Vietnamese English
Tham luận của Ths. Phan Văn Bắc, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản - Tổng cục Thủy sản tại Tọa đàm bàn tròn về bảo tồn ĐDSH

5/15/2015 11:05:00 AM

(VACNE) - Hệ thống bảo tồn biển Việt Nam - Hiện trạng và định hướng phát triển trong thời gian tới

BÁO CÁO THAM LUẬN HỘI THẢO

HỆ THỐNG KHU BẢO TỒN BIỂN VIỆT NAM – HIỆN TRẠNG

VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI

                                                                                              

MỞ ĐẦU

Trên thế giới việc xây dựng các khu bảo tồn biển (KBTB) đầu tiên đã có từ năm 1872 ở Mỹ (công viên quốc gia Yellow Stone). Năm 1970 đã có 118 KBTB được xây dựng ở khoảng 27 nước. Tới 1985 đã có 430 KBTB được xây dựng ở 69 quốc gia. Trải qua 130 năm (tới 2003) trên thế giới đã có 4526 KBTB, chiếm khoảng 1% diện tích biển và đại dương toàn cầu.

Ở Việt Nam, việc xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền được bắt đầu từ đầu những năm 60 (Vườn quốc gia đầu tiên-Vườn quốc gia Cúc Phương- được thành lập ngày 7/7/1962). Cho đến nay, Nhà nước đã quyết định thành lập tổng số 126 khu bảo tồn thiên nhiên (vườn quốc gia, rừng đặc dụng...), với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, chiếm hơn 7% diện tích lãnh thổ. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số đều là các khu bảo tồn trên đất liền hoặc trên đảo, chưa có một khu bảo tồn biển nào được thành lập theo đúng  nghĩa một khu bảo tồn biển, ngoại trừ các phần biển ở một số khu bảo tồn trên đảo như Vườn quốc gia Cát Bà, Côn Ðảo, Cù Lao Chàm. Vấn đề bảo tồn biển và xây dựng các KBTB ở Việt Nam muộn hơn nhiều so với trên đất liền, mới chỉ được đề cập đến từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Bài tham luận này đề cập đến những nỗ lực trong công tác Bảo tồn biển, hiện trạng hệ thống KBTB nước ta và định hướng phát triển trong thời gian tới.

I. NHỮNG NỖ LỰC TRONG HOẠT ĐỘNG BẢO TỒN BIỂN Ở VIỆT NAM

1. Nghiên cứu khảo sát, xây dựng căn cứ khoa học và đề xuất các KBTB

Vào các năm 1980 - 1985, trong khuôn khổ của các Chương trình biển Nhà nước và Chương trình Hợp tác Nghiên cứu biển Việt-Xô, dựa váo các kết quả khảo sát đa dạng sinh học và trước viễn cảnh tính đa dạng sinh học và nguồn lợi biển Việt Nam ngày càng bị suy thoái do những áp lực tác động tiêu cực từ thiên nhiên và con người, các nhà khoa học biển đã đề xuất việc xây dựng một số khu bảo tồn biển ở những điểm nóng như quần đảo Cát Bà, Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Hòn Rùa (vịnh Nha Trang) và đảo Sinh Tồn (thuộc quần đảo Trường Sa). Đây là những đề xuất đầu tiên có cơ sở khoa học cho việc xây dựng các KBTB ở nước ta.

Tiếp theo, trong các năm 1993 - 1994 trong khuôn khổ tiểu dự án VN 0011 do WWF tài trợ, lần đầu tiên các nhà khoa học của Viện Hải dương học (tại Nha Trang và Hải Phòng) đã sử dụng các thiết bị lặn SCUBA cùng với các nhóm chuyên gia WWF khảo sát đánh giá đa dạng sinh học, hiện trạng sử dụng nguồn lợi và tiềm năng bảo tồn ở một số khu vực biển tiêu biểu ven bờ biển VN theo các hướng dẫn về quy trình xây dựng một KBTB của IUCN (1991). Kết quả khảo sát đánh giá, đã đề xuất 7 khu vực ưu tiên thành lập KBTB gồm: Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Mun (Nha Trang), Côn Ðảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và An Thới-Phú Quốc (Kiên Giang).  

