“Mẹ ơi, con uống sữa xong rồi”, “Ừ, cứ quăng đại ở đó đi con, lát nữa mấy cô chú lao công cũng dọn cho mình à”. Đó là một trong những mẫu đàm thoại quen thuộc mà tôi có thể dễ dàng nghe được khi cùng dòng người hòa xuống những con đường trong thành phố, chuẩn bị đón mừng năm mới, Tết sang.
Hình ảnh rác ngập đường thường thấy sau khi màn bắn pháo hoa kết thúc.
Là một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sài Gòn, tôi thấm nhuần những nét rất đặc sắc có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức của từng người con đất Việt mỗi dịp xuân về. Nhà nhà tụ họp bên nồi bánh chưng, bánh tét, những người con, người cháu đi làm, đi học đều tranh thủ để có thể về nhà trước giao thừa, cùng với gia đình đón Tết, du xuân. Tuy nhiên, theo kèm theo các bữa tiệc thịnh soạn, nhưng cuộc vui thâu đêm là thói quen rất riêng đã trở thành vấn nạn nhức nhối nhiều năm trở lại đây: Thói quen xả rác.
“Xin đừng bỏ rác nơi đây”, “Nói không với xả rác”, “Cấm xả rác”, “Ai xả rác sẽ bị phạt tiền”... đều là những băng rôn, biểu ngữ có thể dễ dàng bắt gặp ở những con đường lớn, từ những khu vui chơi, siêu thị cho đến quán ăn, trường học, hoặc bệnh viện. Lạ ở chỗ, nơi nào có băng rôn, biểu ngữ lại là nơi tập trung rác nhiều hơn những nơi khác. Rác thải thì đủ loại thành phần, từ chai nước, lon bia cho đến những bao nylon, vỏ trái cây, giấy chùi miệng, hoặc thậm chí là… nước bọt.
Tết mà!
Tết đến kéo theo nhu cầu được vui chơi, giải trí của người dân khắp mọi miền đất nước. Dạo quanh những quán ăn chạy dọc theo những con đường chuyên phục vụ ăn uống, hình ảnh những bao rác bốc mùi hôi thối ruồi bay xung quanh được đặt dưới những gốc cây, những lon bia hay những túi đồ ăn hư được đổ một cách vô tội vạ xuống lòng đường đã không còn quá xa lạ với những người dân Sài Gòn và du khác nước ngoài, nhất là trong những dịp lễ hội. Khi được hỏi về những ảnh hưởng mà rác có thể mang đến cho sức khỏe và hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, tôi nhận được câu trả lời rất ngắn ngọn nhưng đều chung một quan điểm từ những chủ quán: “Lo gì em, Tết mà”.
Tết đến cũng kéo theo lượng xe khách liên tỉnh nhiều hơn thường lệ. Xe chạy nhiều thì... rác cũng nhiều. Rác xả ở nhà chờ xe, trên xe, hay thậm chí sau khi bước xuống xe, điển hình là những tờ vé xe đã qua sử dụng. Anh Trung, một người thường xuyên vào Sài Gòn làm việc, chia sẻ với tôi rằng: “Cái đó nó thành thói quen của mình rồi em ơi. Với lại Tết nhất mà, ai cũng mang nhiều đồ, vé xài xong rồi thì quăng thôi, việc gì phải giữ cho nặng túi”.
Gần đây nhất có lẽ là lễ hội bắn pháo hoa mừng năm mới, người dân từ khắp các nẻo đường tập trung về để cùng nhau chia sẻ không khí Tết. Hết pháo hoa cũng đồng nghĩa với việc đầy rác.
Không chỉ dừng lại ở đó, sự “đa dạng” về hình thức của rác còn nằm ở những cây xăng hay ở những trụ đèn giao thông. Những tờ rơi quảng cáo về dịch vui chơi giải trí trong dịp Tết, quảng cáo việc làm, buôn bán nhà, đất, cho vay ngắn hạn, được gởi đến tay người đi đường khi chờ đèn đỏ. Còn khi đèn xanh thì… hô biến, những tờ rơi ấy đã nằm ngổn ngang dưới mặt đường với đủ loại hình dáng. Đơn giản thôi… Tết mà!
