Báo cáo của Hội đã được các đại biểu tham dự Hội thảo và các phóng viên báo đài đánh giá cao và đặc biệt quan tâm.
Xin được đăng toàn văn báo cáo tham luận của Hội
Bài phát biểu bổ sung tại Hội thảo “Bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp” do Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Bộ TN&MT và Chương trình UNDP phối hợp tổ chức.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Kính thưa quý vị đại biểu, chúng tôi xin phát biểu 3 ý kiến.
Ý kiến thử nhất. Với tư cách là người được mời tham gia chuẩn bị Hội thảo này, chúng tôi rất đồng tình với các nội dung báo cáo và tham luận đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và đã trình bày ở đây, nhất là những phân tích, đánh giá và kiến nghị liên quan đến một số vấn đề ưu tiên về chính sách và luật pháp bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta. Đây đều là những vấn đề bức xúc, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà các hội viên và các tổ chức của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chúng tôi thường trăn trở.
Ý kiến thứ hai. Chúng tôi xin nhấn mạnh, cần phải thực sự tập trung công tác quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học vào một mối. Sự thiếu tập trung, phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước trong những năm qua về bảo tồn đa dạng sinh học là một bất cập lớn, gây ra những hệ lụy không đáng có và ngày càng trầm trọng, hạn chế rất nhiều những nỗ lực chung của chúng ta.
Chúng tôi tin chắc chắn rằng: Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như tất cả các địa phương đều không thiếu việc làm, nếu không được phân công quản lý lĩnh vực đa dạng sinh học. Vì vậy không nên nói tới việc tranh chấp gì đó ở đây.
Theo đánh giá kết quả hoạt đông của nước ta thời gian qua và đúc rút kinh nghiệm của các nước, có thể khẳng định: chừng nào công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học còn bị xé nhỏ, còn chưa quy về một mối, thì đa dạng sinh học còn bị suy giảm. Các chủ trương, luật pháp về bảo tồn đa dạng sinh học, dù đúng đắn đến đâu, cũng vẫn tiếp tục không đạt được các kết quả và hiệu quả như mong đợi. Cần có sự đổi mới trong quan niệm về xây dựng chính sách và luật pháp, sự dũng cảm trong phân định nhiệm vụ giữa các bộ ngành, sự mạnh dạn trong điều chỉnh nhân lực và nguồn lực để đưa công tác quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học vào một bộ. Phải chăng đây chính là ưu tiên của ưu tiên trong chính sách bảo tồn của chúng ta lúc này.
Ý kiến thứ ba. Chúng tôi xin nói về việc huy động cộng đồng bảo tồn đa dạng sinh học.
Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường,… là sự nghiệp của toàn dân. Ai cũng biết vậy, chính sách và luật pháp bảo tồn cũng xác định như vậy, nhưng rất tiếc rằng thực tế không hẳn như vậy. Để trình bày cụ thể vấn đề này, xin lấy ví dụ một việc mang tính chất cộng đồng rất sâu rộng gần 5 năm qua, đó là sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do Hội chúng tôi xây dựng và tổ chức thực hiện. Dù không có tiền hỗ trợ, nhưng người dân vẫn háo hức chờ mong, và đã có hàng nghìn bộ hồ sơ cây gửi đến xin xét duyệt công nhận. Đến nay, chúng tôi đã chọn lọc và vinh danh được trên 700 cây và được cộng đồng bảo vệ, chăm sóc đặc biệt. Một số nơi đã lập Quỹ bảo vệ chăm sóc cây và nhân giống, ươm nuôi Cây Di sản. Đã có 60 loài cây ở 43 tỉnh và thành phố trong cả nước được cộng đồng tôn vinh là Cây Di sản Việt Nam, được bảo vệ nghiêm ngặt, được khai thác phục vụ du lịch. Cây cao tuổi nhất trên 2.000 tuổi, cây cao nhất trên 70 mét, có cây nằm sát biên giới quốc gia, có nhiều cây nằm ngoài đảo, quần đảo.
Theo một phương pháp được quốc tế thừa nhận, viết tắt tiếng Anh là TAI, cần có 4 sự bảo đảm để cộng đồng có thể thực sự bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Đối vối trường hợp Bảo tồn Cây Di sản Việt nam, sự bảo đảm về THÔNG TIN, sự bảo đảm ĐƯỢC THAM GIA là đã có. Nhưng cộng đồng bảo tồn Cây Di sản Việt Nam chưa được bảo đảm về mặt PHÁP LUẬT, và đặc biệt hầu như không được bảo đảm về mặt TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC để bảo tồn. Cộng đồng cả nước nhiệt liệt hưởng ứng, nhiều chuyên gia và tổ chức nước ngoài quan tâm, truyền thông rầm rộ và liên tục đưa tin,… Đặc biệt nhiều vị nguyên là, nhiều vị đương là quan chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo chính quyền địa phương như các ông bà Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thiện Nhân, Trần Hồng Hà, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Công Tạn, Đỗ Quang Trung, Đặng Vũ Minh, Nguyễn Phúc Thanh, Trương Quang Được,… đều đã tham gia các lễ vinh danh Cây Di sản.
Vậy mà trên thực tế, chưa có văn bản nào chính thức xác nhận Sự kiện, chưa nói tới việc Hội được bảo đảm nguồn lực, dù là tượng trưng để thực hiện công việc hết sức có ý nghĩa này. Đủ thấy, để thực sự huy động sức mạnh cộng đồng bảo tồn đa dạng sinh học, còn rất nhiều việc phải được ưu tiên xét dưới góc độ chính sách và luật pháp.
Xin được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Xin trân trọng cảm ơn.
Hà Nội, ngày 24/11/2014
VP VACNE