Đầu năm 1995, tại Indonesia, Cơ quan Bảo tồn biển Châu á (ABC) đã tổ chức Hội nghị về bảo tồn biển. Khi xem xét 16 KBTB do Việt Nam đề xuất, đã công nhận đưa vào danh mục các KBTB Cát Bà - Hạ Long và cụm đảo Hòn Mun (vịnh Nha Trang) thuộc cấp quốc gia, riêng KBTB Côn Ðảo do tầm quan trọng cho khu vực đã được xếp vào cấp vùng. Khu bảo tồn biển quần đảo Trường Sa của phía Việt Nam đề xuất cũng được công nhận, nhưng không được xếp vào chương Việt Nam mà tách thành một chương độc lập với các quốc gia trong khu vực vì lý do chủ yếu là chính trị. Như vậy, tại Hội nghị này, các chuyên gia nhấn mạnh đến đặc tính “khu vực” của các khu bảo tồn biển, chứ không phải “những điểm rời rạc”.

Trong các năm tiếp theo (1994-1998), trong khuôn khổ của nhiều đề tài nghiên cứu biển khác, Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng (nay là Viện Tài nguyên và Môi trường biển) trên cơ sở các tài liệu hướng dẫn thiết lập các khu KBTB của IUCN, CNPPA, tiếp tục mở rộng diện khảo sát đa dạng sinh học và đánh giá tiềm năng bảo tồn của các khu vực biển tỉnh Quảng Ninh (như đảo Trần, quần đảo Cô Tô, vịnh Hạ Long và Bái Tử Long), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), cụm đảo Hòn Mê (Thanh Hoá), các đảo Na - Nồm (Quảng Bình),  Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hải Vân - hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Côn Ðảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) và quần đảo Trường Sa v.v... Kết quả đã đề xuất một danh sách 16 khu KBTB, chủ yếu dựa vào các hệ sinh thái rạn san hô làm trọng tâm do tầm quan trọng của chúng về tài nguyên đa dạng sinh học và môi trường. Dựa vào kết quả này, Trong các năm 1998-99, Bộ KHCN&MT và Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng đã nghiên cứu cơ sở khoa học qui hoạch hệ thống KBTB Việt Nam với một danh mục 16 KBTB, bao gồm: đảo Trần, đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hoá), Cồn Cỏ (Quảng Trị) phá Tam Giang-Cầu Hai, Hải Vân-hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Mun-Bích Đầm (Khánh Hoà), Hòn Cau-Vĩnh Hảo, Phú Quí (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Trường Sa (Khánh Hoà). Cho đến năm 1999, hệ thống gồm 15 KBTB này (trừ phá Tam Giang-Cầu Hai coi là thuộc nhóm RAMSAR) đã được Bộ KHCN&MT trình Chính phủ phê duyệt. Căn cứ vào đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Thủy sản (trước đây) tiến hành quy hoạch hệ thống KBTB và xây dựng quy chế quản lý KBTB. Cũng thời gian này, WWF và Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) cũng đưa ra một kế hoạch các KBTB và ven biển Việt Nam. Kế thừa các kết quả nghiên cứu trên, Bộ Thuỷ sản (2000-2003) đã tiếp tục cập nhật thông tin kinh tế-xã hội và những thay đổi về quản lý ở 15 địa điểm đề xuất để rà soát lại qui hoạch và xây dựng qui chế quản lí các KBTB ở cấp quốc gia. Do vấn đề thể chế quản lý, mãi đến năm 2003 Bộ Thủy sản (trước đây) mới được yêu cầu tiến hành rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch và quy chế nói trên để trình lại Thủ tướng xem xét phê duyệt.

Ngoài những nỗ lực của các Viện Hải dương học và Viện Tài nguyên và Môi trường biển, một số cơ quan khác cũng có những nỗ lực trong công tác bảo tồn biển, tiêu biểu là:

Trong các năm 2003- 2004, Viện Nghiên cứu Hải sản phối hợp với Phân viện HDH tại Hải Phòng tiến hành khảo sát, nghiên cứu bổ sung cơ sở khoa học cho việc qui hoạch và quản lý hai KBTB Cát Bà và Cô Tô. Nội dung chủ yếu là khảo sát đa dạng sinh học các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và vùng triều. Tiếp đó, trong các năm 2005-2007, Viện Nghiên cứu Hải sản tiếp tục thực hiện đề tài “Đánh giá nguồn lợi cá rạn san hô ở một số vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển và một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao ở dốc thềm lục địa Việt Nam, đề xuất các giải pháp sử dụng bền vững nguồn lợi”. Trong đề tài này, đã đánh giá tính đa dạng và giá trị nguồn lợi của 10 cùng rạn san hô gồm: Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, vịnh Nha Trang, Nam Yết, Phú Quý, Côn Đảo và Phú Quốc.