Vậy nguyên nhân do đâu?
Thật khó để gói gọn trong hai từ “Tết mà” vì hiện trạng rác tràn lan trên đường phố vẫn xảy ra quanh năm, có chăng chỉ nhiều hơn vào những mùa cao điểm. Vậy có phải là do có quá ít thùng rác? Câu trả lời là không. Nếu chú ý quan sát, chúng ta có thể thấy có rất nhiều thùng chứa rác được đặt dọc ven đường, trong công viên, siêu thị hay chợ Tết. Thực tế là vậy nhưng những ly nước uống xong vẫn được để tại chỗ, hoặc những bịch đồ ăn “vô tình” nằm kế bên thùng rác chứ không phải là bên trong.
Vậy là do ý thức người dân? Câu trả lời cũng không phải. Người Việt mình ra nước ngoài rất ít khi xả rác bữa bãi, hoặc nếu có lỡ tay xả thì cũng nhặt lên và bỏ vào thùng rác ngay. Ở Mỹ, tùy theo từng bang có những luật phạt khác nhau, nhưng trung bình đều từ 500 USD- 2000 USD cho một lần vi phạm.
Gần đây nhất ở Singapore, một người đàn ông bị phạt đến 15.000 USD vì thường xuyên ném tàn thuốc ra cửa sổ nhà mình. Ở Việt Nam, nghị định số 73/2010/NĐ-CP cũng quy định mức phạt từ 100.000 – 300.000 đồng, không nhiều so với những nước khác, nhưng cũng vừa đủ để răn đe người xả rác nơi công cộng.
Thùng rác có, luật có, ý thức có, vậy cuối cùng nguyên nhân do đâu? Theo tôi, nguyên nhân chính ở đây là nhận thức và tính tự giác của người Việt mình về vấn nạn xả rác. Biết xả rác bừa bãi là vi phạm pháp luật, là làm xấu hình ảnh đất nước, nhưng “người khác xả được thì tôi cũng xả được, chẳng lẽ bây giờ bắt hết người dân trong thành phố”, chị Châu chia sẻ. Đáng lên án hơn nữa là lối suy nghĩ đi chơi hay ăn tiệc thì đã có những nhân viên phục vụ dọn dẹp, việc gì mình phải dọn, hay xả có một miếng thì có chết ai đâu!
Nguyên nhân một phần nữa đến từ việc dễ dàng của các bộ phận quản lý ở các địa điểm ăn uống, vui chơi thường xuyên có rác thải bừa bãi. Thử hỏi nếu phạt đúng lúc, đúng chỗ, đúng hình phạt với những quán ăn, địa điểm thì tình trạng xả rác vô tội vạ có còn diễn ra?
Và điều ước đầu năm
Đồng hồ đang gõ từng nhịp của những ngày đầu năm mới Ất Mùi – 2015, tôi ước sao việc quản lý rác thải sẽ chặt chẽ hơn nữa trong năm mới, những nhà làm luật cần phải có thêm những hình phạt và biện pháp chế tài thật nghiêm khắc dành cho những cá nhân hoặc đơn vị vi phạm.
Việc gắn camera ở các điểm nóng cũng là một ý tưởng hay nhằm nhắc nhở người dân xả rác đúng nơi quy định. Việc xử lý vi phạm không chỉ dừng ở những con số trên giấy tờ, mà còn phải được áp dụng rộng rãi vào thực tế.
Tôi ước sao cho mỗi người dân đất Việt đều nhận thức việc giữ gìn vệ sinh chung, đặc biệt là ở những nơi công cộng. Ước gì Việt Nam sẽ sớm vươn mình để trở thành một trong những nước đi đầu về môi trường xanh – sạch – đẹp, để cái Tết luôn mang lại tiếng cười nhưng vẫn giữ được bản chất ý nghĩa vốn có của nó.
Theo VnExpress