Thách thức lớn nhất cho phát triển bền vững của Việt Nam là chất lượng môi trường và khả năng chống chịu với BĐKH
10/22/2015 11:15:00 AM
(VACNE) - Góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII của GS. TSKH Trương Quang Học, Ủy viên Thường vụ, Phó trưởng Ban Cộng đồng bền vững Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam
GS. TSKH Trương Quang Học,
Ủy viên Thường vụ, Phó trưởng Ban Cộng đồng bền vững Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam
Phát triển bền vững (PTBV) được định nghĩa là sự phát triển nhằm thoả mãn các nhu cầu hiện tại nhưng không tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của chính họ. Nói cụ thể hơn, PTBV là sự phát triển hài hòa giữa 3 lĩnh vực: Kinh tế, Xã hội, Môi trường và trên nền của Văn hóa.
IUCN còn đưa ra sơ đồ PTBV.Theo đó, lĩnh vực Môi trường cần được tăng cường hơn, rồi đến Xã hội, còn Lĩnh vực Kinh tế cần phải hài hòa hơn và thậm chí…cần phải chậm lại.
Nhưng sau hơn 20 năm chủ trương PTBV, thực hiện 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, thế giới vẫn chưa đạt được các kết quả như mong muốn. Không những thế, nhân loại phải đối mặt gay gắt với các cuộc khủng hoảng mới là cuộc khủng hoảng khí hậu/ biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong bối cảnh đó, phát triển xanh (PTX), kinh tế xanh (KTX)/tăng trưởng xanh (TTX) được cho là con đường khả thi nhất để vừa ứng phó với BĐKH vừa PTBV.
Đối với Việt Nam, TTX vừa tạo ra các cơ hội thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững đất nước, nhưng cũng đặt ra không ít những khó khăn thách thức. Trong đó, chìa khóa để PTBV là đảm bảo chất lượng môi trường với 3 nội hàm quan trọng: kiểm soát ô nhiễm, bảo tồn tài nguyên (vốn tự nhiên), ứng phó với BĐKH.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong cả ba trụ cột về kinh tế, xã hội và môi trường của PTBV, nhưng các thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ.
Về mặt môi trường, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều mặt yếu kém; tài nguyên thiên nhiên vẫn đang bị khai thác lãng phí và sử dụng kém hiệu quả, các vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí; suy giảm đa dạng sinh học có xu thế gia tăng; tỷ lệ thu gom chất thải rắn chưa đạt yêu cầu, khai thác khoáng sản bừa bãi gây bức xúc trong nhân dân. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa đồng bộ và chưa theo kịp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Về chế tài xử phạt các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ mạnh để xử phạt và răn đe các hành vi vi phạm pháp luật. Lực lượng cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường còn thiếu và yếu về chất lượng; Nhận thức về vảo vệ môi trường và PTBV ở các cấp, các ngành và nhân dân chưa đầy đủ; Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên vẫn đang diễn ra tương đối phổ biến.
Cụ thể là tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên nước, tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH) bị suy thoái nghiêm trọng và ngày càng cạn kiệt. Nguyên nhân chủ yếu là khai thác quá mức, do lãng phí và do ảnh hưởng BĐKH. Ô nhiễm môi trường nước, do các hoạt động phát triển công nghiệp, đô thị và nông nghiệp ngày càng gia tăng và trở nên nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Việt Nam được xếp vào hạng các quốc gia có ĐDSH cao nhất thế giới, nhưng đang bị suy thoái tới mức báo động.
Trước hết là suy thoái rừng, giảm độ che phủ từ 72% (1909) xuống 28% (1995). Riêng rừng ngập mặn đã giảm tới 70%. Thời gian gầy đây, nhờ có phong trào trồng rừng, độ che phủ đã phục hồi trở lại tới 41% (năm 2010) nhưng chủ yếu là rừng trồng và rừng nghèo. Về đa dạng loài: Sách đỏ Việt Nam năm 1992 có 721 loài động, thực vật bị đe dọa ở các mức độ khác nhau và chỉ sau hơn mười năm con số này đã lên tới gần 900 loài. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi bản địa cũng mất dần. Đây là một tổn thất rất lớn trên tất cả các phương diện: kinh tế, khoa học, môi trường và nhân văn.
