, hệ sinh thái rừng Việt Nam có tiềm năng khoảng 612 triệu tấn carbon.

Mặc dù tiềm năng tín chỉ carbon của rừng ngập mặn tại Việt Nam cao nhưng thực tế thị trường còn mới. Do đó tại Việt Nam muốn khai thác tiềm năng cần hoàn thiện cơ sở hành lang pháp lý, đưa ra những chính sách có tính chiến lược, mang tính hiệu quả để các doanh nghiệp, các bên liên quan có thể dễ dàng tiếp cận thị trường này. Đồng thời, cần nghiên cứu và thu thập số liệu, thẩm định kiểm chứng các chi phí và lợi ích liên quan đến thể chế, xã hội và môi trường mà tín chỉ carbon rừng mang lại.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho nhiều diện tích rừng bị ngập sâu, biển đang có xu hướng tiến sâu vào nội địa dẫn đến hiện trạng hệ sinh thái thay đổi như giảm diện tích rừng và thành phần đa dạng các loài. Ngoài ra, sạt lở, nhiễm mặn, các hoạt động từ thượng nguồn sông Mekong như xây dựng các đập thủy điện, ngăn dòng đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống rừng ngập mặn. Do đó, cần quản lý rừng bền vững tiếp đến nâng cao tuyên truyền cho người dân về tín chỉ carbon.  

Là huyện đảo duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Cần Giờ có bờ biển kéo dài 23 km, diện tích tự nhiên hơn 71.300 ha với diện tích rừng ngập mặn và sông rạch lớn, chiếm 70% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Trong đó, diện tích rừng ngập mặn chiếm 35.000 ha, được ví như “lá phổi” xanh của TP.HCM có tác dụng điều hòa môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, khu vực này còn có hệ thống động, thực vật phong phú; có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng với sông, rạch và biển, và là cái nôi sinh sản của các loại thủy hải sản. 

Theo các chuyên gia, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon cao từ 4-10 lần so với rừng bình thường. Với tiềm năng lớn về tín chỉ carbon, công tác bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn được lãnh đạo TP.HCM và huyện Cần Giờ đặc biệt quan tâm, nhất là công tác trồng mới rừng đang được triển khai mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh. Hiện rừng ngập mặn Cần Giờ có 35 loài cây ngập mặn, đây là một trong những nỗ lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Cần Giờ. 

Huyện Cần Giờ hướng tới mục tiêu khai thác thị trường tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn. 

Đặc biệt, UBND huyện Cần Giờ đã ban hành Kế hoạch phối hợp xây dựng Chương trình hành động Vì một Cần Giờ Xanh nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo Chương trình trình Thành ủy TP.HCM cho ý kiến. Theo Kế hoạch, Cần Giờ sẽ nghiên cứu trồng rừng gắn với tạo tín chỉ carbon. Theo đó, UBND huyện Cần Giờ giao Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, Phòng Kinh tế rà soát, đề xuất và triển khai các nội dung trồng rừng theo các chương trình, kế hoạch hiện hành.

Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2025, Cần Giờ dự kiến trồng rừng mới 180 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: 200 ha; chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2016 - 2020: 150 ha. Giai đoạn 2026 - 2030: Trồng rừng: 280 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: 200 ha; chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2024 - 2025: 150 ha.

UBND huyện Cần Giờ giao Ban Quản lý Rừng phòng hộ, Phòng Kinh tế nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ dữ liệu về trữ lượng và hệ số chuyển đổi carbon của các loài cây rừng ngập mặn tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ. Nhiệm vụ này nhằm góp phần triển khai nội dung xác định khả năng hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn TP.HCM cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng tín chỉ carbon theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2026). 

Ngoài ra, Kế hoạch còn đề xuất các giải pháp, biện pháp lâm sinh tỉa chăm sóc rừng đước để nâng cao chất lượng rừng và tạo giá trị thẩm mỹ cho cảnh quan rừng, nâng cao chất lượng của hệ sinh thái đất ngập nước. Rà soát hiện trạng sử dụng các giải pháp xanh trong sản xuất, các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh, các trụ sở sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái, khu vực rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, tham mưu UBND huyện quy đổi ra tín chỉ carbon.

UBND TP.HCM cho biết, là một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển xanh, TP.HCM đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Do đó, một trong những giải pháp là tăng cường trồng rừng, mở rộng rừng của thành phố, từ đó tạo ra giá trị đáng sống cho người dân và du khách khi sống và trải nghiệm tại thành phố xanh. Trong đó, xây dựng Cần Giờ là huyện xanh và rừng Cần Giờ sẽ tạo ra giá trị bằng tiền là một trong những ưu tiên hàng đầu. 

Cùng với việc đẩy mạnh khai thác thị trường tín chỉ carbon, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho 158 hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ phát triển rừng gắn với công tác giảm nghèo bền vững đã được huyện Cần Giờ triển khai, giúp người dân nhận khoán bảo vệ rừng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, với lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có Cần Giờ  là địa điểm lý tưởng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý tưởng. Vì vậy, thời gian qua, Cần Giờ đã đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh, hướng đến mục tiêu tạo ra sinh kế bền vững và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của hệ sinh thái tự nhiên.

Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Thành ủy TP.HCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 đã xác định, năm 2030 huyện Cần Giờ trở thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh tầm khu vực. Trong đó, phát triển du lịch sinh thái tại Cần Giờ gắn với định hướng trở thành mô hình đặc sắc bảo tồn sinh học, bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Hồng Anh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn

Lượt xem : 551