Với sự tài trợ của Danida, WB-GEF và IUCN (2001-2005), dự án KBTB thí điểm Hòn Mun, Khánh Hoà đã tiến hành đánh giá ĐDSH phục vụ việc lập kế hoạch quản lý KBTB này. Sự đầu tư này là một mô hình triển khai thử nghiệm. Sau 5 năm hoạt động, KBTB Hòn Mun (nay là KBTB vịnh Nha Trang) đã được đánh giá là một mô hình khá thành công, đạt được những hiệu quả tốt về bảo tồn biển.

Như vậy, vấn đề bảo tồn thiên nhiên biển, đặc biệt nghiên cứu đề xuất hệ thống KBTB đã được nhiều cơ quan chuyên môn và các cấp quản lý quan tâm. Tuy nhiên,  cho đến ngày 26/5/2010 Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt Quy hoạch Hệ thống các KBTB Việt Nam (tại Quyết định 742/QĐ-TTg).

2. Nỗ lực về đào tạo, xây dựng tiềm lực bảo tồn biển

Song song với việc khảo sát đa dạng sinh học và đánh giá tiềm năng bảo tồn để xây dựng căn cứ khoa học cho các KBTB, với sự giúp đỡ của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, nhiều lớp đào tạo về thiết lập và quản lý các KBTB đã được tiến hành. INTROMAC (Australia) đã hỗ trợ tổ chức 3 khoá đào tạo ở Hải Phong, Nha Trang. Một số nhà khoa học được CIDA (Canada) tài trợ tham dự các hội thảo về đánh giá ĐDSH và thiết lập KBTB ở trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ “sáng kiến Quốc tế về rạn san hô”, đại diện của Cục Môi trường và Viện Hải dương học đã tham gia thảo luận về chiến lược bảo tồn rạn san hô ở Đông Á. Gần đây, Bộ NN &PTNT đã thực hiện Dự án “Hợp phần kinh tế bền vững bên trong và xung quanh các KBTB” (dự án LMPA) triển khai toàn diện và tổng thể các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo và cộng đồng dân cư các khu bảo tồn. Trong năm 2007, LMPA  phối hợp  với các tổ chức quốc tế tổ chức được nhiều khóa đào tạo cấp Quốc gia tại Phú Quốc, Ninh Thuận, Đà Nẵng… cung cấp kiến thức cơ bản nhất về khu bảo tồn cho hầu hết cán bộ quản lý cao cấp ở tỉnh liên quan đến nhiệm vụ này. Các học viên đã được giảng dạy kiến thức và cung cấp kinh nghiệm về quản lý khu bảo tồn, du lịch bền vững, lập kế hoạch quản lý khu bảo tồn, quản lý dựa vào cộng đồng và đánh bắt, khai thác thủy hải sản bền vững... Các cuộc hội thảo về kế hoạch quản lý KBTB, hội thảo nâng cao nhận thức cộng đồng triển khai tại KBTB Cù Lao Chàm và Phú Quốc đã giúp cộng đồng dân cư khu vực ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ đa dạng sinh học tại địa bàn sinh sống. Tháng 11/2007, LMPA đã cập nhật đánh giá những nhu cầu đào tạo tại tất cả các điểm bảo tồn biển, đưa ra những kiến nghị cho hoạt động đào tạo giai đoạn 2008-2010 cho Dự án. Trước mắt, năm 2008, cùng với việc tăng cường năng lực cho bộ phận đào tạo của Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng (RIMF), tạo sự phối hợp giữa hợp phần LMPA với bộ phận đào tạo của RIMF để công tác này đạt hiệu quả cao hơn. Với sự giúp đỡ của LMPA, Bộ Thuỷ sản đã biên soạn và xuất bản sách “Hướng dẫn thành lập và quản lý khu bảo tồn biển” nhằm thúc đẩy sự hình thành mới các KBTB và góp phần vào việc xây dựng khung thể chế để quản lý hiệu quả KBTB.

3. Xây dựng thể chế, chính sách

Trong nhiều năm trở lại đây, chính phủ Việt Nam đã có nhiều nổ lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản. Hàng loạt các văn bản Nhà nước đã được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Để các văn bản luật và pháp lệnh thực thi có hiệu quả, nhiều văn bản dưới luật đã được xây dựng và ban hành nhằm cụ thể hoá việc thi hành các luật và pháp lệnh đã được đề cập. Các văn bản pháp luật và nghị định có hiệu lực hiện hành chủ yếu liên quan đến bảo vệ tài nguyên và môi trường biển bao gồm:

·        Văn bản về Luật:

- Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đã được Chủ tịch Hội đồng nhà nước (nay là Chủ tịch nước) ký ngày 25 tháng 04 năm 1989.

