Vietnamese English
Tẩy sạch ô nhiễm ở vùng cá chết

6/21/2016 4:11:00 PM

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tài nguyên & Môi trường trong 6 tháng cuối năm 2016 là triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm, suy thoái nặng, trong đó có sự cố môi trường trường gây hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung.

Trong 6 tháng qua, Bộ Tài nguyên & Môi trường khẳng định đã tập trung xử lý sự cố ô nhiễm môi trường ở một số tỉnh miền Trung và tích cực kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các điểm nóng môi trường, trong đó có sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung đã được tiếp nhận và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó là việc xử lý sự cố hồ chứa chất thải tuyển nổi quặng chì kẽm của nhà máy tuyển nổi chì kẽm tại tỉnh Cao Bằng, nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân-Thanh Hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hành vi xả nước thải không quả xử lý ra môi trường của Nhà máy tinh bột sắn ở Hà Giang; hành vi giết hại động vật hoang dã tại Nghệ An; xây dựng trái phép khu Le Mont Bavi Resort & Spa tại Vườn Quốc gia Ba Vì…


Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường năng lực xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường; Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết các vấn đề môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đáng chú ý nhất là việc triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm, suy thoái nặng, trong đó có sự cố môi trường trường gây hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung và xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng giai đoạn 2016-2020 – theo Dân Trí.

Đóng cửa rừng tự nhiên

Sau khi chỉ ra một loạt nguyên nhân dẫn đến mất rừng như rừng còn vô chủ; lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ, phát triển và quản lý rừng; tiêu cực tham nhũng trong một bộ phận cán bộ bảo vệ rừng; tình trạng di dân tự do đến phá rừng, lấy đất trồng cây công nghiệp, Thủ tướng kết luận Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên; không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác; không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp – theo VietnamPlus.

Chỉ có thực thi nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, cấm các cơ sơ chế biến gỗ rừng hoạt động và có chế tài xử phạt đủ mạnh thì mới triệt tận gốc được “cái nhu cầu” phá rừng không chỉ của “lâm tặc” mà còn của không ít chủ rừng, chủ doanh nghiệp. Việc bảo vệ những vùng rừng tự nhiên, phục hồi, trồng mới rừng là công việc phục hồi không gian sống của Tây Nguyên. Đó là việc làm cấp bách đòi hỏi những cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, phát triển rừng phải thật sự tâm huyết với Tây Nguyên. Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, sáng 20/6 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

EU viện trợ 2 triệu euro cho người dân vùng hạn mặn ở Việt Nam

VietnamPlus đưa tin ngày 20/6, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị một khoản viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu euro (khoảng 50 tỷ đồng) để cứu trợ khẩn cấp cho các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn ở Việt Nam. Khoản viện trợ này sẽ cho phép các đối tác nhân đạo của EU đưa ra các sáng kiến cứu trợ nhằm giảm bớt những gánh nặng của những bộ phận dân cư đang phải gánh chịu nhiều rủi ro nhất tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Khoản tiền này sẽ tập trung vào việc đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp nhất, trong đó có giúp đỡ về lương thực cũng như tiếp cận với nước sạch và vấn đề đảm bảo vệ sinh. Tình trạng hạn hán kéo dài ở Việt Nam đã ảnh hưởng tới 39 trên tổng số 63 tỉnh thành trên cả nước, dẫn tới sự thiếu nước trên diện rộng và nhiều diện tích đất canh tác bị khô hạn. Tất cả các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực phía Nam miền Trung và Tây Nguyên hiện đang gánh chịu hậu quả từ hiện tượng bất thường của khí hậu. Khoảng 400.000 ha đất canh tác có sản lượng thu hoạch đã chịu ảnh hưởng với các mức độ khác nhau.

Đầu tư 18 tỷ đồng lập quy hoạch đảo Lý Sơn

Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi giao Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân làm chủ đầu tư phối hợp với Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) lập quy hoạch huyện đảo theo hướng vừa bảo tồn di sản thiên nhiên hoang sơ, vừa  ứng phó với biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp trong tương lai – theo VOV.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ để khôi phục nguyên trạng các bãi biển hoang sơ quanh đảo, xử lý rác thải, nguồn nước sạch, nhằm phát triển lĩnh vực du lịch. Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng trong Quốc phòng an ninh. Tỉnh Quảng Ngãi đang lập hồ sơ đề nghị UNESSCO công nhận vùng biển Lý Sơn và vùng phụ cận là công viên địa chất toàn cầu.

Việt Nam tham gia tọa đàm quốc tế về tác động biến đổi khí hậu

Bên lề khóa họp thường kỳ lần thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Việt Nam cùng Philippines, Bangladesh - ba nước trong Nhóm chủ chốt của sáng kiến thúc đẩy thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đến nhân quyền, vừa tham gia thảo luận tại Tọa đàm quốc tế giới thiệu báo cáo nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến quyền y tế. Tham dự tọa đàm có đại diện Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các báo cáo viên đặc biệt (báo cáo viên đặc biệt ) về quyền y tế và quyền của người di cư cùng đại biểu từ hơn 30 nước và đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội khác.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả, chuyên gia đã nêu bật những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người do hiện tượng này tác động trực tiếp đến các điều kiện cơ bản về xã hội và môi trường của sức khỏe con người. Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã đánh giá cao nghiên cứu do Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền thực hiện, cho rằng các tác động nhiều chiều của biến đổi khí hậu đến quyền y tế mà nghiên cứu chỉ ra cũng chính là các vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt như mực nước biển ngày càng tăng cao, nước mặn xâm lấn thổ cư và đất canh tác; bão lũ hạn hán, thiên tai hàng năm gây thiệt hại về người và của; nhiều loại bệnh và số ca bệnh tăng cao trong các đợt nắng nóng kéo dài vào mùa hè…

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2010