Năm 2016, Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới sẽ được tổ chức tại thành phố Lào Cai vào tối 4/6. Nội dung của chương trình sẽ truyền tải những thông điệp ý nghĩa về công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn
đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tới cộng động người dân cả nước. Chương trình nghệ thuật “Khát vọng của thiên nhiên” do Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì, với sự tham gia dàn dựng của các đạo diễn, nghệ sĩ có tên tuổi (Tổng đạo diễn: Nghệ sĩ nhân dân Lê Hùng, Kịch bản văn học: Nghệ sĩ Bùi Như Lai, với sự dàn dựng, biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ) là một trong những hoạt động nổi bật của “Tháng hành động vì môi trường”.
Nắng nóng xảy ra diện rộng ở miền Bắc
Từ ngày mai,
nắng nóng sẽ xảy ra diện rộng ở miền Bắc với nhiệt độ 37 độ C, còn miền Trung lên đến 39 độ C. Sau những ngày mát mẻ, vùng thấp nóng phía Tây đã phát triển mạnh từ hôm qua, kèm theo đó là hiệu ứng gió phơn nên từ Nghệ An đến Bình Định đã xảy ra nắng nóng với nền nhiệt 35-37 độ C – theo VnExpress.
Hôm nay vùng thấp nóng phía Tây phát triển mạnh hơn, gió phơn mở rộng lên phía Bắc, nên dọc từ Thanh Hóa trở vào Phú Yên nắng nóng ở mức 35-38 độ C. Sang ngày mai, nắng nóng mở rộng ra Bắc Bộ đẩy nền nhiệt khu vực này lên cao 35-37 độ C. Còn miền Trung nhiệt độ tăng lên 36-39 độ C, một số nơi như Tương Dương (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh), Nam Đông (Thừa Thiên - Huế, Đông Hà (Quảng Trị), Tuyên Hóa (Quảng Bình) có thể trên 39 độ C.
Hàng chục triệu người Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng
Báo cáo “Triển vọng môi trường toàn cầu: Những đánh giá khu vực” của Liên hợp quốc mới đây nhận định đến năm 2050, gần 40 triệu người dân Ấn Độ sẽ đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng
nước biển dâng, trong đó người dân sống tại vùng duyên hải ở thành phố Mumbai và Kolkata phải đối mặt với tình trạng lũ lụt cao nhất do vấn đề đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh. Báo cáo trên cho biết tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu dự báo sẽ xuất hiện ở khu vực Thái Bình Dương, Nam và Đông Nam Á. Sau Ấn Độ, Bangladesh sẽ có 25 triệu người bị ảnh hưởng, trong khi con số này của Trung Quốc và Philippines lần lượt là hơn 20 triệu người và gần 15 triệu người.
Theo báo cáo này, 7 trong số 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng nước biển dâng nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo cho rằng một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan dự kiến sẽ đối mặt với tình trạng khí hậu cực đoan gia tăng trong tương lai, đặc biệt là tại những vùng đô thị hóa cao. Bên cạnh đó, báo cáo còn nhận định các thành phố gồm Mumbai và Kolkata (Ấn Độ), Quảng Châu và Thượng Hải (Trung Quốc), Dhaka (Bangladesh), Yangun (Myanmar), Bangkok (Thái Lan), Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng (Việt Nam) dự kiến sẽ có nhiều người dân phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng cao trong năm 2070 – theo VietnamPlus.
Sân bay thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới ở Thái Lan
Tổ hợp nhà ga tại sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan là kết quả của cuộc thi thiết kế quốc tế với sự hợp tác giữa các hãng trúc Werner Sobek, Matthias Schuler và Helmut Jahn. Dự án này là một thách thức rất lớn cho các kiến trúc sư. Nhiệm vụ của họ là tạo ra một cửa ngõ lưu thông mới, trong một
khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt ở Thái Lan.
Dự án đòi hỏi nhiều cách tiếp cận khác nhau về kiến trúc và kỹ thuật. Thông qua sự tích hợp các yếu tố phức tạp đã dẫn đến một giải pháp đơn giản mà thông minh. Sau 11 năm lập kế hoạch và xây dựng, nhà ga mới đã được xây dựng mở cửa cho hành khách vào cuối năm 2006.
Hạn hán nặng, Ấn Độ cân nhắc công nghệ làm mưa nhân tạo
Trước tình trạng hiện tượng El Nino vẫn còn hoành hành, Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc việc tiếp nhận công nghệ làm mưa nhân tạo của các nhà khoa học Trung Quốc. Hiện dự án đang được thử nghiệm tại bang Mahharashtra. Nếu thành công, người dân Ấn Độ sẽ không còn phải chịu khổ sở do thiếu nước sinh hoạt và Chính phủ nước này cũng giải được bài toán kinh tế do hạn hán ảnh hưởng trầm trọng đến các ngành nông nghiệp.
Suốt nhiều tháng qua, những cơn mưa dường như còn quý hơn vàng tại Ấn Độ. Lúc này, cả cuộc sống và mùa màng của họ chỉ biết phó thác cho ông trời. Cứ mỗi khi những xe bồn chở nước đến các khu dành cho người thu nhập thấp ở thủ đô New Delhi, không khí ở đó lại huyên náo hơn. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng chuẩn bị sẵn vài chiếc thùng để tích nước. Có đến hơn 1/5 người dân tại New Delhi phải sống nhờ vào những xe chở nước di động như thế nhưng việc cung cấp nước không phải lúc nào cũng ổn định nên người dân Ấn Độ luôn cầu nguyện những cơn mưa đến sớm hơn – theo VTV.