Việt Nam có thể bán được hàng chục triệu tín chỉ carbon rừng mỗi năm. Ảnh: Nam Anh.
Tiềm năng
Tín chỉ carbon là đơn vị đo lường sử dụng để giới hạn lượng khí thải carbon mà một doanh nghiệp (DN) được thải ra môi trường. Đây được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng khí CO2 nhất định hoặc khí thải nhà kính khác.
Tại Việt Nam, để thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon, hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 (Net Zero), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022 về giảm phát thải, bảo vệ tầng ozon. Nghị định đã quy định từ năm 2025 sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 thì chính thức vận hành.
Được biết, năm 2023 đánh dấu mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), thu về 51,5 triệu USD (gần 1.250 tỷ đồng).
Ông Lê Văn Thanh - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, ước tính giai đoạn 2021 - 2030, nước ta sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng mỗi năm có thể bán cho cho thị trường tín chỉ carbon thế giới. Nếu làm tốt, trong tương lai Việt Nam có thể thu về hàng chục nghìn tỷ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Quan trọng hơn, môi trường sinh thái của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn nhờ vào việc giữ rừng, phát triển rừng, để Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.
Theo ông Thanh, Việt Nam dự kiến chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022 - 2026 với đơn giá là 10 USD/tấn C02. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị các tài liệu, điều kiện để tiến hành đàm phán và đi đến ký kết thỏa thuận của chương trình này.
Nguồn tiền thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ dùng để chi trả cho các chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên; UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên... Bên cạnh đó, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng, cũng như nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Và thách thức
Theo các chuyên gia, dự kiến Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện mỗi năm, nhu cầu về cơ chế trao đổi và mua bán tín chỉ này đang ngày càng tăng. Câu hỏi được đặt ra là các DN Việt Nam nên bắt đầu từ đâu để bắt nhịp với thị trường?
Theo ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, chúng ta có một số lợi thế trong ngành giảm và loại bỏ CO2. Nhưng nếu không tranh thủ thời gian thì thời hạn đang đến rất nhanh. Chẳng hạn như quy định về Báo cáo kiểm kê khí nhà kính toàn cầu lần 1 là trong năm 2023. Nhưng hiện tại tỷ lệ DN Việt hiểu và thực hiện kiểm kê khí nhà kính rất thấp, dưới 1% so với danh mục 1912 DN bắt buộc kiểm kê, chưa nói tới hàng trăm nghìn công ty khác.
Vẫn theo ông Kiên, phát triển thị trường carbon trong nước, bên cạnh những cơ hội thì vẫn còn nhiều thách thức. Trước hết là khung pháp lý và việc đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Tiếp theo là sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các DN phải chịu trách nhiệm giảm phát thải. Chính phủ có thể cam kết với quốc tế, nhưng thực tế giảm được đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực và sự tham gia của DN. Ngoài ra, nguồn lực tài chính và đổi mới công nghệ cũng là những thách thức lớn.
Đặt vấn đề “Tín chỉ Carbon - DN bắt đầu từ đâu”, ThS Thái Trần - Giám đốc Công ty Tư vấn Hanam Carbon nhận định: “Tham gia vào thị trường carbon là động lực phát triển, đổi mới công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Các DN, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích 2 chiều: thực hiện giảm lượng khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon, thúc đẩy nền kinh tế. Các DN cũng được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon và xây dựng hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Việc tiếp cận nguồn tài chính xanh để hiện thực hóa thị trường chính là cơ hội mà các bên cần nắm bắt”.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, mặc dù thị trường tín chỉ carbon được đánh giá là có tiềm năng nhưng các DN Việt Nam muốn hướng đến thị trường này phải đối diện khá nhiều rào cản, trong đó có câu chuyện về tài chính. DN Việt có thể phải chịu thêm nhiều tỷ USD tiền thuế phát thải carbon khi xuất sang thị trường châu Âu, do ảnh hưởng bởi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Trong khi đó việc xuất khẩu tín chỉ carbon của nước ta hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Tiếp theo là khó khăn trong xác định mức xả thải… Do đó, Việt Nam cần đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ từng điểm nghẽn, từ đó có thể tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường này, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo thống kê, Việt Nam đã có 262 dự án bán tín chỉ carbon theo cơ chế CDM (Cơ chế phát triển sạch), trong đó chủ yếu là các dự án thủy điện. Còn với ngành lâm nghiệp, đã có một số dự án bán tín chỉ. Ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bán giá 5 USD/ tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới. Dự án tại Quảng Nam đã có đối tác tìm mua. Cũng có một vài dự án lâm nghiệp khác bán với giá 17 USD/ tấn CO2. |
Nam Anh