- Luật Thủy sản đã được Quốc Hội thông qua tháng 11/2003 và có hiệu lực từ tháng 7/ 2004 (thay thế Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đã được Chủ tịch Hội đồng nhà nước (nay là Chủ tịch nước) ký ngày 25 tháng 04 năm 1989).

- Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13  tháng 11 năm 2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Luật này quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

·        Các Nghị định, Quyết định và Văn bản dưới luật có liên quan:

- Nghị định 48-CP của Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 08 năm 1996, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Nghị định 26-CP của Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 04 năm 1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

- Kế hoạch hành động Đa dạng Sinh học (KHHĐĐDSH) của Việt Nam đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 22 tháng 12 năm 1995. KHHĐĐDSH xác định các nguyên nhân chính làm suy giảm đa dạng sinh học. Kế hoạch hành động cũng nhấn mạnh việc bảo vệ đa dạng sinh học và những khu vực ưu tiên cần bảo vệ và quản lý. KHHĐĐDSH đã đề xuất một chương trình bảo tồn biển bao gồm 3 hợp phần chính: (1) Xây dựng hệ thống khu bảo tồn biển, (2) phát triển bền vững và kiểm soát hoạt động nghề cá và (3) phát triển chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ toàn quốc.

- Nghị định 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thuỷ sản, đặc biệt bao gồm việc 'tổ chức điều tra, nghiên cứu, đánh giá, quản lý bảo vệ sự phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, quản lý các khu bảo tồn nội địa, khu bảo tồn biển'.

- Nghị định số 27/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08 tháng 03 năm 2005, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản. Nghị định này bao gồm 17 điều. Tại điều 1 nêu rõ phạm vi điều chỉnh về khu bảo tồn biển, bảo tồn nội địa; nguồn tài chính để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; trách nhiệm của cơ quan chuyên môn đối với việc đảm bảo thực hiện quyền của tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản; giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; chợ thuỷ sản đầu mối. Tại điều 3 nêu tiêu chuẩn phân loại KBTB gồm 3 loại: vườn quốc gia; khu bảo tồn loài, sinh cảnh; khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thuỷ sinh.

- Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02/05/2008 ban hành quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

- Quyết định 192/2003/QĐ-TTg ngày 17-9-2003 về việc phê duyệt chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010. Trong đó phân công cho ba Bộ thuộc Chính phủ quản lý các khu bảo tồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn, bộ Tài nguyên Môi trường quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, bộ Thủy sản quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên biển.

- Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 của Thủ tướng CP phê duyệt Quy hoạch Hệ thống các KBTB Việt Nam đến năm 2020.

Như vậy, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành có liên quan đến bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tuy nhiên, các quy định đưa ra phần lớn mang tính nguyên tắc chung, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn nên làm giảm hiệu lực thi hành. Nhiều nội dung quản lý và bảo vệ mang tính chất đặc thù riêng cho bảo tồn biển còn chưa được cụ thể hóa hoặc chưa được đề cập đến. Cho đến nay, có thể nói rằng thể chế – chính sách liên quan đến bảo tồn biển và quản lý đa dạng sinh học biển ở Việt Nam chưa được cụ thể hóa riêng biệt trong những văn bản pháp luật của Nhà nước, vì thế quá trình thực hiện gặp nhiều hạn chế.

II. HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG KBTB VN

        Ngày 26-5-2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 742/QĐ-TTg. Tại Quyết định này quy định Giai đoạn từ 2010-2015 thành lập 16 KBTB (bảng 1), Giai đoạn 2016-2020 sẽ điều tra mở rộng thành lập một số KBTB mới.

