Vietnamese English
Thái Nguyên: Đại Từ phát triển du lịch xanh

11/8/2024 7:18:00 AM

Trên địa bàn huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) có 10 xã, thị trấn nằm dọc theo sườn Đông dãy núi Tam Đảo, có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng; đa dạng về hệ sinh thái động thực vật, nhiều khu vực khí hậu mát mẻ quanh năm; có sản phẩm chè ngon nổi tiếng... Đó là “kho báu” trời cho để Đại Từ phát triển du lịch.

 

Những nương chè ngát xanh tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ở Đại Từ, góp phần thu hút du khách. Ảnh: T.L

Khi du khách đặt chân đến Đại Từ, khó lòng có thể bỏ qua những điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, như suối Kẹm, xã La Bằng; Cửa Tử, xã Hoàng Nông; thác Ba Dội, xã Phú Xuyên; thác Đát Ngao, Động Tiên, thị trấn Quân Chu; hồ Vai Miếu, xã Ký Phú...

Chưa kể, trên địa bàn huyện còn có 9 điểm di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, 41 di tích được công nhận cấp tỉnh. Huyện có lợi thế về phát triển du lịch nổi trội trên nền tảng phát triển du lịch tại khu vực hồ Núi Cốc và các điểm sinh thái dọc sườn Đông dãy Tam Đảo.

Ngoài ra, Đại Từ còn có lợi thế phát triển du lịch văn hóa tâm linh, như Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc và các hệ thống đình, đền, chùa... cùng nền nông nghiệp, lâm nghiệp lâu đời, còn lưu giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa các dân tộc.

Chính vì vậy, Đại hội Đảng bộ huyện Đại Từ lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định 1 trong 3 giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đó là phát triển du lịch.

Những năm gần đây, huyện Đại Từ chú trọng vào phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phát huy tiềm năng, thế mạnh cũng như phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Từ năm 2022, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, có tổng kinh phí khoảng 260 tỷ đồng…

Với định hướng ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã tập trung rà soát và lập các quy hoạch với từng khu vực định hướng tập trung cho phát triển du lịch như: Khu vực nằm trong quy hoạch tổng thể du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc tại xã Tân Thái và các vùng lân cận hồ Núi Cốc; khu vực các xã Cát Nê, Quân Chu, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung gắn với du lịch sinh thái tại xã Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên…

Bên cạnh đó, huyện cũng đã đầu tư những tuyến đường giao thông mới vào các vùng du lịch và vùng chuyên canh sản xuất, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, các vùng cây ăn quả.

Bên cạnh việc định hướng phát triển tổng thể, Đại Từ cũng tập trung tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho người dân về phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, tổ chức cho cán bộ, nhân dân đi tham quan học tập các mô hình phát triển du lịch, như mô hình ở Phù Luông (Thanh Hoá)…

Suối Cửa Tử, xã Hoàng Nông (Đại Từ) thu hút khá đông du khách.

Việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện đang được triển khai phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nhu cầu của xã hội. Huyện đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân thực hiện phát triển kinh tế gắn với du lịch.

Tuy nhiên, việc phát triển phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và định hướng phát triển của địa phương. Đối với các khu vực đã quy hoạch du lịch đủ điều kiện phát triển ngoài việc tạo điều kiện về đất đai, xây dựng, các thủ tục hành chính, huyện còn tổ chức nhiều chương trình thu hút khách du lịch như các chương trình checking trải nghiệm, các chương trình lễ hội địa phương… Đối với các khu vực đã nằm trong vùng quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, thì phát triển du lịch mang tính chất tự phát sẽ được quản lý chặt chẽ để đảm bảo việc thực hiện các dự án được đồng bộ.

Đồng chí Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện Đại Từ đặt ra một mục tiêu quan trọng, đó là phát triển du lịch nhưng không đánh đổi môi trường, do đó bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch là vấn đề quan trọng hàng đầu. Để du lịch trở thành một trong những thế mạnh phát triển kinh tế, huyện đã xây dựng Kế hoạch thực hiện phát triển du lịch trên địa bàn, trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung tổ chức thực hiện; tập trung phát triển hạ tầng du lịch; đào tạo bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng; lựa chọn và xây dựng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với sản xuất chuyên canh, sản phẩm OCOP…

Đồng thời, huyện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc dân tộc; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm du lịch của Đại Từ; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự - xã hội. Với những Giải pháp đó, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Trong những năm gần đây, với những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, huyện Đại Từ đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Chỉ tính riêng năm nay, theo thống kê sơ bộ, xã La Bằng đã thu hút khoảng 35.000 lượt khách, xã Hoàng Nông có khoảng 15.000 lượt khách, các khu vực như Quân Chu, Phú Xuyên, Mỹ Yên… cũng đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm. Du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên ở Đại Từ đã và đang gia tăng việc làm, tạo thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc địa phương.

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hải Đăng

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Lượt xem : 106