Tháng 10 "màu sương thương nhớ" đã ùa về!
10/5/2015 10:03:00 AM
Mùa thu từ lâu luôn khiến những tâm hồn lãng mạn thấy xao xác lòng mỗi khi đón từng cơn gió nhẹ hơi se lạnh mơn man thịt da, hay ngẩn người ngắm từng chiếc lá chạy lăn tăn nơi hè phố. Ấy cũng là mùa của cốm xanh, của hoa sữa về và cũng là mùa của thiệp cưới đến.
Cứ bắt đầu vào tháng 10 là người Hà Nội lại bắt đầu cảm nhận được sự giao mùa ngày càng rõ rệt khi cái nắng hè đã bớt gắt, làn da thiếu nữ thêm hanh hao và cũng bởi trang phục của các nàng xuống phố có phần cực kỳ đa dạng khi tuỳ sự thích nghi của cơ thể mà người diện đồ hè hay đồ thu tuỳ thích.
Cũng bởi mùa thu Hà Nội đẹp lạ lùng vậy mà trong tiết tháng 10, người ta thường hay nhớ về một Hà Nội của "cây bàng lá đỏ", của phố xưa nhà cổ với những phong vị khó quên, cứ lãng đãng đâu đây trong từng ngôi nhà, con ngõ.
Người trung niên thì thấy thèm lang thang trên phố vắng hay dạo bước đến những địa điểm ưa thích mà thuở hoa niên đã từng gắn bó khi thu về. Trong khi người trẻ tuổi 25 thì đón thu với rất nhiều tâm trạng. Lòng người cũng hay đổi thay theo thời tiết, bởi khi gió bắt đầu se lạnh đánh động nơi bờ vai thì những tâm hồn cô đơn lại thèm một hơi ấm kề bên. Nhất là trong khi họ đang "gồng mình" để sống trẻ, sống hiện đại nghĩa là tuổi 25 chỉ mới ở ngưỡng bắt đầu cảm nhận cuộc sống, tài chính và kinh nghiệm sống ở mức vừa đủ để vi vu trải nghiệm tận hưởng thú vui cuộc đời, ai dại gì chui ngay đầu "vào rọ" để tất bật cơm nước chồng con. Thế nhưng, thu đến cũng đôi lúc khiến họ yếu lòng khi một tuần nhận được 5 tấm thiệp cưới, 3 lời mời đến tiệc thôi nôi, tránh sao khỏi chạnh lòng.
Đó là chưa kể các bậc phụ huynh cũng đứng ngồi không yên khi thấy những "quả bom nổ chậm" chẳng có vẻ gì là muốn lăn ra khỏi nhà. Chiến thuật của cha mẹ cũng đủ cả, từ "cưa bom" cho đến dùng tình lẫn tiền để "rà phá bom mìn" nhưng toàn gặp phải loại bom xịt nằm im trong nhà.
Trong khi hàng tuần các bậc phụ huynh cũng nhận thiệp cưới có kém gì mấy "cọc tre" ở nhà đâu. Có những lúc cha mẹ cằn nhằn quá, nhiều bạn gái còn chọn cách vài tháng mới về thăm nhà một lần nếu đi làm xa nhà, hoặc cứ thứ 7, CN, lễ, Tết cũng xách xe đi, nhưng là để đi "tụ bom" chứ không phải là tìm người "tháo kíp".
Tuy nhiên, cũng bởi sống ở các buổi giao thời, khi mà thế giới thay đổi các giá trị cố hữu, gái 25 không thể gọi là ế, thì những người "muôn năm cũ" vẫn cứ không cho các thiếu nữ này được sống hiện đại. Tuy rằng chạnh lòng thế, nhưng với họ cũng chỉ chút ít thôi.
Bởi nếu hứng lên, sau giờ làm họ sẽ rủ nhau đi xem "Khách sạn Huyền bí 2" mới ra mắt, rồi ăn chơi khuya xong mới về nhà. Chẳng phải như lũ bạn cùng tuổi, chồng con cách rách, cứ hết giờ làm là mớ rau, con cá cun cút về nấu cơm cho chồng con, nhìn gái 25 độc thân mà thèm.
Hay "khổ" hơn là phải tranh thủ giờ đón con, chạy ào vào rạp mua vé xem phim cho 2 mẹ con vì thèm cảm giác ngồi rạp quá đỗi để đến nỗi "thoả mãn" bất ngờ khi cả rạp chỉ thấy có nhõn 2 khán giả áo vàng trên hàng dãy ghế xanh trong rạp vì chọn xem phim buổi 17h30.
Cái sự "thưởng thức" nghệ thuật tranh thủ xem ra cũng mất phần trân trọng đi nhiều so với thuở xưa, khi người Hà Nội dành cả buổi để chuẩn trang phục cẩn thận, không ăn tối ở nhà mà đi ăn nhẹ ngoài hàng trước khi xem buổi diễn. Sau đó, tan cuộc, khi đã thoả mãn sự xem, văn hoá tinh thần đã dồi dào, người ta lại kéo nhau đi ăn đêm, vừa là cái thú, lại vừa là lúc bình phẩm hay ho về buổi diễn vừa được thưởng thức, để rồi những gì đọng lại sẽ trở thành động lực cho những lần đi xem, nghe, nhìn tiếp theo.
Nhưng sự hoài thu ấy giờ đã bớt đi quá nhiều khi người ta chẳng cần chuẩn bị tao nhã cẩn thận đến thế mà đã có được sự giao lưu cực kỳ đa dạng nhờ mạng xã hội. Thậm chí, khán giả còn chẳng thèm "nhấc mông" ra khỏi nhà mà họ xem luôn phim trực tuyến, bàn luận luôn trong khi xem với rất nhiều người trên thế giới. Còn gắn thú ẩm thực với việc xem không phải là thứ được quan tâm của những "con mọt mạng".
Tuy nhiên, vẫn khá may là trong cái tiết trời hanh hao ấy, giới trẻ Việt vẫn ùn ùn kéo nhau đi xem một bộ phim có những cảnh quay đẹp đến nao lòng khiến khá nhiều khán giả phải thốt lên: không ngờ Việt Nam mình có những cảnh quay đẹp khó tả đến vậy. Nhưng cũng vì thế mà "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" trở thành bộ phim luôn được nhắc đến những ngày cuối tuần qua với nhiều ý kiến trái chiều. Khán giả nam thì cứ thắc mắc sao nhiều bạn khác phải khóc? Phải chăng mình không khóc là không cảm được phim?
Còn với giảng viên của một trường đại học tại Hà Nội, anh chỉ nhận xét ngắn gọn rằng: Cảnh quay đẹp, tuy nhiên nếu bọn trẻ con xem sẽ không hiểu được những ý nghĩa sâu xa trong phim.
Còn người lớn xem thì vẫn cứ thấy thiêu thiếu điều gì đó. Nhưng dù sao, đó vẫn là một bộ phim thành công về mặt truyền thông và có lẽ sẽ kéo theo cả doanh thu khi đã khiến người xem mong chờ từ khi mới bấm máy. Hơn nữa, chọn thời điểm đầu thu để ra mắt một bộ phim với nhiều cảnh quay lãng mạn, nhà đầu tư quả là hiểu trời, hiểu người.
Theo Songmoi.vn
Lượt xem : 2601