Tham gia Đoàn Giám sát của Quốc Hội về Ứng phó Biến đổi Khí hậu tại miền Tây Nam Bộ. 2.Sông nước Long Xuyên
4/4/2014 5:10:00 AM
(VACNE) - Chỉ 10 năm nữa có thể Sông Hậu sẽ lở đến quốc lộ 91 là tuyến đường huyết mạch mối Châu Đốc - Long Xuên với Cần Thơ.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Nhiều căn nhà ven sông Hậu tại Long Xuyên sắp “nhào” xuống nước.
Đến Long Xuyên An Giang ai cũng nghe câu nói: “Đến An Giang, gì chứ gạo và cá thì xin cũng được khỏi cần mua”. Vậy mà cái vùng Tứ giác giàu có này đang bị Long vương Sông Hậu dồn ép. Vào năm 1983, vị trí bờ sông Hậu ở TP Long Xuyên vẫn cách bờ ngày nay chừng 30m (mất 1m/năm) theo trao đổi với người địa phương. Bờ sông ngày nay chỉ cách QL 91 Long Xuyên - Cần Thơ có chỗ chưa đầy 10 m, chừng 10 năm nữa là sông ăn vào quốc lộ và theo đó là hàng ngàn nóc nhà cặp theo con lộ này lâm vào cảnh nguy hiểm.
Cù lao Ông Hổ bờ phía nhìn sang Long xuyên bị lở dài 4km, nhưng bờ đối diện Cù lao lại đang bồi mạnh. “Lịch sử biến động bờ sông Hậu là thay nhau bên lở bên bồi, rồi ngược lại”- người dân cho biết. Sông Hậu hiện nay chủ yếu xói lở bờ phải tuyến Long Xuyên - Cần Thơ với sự xuất hiện hàng trăm vực xoáy..
Việc xói lở bờ sông có nhiều nguyên nhân chứ không thể chỉ đổ riêng cho BĐKH. Trong các dòng sông đồng bằng, cồn và bãi sông là các cấu trúc đang hình thành và chịu ngập lũ cũng như phải được bồi đắp hàng năm. Sông Hậu tuy chảy giữa đồng bằng nhưng rất sâu và thẳng tắp, cho thấy nó là dòng sông trẻ (có lẽ do biến động địa chất liên quan đến tuyến đứt gãy sâu Sông Hậu chăng). Đã trẻ thì biến động bờ bãi và các cồn giữa sông cũng là lẽ thường. Việc kè bờ sông và các cồn tất nhiên sẽ làm hẹp dòng chảy, sẽ kích thích xói lở những đoạn không được kè, vì đó là việc con người thách thức tự nhiên. Chi phí kè bờ chắc là khoản không thể dừng trong tương lai. Nhưng nếu không có tiền kè bờ thì đi đâu? Câu hỏi này treo lơ lửng trên đầu hàng triệu người dân An Giang.
Buổi tối Long xuyên đèn đường tắt tối đa. Dường như Tỉnh đang phải tiết kiệm từng đồng để tìm cách chung sống hòa bình với Long Vương Sông Hậu.
Lượt xem : 1157