Vietnamese English
Tham luận của Hội động vật học Việt Nam tại Tọa đàm bàn tròn về bảo tồn ĐDSH

5/15/2015 2:43:00 PM

(VACNE) - Huy động nguồn lực và sức mạnh của cộng đồng bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học bền vững

 

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC VÀ SỨC MẠNH CỦA CỘNG ĐỒNG
BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN ĐA DẠNG SINH HỌC BỀN VỮNG

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội động vật học Việt Nam

 

Thực tế trong hơn nửa thế kỷ qua cho thấy, dù Việt Nam có không ít quy định về luật pháp và tổ chức các cơ quan thực thi bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học (ĐDSH), chúng ta đã ban hành hàng loạt những quy chế, quy định liên quan tới quản lý và bảo tồn nguồn gene; triển khai nhiều đề tài cấp nhà nước về nội dung này; đồng thời đầu tư thành lập nhiều Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, vườn cây giống, cây thuốc, cây công nghiệp, cây lâm nghiêp, trạm cứu hộ động vật, bên cạnh 2 vườn thú có từ thời Pháp thuộc…song sự suy thoái về cá thể, cũng như thành phần loài vẫn rất nhanh. Trong đó, có không ít loài thú quý hiếm của Việt Nam đã  biến mất và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

 

Theo tôi, những nguyên nhân: do áp lực dân số, do nhận thức của cộng đồng thấp, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh…mà nhiều chuyên gia đã nêu ra đều không sai. Và chúng ta còn phải tốn thêm nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi tới hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống quản lý, cũng như sự thống nhất về quan điểm bảo tồn, phát triển ĐDSH. Nhưng điều cốt lõi lúc này, lại nằm ở  trong một quan điểm, mà Bác Hồ đã đưa ra “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

 

Vì thế, việc phát huy tối đa nguồn lực và sức mạnh của các tầng lớp trong xã hội vào việc bảo tồn và phát triển ĐDSH sẽ là hướng đi đúng đắn nhất. Dù bảo tồn nguyên vị (in –situ) hay bảo tồn chuyển chỗ (ex-situ) không gắn kết với quyền lợi trực tiếp và thiết thực của người dân, thì sẽ mãi mãi chỉ là không tưởng.

Tại cuộc tọa đàm này, tôi muốn đi sâu vào bảo tồn chuyển vị (ex-situ)- một trong những biện pháp quan trọng làm giảm sức ép bảo tồn nguyên vị và có hiệu quả trong bảo tồn và phát triển ĐDSH. Biện pháp này không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi các đơn vị của Nhà nước, mà phải mở rộng ra toàn xã hội. Bằng cách khuyến khích cộng đồng đầu tư tiền bạc, công sức, cùng Nhà nước bảo tồn, phát triển các loài (thực vật, động vật và vi sinh vật) hoặc các nguyên liệu sinh học của chúng, trên cơ sở gắn kết với quyền lợi của họ.

Cũng từ thực tế, từ sự kiện Bảo tồn Cây Di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam khởi xướng và tổ chức, chúng tôi càng nhận thức rõ hơn về điều này. Có thể khẳng định rằng: không ai bảo tồn và phát triển ĐDSH tốt hơn cộng đồng. Nếu hôm nay chúng ta gạt bỏ những điều chưa sáng tỏ; cùng đồng lòng, cùng quyết tâm bảo tồn và phát triển ĐDSH, cứu ngay các giống, loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bằng cách hỗ trợ kiến thức và xây dựng cơ chế khuyến khích cộng đồng cùng vào cuộc; kiến nghị với Nhà nước tạo điều kiện để mọi người được quyền tiếp cận, được thu thập và nhân nuôi những giống loài hiện có trên địa bàn như: cây lương thực, cây thuốc, các loài nấm quý, động vật hoang dã… dưới sự giám sát của nhà nước, sự bảo trợ của các cơ quan quản lý và các nhà khoa học. Đây là cách tốt nhất để bảo tồn và phát triển ĐDSH bền vững. Một khi các nguồn gene sinh học, thực sự là nguồn sống, là tài sản cá nhân (hoặc cộng đồng) và dân tộc mình thì chắc chắn người dân sẽ bảo vệ chúng bằng mọi giá, kể cả việc đầu tư thuê chuyên gia khoa học kỹ thuật để phát triển.

Cho dù chưa được nhà nước đầu tư, nhưng hầu hết các nguồn gene vật nuôi và cây trồng của nước ta hiện nay đều được lưu giữ ở trong vườn, rừng và trang trại của dân, nhất là các loài quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam.

Có thể lấy ví dụ về giống vật nuôi như: lượn Ỉ, lợn Móng Cái, lợn Sóc Tây Nguyên, chó Phú Quốc, gà Ri, gà Chín cựa Phú Thọ, gà Đông Tảo Hưng Yên, gà Hồ Bắc Ninh, cừu Phan Rang.

Bên cạnh một vài điểm nhân nuôi khỉ, vượn và Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã của Nhà nước, có rất nhiều loài động vật hoang dã như: hươu sao, nhím, rắn Hổ mang, rắn Ráo Trâu, gà Lôi lam, Trĩ mào đỏ, Sâm cầm… được người dân ngầm nhân nuôi và đã “cứu” chúng khỏi họa tuyệt chủng, trong lúc các nhà khoa học, các cơ quan quản lý vẫn tranh cãi về quan điểm: có cho nuôi nhốt hay khổng?. Quản lý thế nào, nếu chưa thể có sự rõ ràng giữa các cá thể nhân nuôi với động vật hoang dã, thì chỉ tranh luận thôi chưa đủ, mà cần có các ví dụ cụ thể từ thực tế để làm sáng tỏ.   

 

Từ thực tiễn này, có thể khẳng định: chúng ta có thể bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học một cách bền vững, nếu biết huy động nguồn lực và sức mạnh của cộng đồng bằng những chính sách phù hợp và quản lý chặt chẽ./.

 

Lượt xem : 1991