Bảng 1. Hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2015

STT

Tên gọi KBTB/Tỉnh

Tổng diện tích

(ha)

Trong đó (ha)

Phần đất liền

Phần biển

1

Đảo Trần/Quảng Ninh

4.200

300

3.900

2

 Cô Tô/Quảng Ninh

7.850

3.850

4.000

3

 Bạch Long Vĩ/Hải Phòng

20.700

9.800

10.900

4

 Cát Bà/Hải Phòng

20.700

9.800

10.900

5

 Hòn Mê/Thanh Hóa

6.700

500

6.200

6

 Cồn Cỏ/Quảng Trị

2.490

350

2.140

7

 Hải Vân-Sơn Chà/T.T.-Huế

17.039

9.413

7.626

8

Cù Lao Chàm/Quảng Nam

8.265

1.544

5.175

9

Lý Sơn/Quảng Ngãi

7.925

812

7.113

10

Nam Yết/Khánh Hòa

35.000

15.000

20.000

11

Vịnh Nha Trang/Khánh Hòa

15.000

3.000

12.000

12

Núi Chúa/Nình Thuận

29.865

22.523

7.352

13

Phú Quý/Bình Thuận

18.980

2.300

16.680

14

Hòn Cau/Bình Thuận

12.500

110

12.390

15

Côn Đảo/Bà Rịa-Vũng Tàu

29.400

6.400

23.000

16

Phú Quốc/Kiên Giang

33.657

14.957

18.700

 

        Trong số 16 KBTB nằm trong danh sách trên, tới nay đã có 6 KBTB được thành lập, có Ban quản lý đi vào hoạt động: KBTB vịnh Nha Trang (Khánh Hòa, 2001), KBTB Cù Lao Chàm (Quảng Nam, 2004), KBTB Phú Quốc (Kiên Giang, 2007), KBTB Cồn Cỏ (Quảng Trị, 2009), KBTB Hòn Cau (Bình Thuận, 2010), KBTB Núi Chúa(Bình Thuận).

        Cho tới nay đã có 6 KBTB nằm trong QĐ 742/QĐ-TTg đã được Quy hoạch chi tiết: KBTB Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), KBTB Phú Quý (Bình Thuận), KBTB Hải Vân – Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế), KBTB Hòn Cau – Cà Ná (Bình Thuận), KBTB Lý Sơn (Quảng Ngãi), KBTB Hòn Mê (Thanh Hóa). Ngoài ra, có 2 khu (Ba Mùn và Tiên Yên của tỉnh Quảng Ninh) mặc dù không nằm trong danh mục các KBTB tại QĐ 742/QĐ-TTg, song do tầm quan trọng về sinh thái-môi trường, cũng đã được thực hiện Quy hoạch chi tiết.

        Trong giai đoạn 2013-2015 sẽ thực hiện tiếp nhiệm vụ TTgCP giao, cụ thể hoàn thành Quy hoạch chi tiết các KBTB Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần; rà soát điều chỉnh Quy hoạch các KBTB Cù Lao Chàm, vịnh Nha Trang, Phú Quốc và Núi Chúa.

           III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỞ RỘNG CHO GIAI ĐOẠN TỚI

1. Các căn cứ chủ yếu:

a) Căn cứ pháp lý:

     Các văn bản pháp lý có rất nhiều, song cần đặc biệt chú trọng các văn bản sau:

        - Luật Thủy sản, Luật Đa dang sinh học đã được Quốc hội thông qua.

        - Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 08/03/2005;

- Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ V/v ban hành Quy chế quản lý các Khu BTB có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế;

- Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ V/v hướng dẫn chi tiết một số điều Luật Đa dạng sinh học;

- Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

- Quyết định số 145/QĐ-BTS năm 2007 của Bộ Thủy sản về hướng dẫn thành lập và quản lý khu BTB;

- Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt quy hoạch hệ thống khu BTB Việt Nam đến năm 2020;

- Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

- Thông tư số 29/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy định thành lập và quản lý khu bảo tồn biển cấp tỉnh;

- Thông tư số 10/2014/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy định về tiêu chí xác định vùng đệm của khu rừng đặc dụng và vành đai bảo vệ của khu bảo tồn biển.

     - Quyết định 192/2003/QĐ-TTg ngày 17-9-2003; Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010

b) Căn cứ khoa học và thực tiễn:

        - Vùng biển VN rộng lớn vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa có điều kiện tự nhiên đa dạng, là tiền đề cho các khu hệ sinh vật và HST đa dạng phong phú mang tầm quốc tế.

        - Vùng biển VN có sự đa dạng cao về loài và các HST, nằm trong vùng Địa sinh vật Ấn Độ-Mã Lai có đa dạng sinh học cao nhất hành tinh. Về loài, đã thống kê được trên 11 ngàn loài sinh vật biển, trong đó có khoảng 100 loài cá và hàng trăm loài động vật không xương sống, rong biển …có ý nghĩa kinh tế cao. Về HST cũng rất đa dạng, đặc biệt có nhiều HST quan trọng: rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, cửa sông và các lagoon tự nhiên thuộc Trung bộ.