Mặt khác, sự suy thoái các hệ sinh thái (HST), nhất là các HST đất ngập nước ven biển đang gia tăng tiến trình BĐKH và theo dự đoán, một làn sóng tuyệt chủng của các loài động, thực vật sẽ diễn ra với tốc độ chưa từng có trong những năm giữa thế kỷ này. Sự suy thoái ĐDSH sẽ dẫn tới sự giảm sút về dịch vụ các hệ sinh thái làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân, làm giảm sút vốn tự nhiên để phát triển xã hội, làm gia tăng thiên tai và sự cố môi trường, và tất cả sẽ là một thách thức lớn cho PTBV của đất nước.
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và thường xuyên bị thiên tai, làm cho việc đảm bảo môi trường bền vững đòi hỏi nỗ lực hơn nhiều trong thời gian tới. Tính dễ bị tổn thương của nước ta trước biến đổi khí hậu, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận mới, đảm bảo tính hệ thống và liên ngành, trên cơ sở có đầy đủ thông tin, có tính tới các yếu tố về dân số, tình hình phát triển kinh tế xã hội, các khía cạnhchính trị và cảnh quan địa lý khi ra quyết định về cách phân bổ nguồn lực và phối hợp công tác lập kế hoạch và sử dụng đất đai và tài nguyên.
Để đạt được mục tiêu như Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại Hội Đảng Lần thứ XII đề ra: “Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 80 - 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý; tỉ lệ che phủ rừng đạt 44 - 45%”. cần tiếp tục đổi mới tư duy sâu sắc, có một tầm nhìn dài hạn và một quyết tâm chính trị cao, trước hết trong hàng ngũ lãnh đạo; phải coi tăng trường xanh là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị.
Bởi ai cũng biết: Kinh tế xanh/Phát triển xanh đang trở thành một trao lưu quốc tế mạnh mẽ, một chiến lược có thể hóa giải được nhiều mâu thuẫn hiện nay để đồng thời để vừa ứng phó với BĐKH, vừa PTBV và tạo ra công bằng xã hội. Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là một nội dung quan trọng của PTBV, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh là phương thức thúc đẩy quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, TTX cũng đặt ra không ít những khó khăn thách thức về nhiều mặt trên con đường hội nhập, trong đó nhân tố môi trường thực sự đóng vai trò như là chất xúc tác cho tăng trưởng, đổi mới nền kinh tế và phúc lợi xã hội. Vì vậy, đảm bảo chất lượng môi trường là chìa khỏa cho PTBV của Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam phải thực sự đổi mới toàn diện và đồng bộ. Trước hết về tư duy chiến lược rồi đến cách tiếp cận trong xây dựng hệ thống thể chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức triển khai, giám sát đánh giá. Việc đảm bảo PTBV nói chung, bền vững về môi trường nói riêng là thách thức lớn đối với Việt Nam ở tất cả các khía cạnh. Và để giải quyết vấn đề cần có sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn đất nước và sự hợp tác quốc tế chặt chẽ.
Trong nội dung Dự thảo Báo cáo tại Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững theo hướng bảo đảm tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn. Tài nguyên là tài sản quốc gia, nguồn lực quan trọng của đất nước, phải được đánh giá đầy đủ, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Chú trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, vật liệu mới. Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do chủ quan con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Bảo vệ môi trường tự nhiên vừa là nội dung, vừa là mục tiêu phát triển bền vững. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng huỷ hoại, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Đảm bảo sự hài hoà giữa môi trường tự nhiên với môi trường sống ở các khu công nghiệp, đô thị, dân cư. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên. Tăng cường phổ biến pháp luật và tuyên truyền trong xã hội về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Tích cực hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2020, có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính.”
Nhưng mục tiêu phát triển quốc gia bền vững, chỉ trở thành hiện thực khi có đủ khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và chất lượng môi trường được đảm bảo. Vì vậy, hai nội hàm quan trọng này, cần được nghiên cứu, bổ sung trong văn kiện Đại hội ./.
Lượt xem : 6290