Vietnamese English
Thái Nguyên xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm

8/8/2020 7:24:00 AM

Được triển khai từ năm 2019, đến nay, việc thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP giai đoạn 2019 - 2025 đã được thực hiện rộng khắp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với 25 sản phẩm đã được xếp hạng 3, 4 sao theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm đặc thù của địa phương đã khẳng định được thương hiệu với thị trường trong nước như: Thanh Hải trà, chè móc câu Hảo Đạt, miến dong Việt Cường...


Thai Nguyen xay dung nong thon moi gan voi chuong trinh moi xa mot san pham hinh anh 1

 

 

Mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương.
Ảnh: Thảo Nguyên - TTXVN

Tỉnh Thái Nguyên cũng các định Chương trình OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị và là nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Do đó, Thái Nguyên đã quyết định trong giai đoạn này hỗ trợ gần 17 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huy động thêm 63 tỷ đồng từ ngân sách huyện, xã và hơn 360 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa tỉnh để triển khai thực hiện chương trình OCOP. Hiện ở các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn Thái Nguyên đã có 183 sản phẩm của các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp... tham gia phát triển sản phẩm và đăng ký xếp hạng sản phẩm OCOP.

Để đạt mục tiêu, đến hết năm 2020 tỉnh Thái Nguyên có ít nhất 50 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương thành sản phẩm OCOP, Thái Nguyên thực hiện cơ chế hỗ trợ sản phẩm OCOP đạt 3 sao với mức 20 triệu đồng/sản phẩm, đạt 4 sao được hỗ trợ 30 triệu đồng/sản phẩm và đạt 5 sao được hỗ trợ 40 triệu đồng/sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trọng tâm là sản phẩm từ chè, lúa gạo đặc sản, miến, hoa quả, thực phẩm và sản phẩm dịch vụ du lịch, xây dựng hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, gian hàng OCOP.

Các huyện, thành, thị trong tỉnh phát triển các loại hình siêu thị, cửa hàng phân phối sản phẩm cấp xã, huyện, xây dựng ở mỗi huyện 1 mô hình điểm về phát triển sản phẩm OCOP. Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh tăng cường tập huấn, hỗ trợ triển khai Chương trình tại từng địa phương, đặc biệt là cấp xã, kiểm tra việc tuân thủ cam kết về chất lượng của chủ thể sau khi đã có sản phẩm đạt sao OCOP, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, tổ chức hội chợ sản phẩm OCOP, lồng ghép đưa sản phẩm OCOP tham gia hội chợ, hoạt động triển lãm, tổ chức đánh giá, xếp hạng sơ bộ sản phẩm OCOP năm 2020 theo quy định...

Ngoài ra, các hợp tác xã, chủ cơ sở tham gia chương trình còn được hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, sử dụng mã số mã vạch theo quy định tư vấn cho tổ chức, cá nhân xây dựng chỉ tiêu chất lượng, đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm và bản tự công bố sản phẩm thực phẩm, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý; quản lý, chỉ đạo công tác đào tạo nghề phục vụ phát triển Chương trình OCOP....

Theo ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, chương trình OCOP sau hơn một năm triển khai đến nay đã có những kết quả khả quan về số lượng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường, tạo lòng tin của người tiêu dùng, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng.

Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, giúp sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong chương trình OCOP, người dân đóng vai trò chính khi tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy nhanh quá trình liên kết, hợp tác giữa người nông dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp và phát triển các hợp tác xã.

Đặc biệt, giá trị kinh tế của sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP và công tác xúc tiến thương mại; doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm đạt 3, 4 sao đều tăng.Việc thực hiện chương trình OCOP cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng..

Hoàng Thảo Nguyên/DTMN

Lượt xem : 1642