        - Một điều cần nhấn mạnh là đa dạng sinh học biển nước ta trong thời gian gần đây đang bị suy thoái trầm trọng, hàng trăm loài sinh vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhiều HST đã bị mất hoặc bị suy thoái không có khả năng phục hồi.

- Việc Bảo tồn biển ở nước ta tiến hành muộn hơn nhiều so với thế giới và so với đất liền, diện tích của các KBTB còn rất khiên tốn, chỉ chiếm 0,24% diện tích vùng biển VN (trong khi đó đối với thế giới năm 2005 đã có 4.526 KBTB chiếm 1% diện tích biển và đại dương). Trong số 16 KBTB đã được Chính phủ phê duyệt, phần lớn đều căn cứ vào các vùng rạn san hô để đề xuất, các HST khác còn ít được chú ý.

2. Đề xuất định hướng mở rộng KBTB trong thời gian tới:

        Trong thời gian tới cần tăng cường khảo sát đánh giá các HST RNM, thảm cỏ biển, RSH, các vùng cửa sông quan trọng, các lagoon tự nhiên  để thiết lập các KBTB mới nhằm bảo vệ các HST ở cả vùng ven bờ, vùng xa bờ và vùng các HST vùng biển sâu thuộc vùng biển VN. Trước mắt tập trung vào các vùng sau:

- Đối với HST RNM: Cần xem xét RNM huyện Thái Thụy (Thái Bình); RNM Cần Giờ (T/p Hồ Chí Minh); RNM Cù Lao An Hóa và Cù Lao Bảo (Bến Tre).

- Các thảm cỏ biển thuộc ven bờ Quảng Bình (vùng cửa Gianh), Thừa Thiên Huế (Đầm phá Tam Giang-Cầu Hai), ven bờ và vùng cửa Đại (Quảng Nam), cửa sông Thu Bồn, sông Cầu và đầm Ô Loan (Phú Yên), đầm Thủy Triều (Khánh Hòa).

- Đối với các HST cửa sông: Cần chú trọng tới các cửa sông lớn, nơi tập trung bãi đẻ, bãi ương ấu trùng và nguồn giống các loài hải sản: vùng cửa sông Thái Bình, cửa sông Hồng, cửa sông Cả, vùng cửa sông Hàm Luông và sông Ba Lai (Bến Tre).

- Đối với HST RSH: Với tư cách là cán bộ nghiên cứu san hô trong nhiều năm, tác giả đề xuất xây dựng mới 3 KBTB là: đảo Thổ Chu (Kiên Giang), đảo Song Tử Tây và đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa (Khanh Hòa). Ngoài ra, cần khảo sát đánh giá thêm một số khu vực có tiềm năng bảo tồn nhưng còn ít tài liệu là đảo Cù Lao Xanh và phụ cận (tỉnh Bình Định?), đảo Hòn Khoai và phụ cận (tỉnh Cà Mau).

THAY CHO KẾT LUẬN

- Công tác Bảo tồn biển nước ta còn nhiều khó khăn. Tính từ văn bản trình Chính phủ đầu tiên của Bộ KHCN&MT vào năm 1999 (với 15 KBTB), nhưng mất 11 năm, mãi đến 26/5/2010 Chính phủ mới phê duyệt Hệ thống KBTB với 16 khu (trong đó 15 khu từ bản trình đầu tiên).

- Sự nghiệp Bảo tồn thiên nhiên nói chung, bảo tồn biển nói riêng phụ thuộc rất lớn vào khả năng tài chính và trình độ dân trí quốc gia.

- Chỉ trong một thời gian ngắn từ khi Chính phủ ban hành QĐ 742/QĐ-TTg, Tổng cục Thủy sản đã tích cực triển khai đồng bộ các nội dung công việc, đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

- Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu mở rộng, cũng cần tập trung giải quyết nhiều vấn đề bất cập còn tồn đọng: Hệ thống quản lý Bảo tồn Thiên nhiên nên thống nhất quản lý từ TƯ; cần rà soát và xây dựng hệ thống văn bản quản lý KBT cho phù hợp với hoàn cảnh mới; cần kiến nghị điều chỉnh diện tích và biên giới giữa KBTB và Rừng đặc dụng trên đảo.

 

 

 

Lượt xem : 3794