Để lan tỏa tới cộng đồng và triển khai tháng hành động vì môi trường hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu
Tập trung triển khai một số nội dung, giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn nước xuyên biên giới, nhất là hệ thống sông Mê Công. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và các quy định pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng khoảng 41,6%; xử lý nghiêm, triệt để tình trạng khai thác và phá rừng bất hợp pháp, khai thác tài nguyên, khoáng sản, cát, đá, sỏi... trái phép.
Triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường, nhất là về đất đai, quan trắc tài nguyên và môi trường, cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng và khuyến khích xã hội hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo về tài nguyên và môi trường, kết nối giữa trung ương với địa phương. Tăng cường công tác kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Triển khai hệ thống tiêu chuẩn về môi trường nhằm lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, không cấp phép cho các dự án không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường. Ban hành và thực hiện cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng và hoàn thành phương án triển khai công tác điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Phấn đấu đạt mục tiêu 88% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Triển khai lồng ghép mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các cam kết quốc tế của Việt Nam vào các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành và địa phương. Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát quy hoạch, bố trí lại dân cư tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho người dân, thực hiện các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, ngành nghề phù hợp, hiệu quả gắn với thị trường tại các vùng tái định cư và vùng bị tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Nghiên cứu và triển khai ứng dụng các mô hình kiến trúc, vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo; nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, giải quyết hiện tượng sụt lún nền đất, ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng quy hoạch tích hợp, phát triển hệ thống hồ chứa điều tiết thích ứng với biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán và triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể trong quản lý, xử lý chất thải và phế liệu trong đó tập trung vào chất thải nhựa
Triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên, đặc biệt áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.
Đồng loạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2018
Trong thời gian từ nay đến hết tháng 7 năm 2018 đồng loạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới tạo thành chuỗi hoạt động thuộc "Tháng hành động vì môi trường" trên phạm vi cả nước trong đó tập trung vào một số hoạt động chính sau:
Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chủ trương đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Ngày Môi trường thế giới; phổ biến, giới thiệu các mô hình tiên tiến về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động bảo vệ môi trường do người dân và cộng đồng tự khởi xướng; lên án, tạo dư luận và áp lực xã hội với những hành vi khai thác bừa bãi, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
Tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề Ngày Môi trường thế giới 2018 “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” ở nơi công cộng, các đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ tham bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như: công trình xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị và nông thôn; trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở và ngăn ngừa xâm nhập mặn; thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu,...
Tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư… nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng nhân sự kiện Ngày Môi trường thế giới năm 2018.
Các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng thời lượng phát sóng về tác hại của chất thải nhưa, túi ni lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng; Định hướng các biện pháp giảm thiểu phát sinh, giảm sử dụng, tái sử dụng chất thải nhựa trong đời sống hàng ngày; xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự vận động người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon….
Đồng thời phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước tổ chức quán triệt việc chấp hành nghiêm túc, đầy đủ quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tập huấn, phổ biến pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững, về quản lý chất thải và phế liệu cho cán bộ, công nhân viên, người lao động.
Hướng dẫn các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh rà soát, kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ô nhiễm môi trường, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; kiện toàn bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường các cấp, rà soát, xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ môi trường nội bộ; Xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả các vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm.
Tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại và siêu thị cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nilon, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng. Khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội trong đó có trách nhiệm bảo vệ môi trường.