Vietnamese English
Tây Nguyên: Giàu khoáng sản, nghèo lối đi

9/21/2009 4:50:00 PM

ThienNhien.Net - Cũng giống như nhiều người, từ bé tôi đã được dạy nước ta rất giàu, rừng vàng biển bạc, đất đai phì nhiêu, con người cần cù dũng cảm.



Một góc công trường khai thác đá trái phép tại Gia Lai. (Ảnh: Văn Công Hùng)
Và tôi cứ đinh ninh như thế. Cái gì đã ăn sâu vào đầu mình từ bé thường thì nó cứ găm vào đấy như những vết sẹo, chả thể nào gỡ ra. Nó trở thành suy nghĩ thường trực, thành lối mòn trong ý thức của mình, nhiều khi đến như phát rồ, đến duy ý chí dù trong tâm tưởng luôn phản đối sự duy ý chí, bởi biết rằng nó triệt tiêu sáng tạo của con người. Và tôi cũng nghĩ như thế về khoáng sản ở Tây Nguyên.

Khoáng sản và sự đổi đời

Khai thác khoáng sản đã được coi là một trong những cách dễ nhất đưa “ánh sáng văn minh" đến với đồng bào vùng xa. Các cuộc khai thác thuộc địa ngày xưa chính là nguyên nhân sinh ra các khu đô thị, sinh ra giai cấp công nhân và tiểu thị dân.

Nhà văn Giắc Lơn-đơn cũng như nhiều nhà văn khác đã miêu tả rất tinh tế và đau thương cảnh con người chen nhau đi tìm vàng. Đó là máu pha với mồ hôi và chính thân xác con người. Là những nỗi đau rách ruột và cả những niềm vui rợn gáy. Bao nhiêu thân phận con người đã đổi, cũng như bấy nhiêu số phận đã vĩnh viễn vùi lấp dưới những lớp đất bới đào ấy. Ai mà không kinh hoàng khi đọc về thân phận những nô lệ da đen bị bắt vượt đại dương trên những chiếc tàu gỗ đi khai thác mỏ. Nước Mỹ hình thành chính là từ những cuộc di dân ồ ạt của người châu Âu da trắng đổ bộ vào tìm vàng.

Những cuộc đi tìm vàng, đi khai khoáng cũng ít nhiều đã làm thay đổi cả một vùng đất, đặc biệt là những nơi được gọi “vùng đất chết”. Người người kéo đến hình thành công trường với những phương tiện công nghiệp - dẫu thô sơ - đã biến khu vực ấy thành những thị trấn thị tứ hay những khu trung tâm, và giai cấp vô sản, công nhân xuất hiện từ đây. Tiếp đó, cư dân đổ về phục vụ công trường tạo nên một tầng lớp tiểu thị dân. Và người ta cho rằng “văn minh” cũng phát triển song hành từ đây. Lịch sử cũng không hề phủ nhận ý nghĩa tích cực của các cuộc khai thác thuộc địa, bên cạnh ý nghĩa tiêu cực là xâm lược, chiến tranh, tệ nạn ..., nó đưa văn minh đến những vùng đất ấy.

Cách đây mươi năm, nước ta rộ lên nạn khai thác vàng trái phép. Các công ty khai khoáng nhà nước “nghe nói” không bõ để đầu tư, thế là bỏ trận địa cho các "bưởng", "cai" mộ phu vào đào. Báo chí và chính quyền vào cuộc vẽ lên bao thảm cảnh kinh hoàng. Tất nhiên là kinh hoàng, hổ lốn, là đâm chém bắt nạt, là máu me chết chóc... Nhưng thử nghĩ lại một chút xem: Tại sao kinh hoàng thế mà hàng ngàn con người vẫn lao vào, cấm chỗ này họ vào chỗ kia, bắt lúc này lúc khác họ xuất hiện?

Đi cùng với đội ngũ cai, phu ấy là đội quân "phục vụ" nhu cầu của con người, từ mại dâm, hút sách đến buôn bán đổi chác. Và những góc tăm tối thức dậy. Tan hoang những khu rừng, những thôn làng yên ả. Nhưng cũng có nhiều người dân bản địa cho rằng, nhờ có những người đãi vàng mà họ biết thế nào là điện, là văn minh, cho dẫu có những thứ là văn minh cặn bã, văn minh bản năng...

Tây Nguyên cũng không là ngoại lệ nếu không muốn nói là còn khốc liệt hơn. Các dòng suối đỏ ngầu, các con sông ngắc ngoải, những cánh rừng tan hoang. Và tội ác, và luật rừng, và bầy đàn những con người tồn tại trong quẫy đạp vì miếng ăn, vì đồng tiền và vì cả những điều chưa hình dung ra nổi...

 
Văn hóa trong công cuộc khai khoáng

Vốn dĩ những buôn làng Tây Nguyên rất hiền hòa và chứa trong lòng biết bao tầng, vỉa những kết tụ văn hóa đã tồn tại hàng ngàn năm. Nền văn hóa Tây Nguyên là văn hóa nương rẫy, nó được tạo nên bởi chính cuộc sống và cách sống cũng như các quy định bất thành văn từ đặc điểm lịch sử địa lý.

Mới nhìn thì các làng Tây Nguyên đều có vẻ giống nhau. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu thì mới thấy rõ từng dân tộc tuỳ tính cách của mình mà lập làng theo kiểu riêng. Ví như làng của người Xê Đăng bao giờ cũng trên chót vót núi cao hiểm trở, như một pháo đài. Ấy là vì người ta cho rằng người Xê Đăng rất thượng võ. Cái cách người Xê Đăng
say rượu cũng thật dữ dội. Nó khác hẳn phong cách hài hoà, trầm tĩnh, thanh bình của người Ba Na. Và bởi cái tính cách ấy mà cái làng của người Ba Na cũng khác với các làng của người Gia Rai, Ê Đê, Xê Đăng, Mơ Nông...

Le hoi Tay Nguyen
Lễ hội của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. (Ảnh: Văn Công Hùng)
 

Ở mọi làng người Tây Nguyên, nhà Rông là nơi sinh hoạt cộng đồng của cả làng tuy nhiên mỗi dân tộc có một kiểu nhà Rông khác nhau, dẫu hiện nay nhà Rông ngày một vắng bóng ... Nhà Rông của làng Bông nhỏ nhắn mềm mại đứng ngay giữa làng. Khác nhà Rông Gia Rai, Xê Đăng, Ê đê..., nhà Rông Ba Na thì thấp hơn, mềm mại hơn với nhiều đường cong trữ tình trên mái và xung quanh vách. Người Ba Na cho rằng các Yàng luôn ngự trên nóc nhà Rông để phù trợ cho làng. Vì thế khi cúng Yàng là lúc người ta mượn nóc nhà Rông để tiếp cận và thỉnh nguyện các đấng các bậc tối cao này. Trước sân là ngất nghểu cao vút cây nêu ngũ sắc, cũng lại là một khát vọng của nhân dân vươn lên trời xanh, mong muốn hoà nhập vũ trụ.

Đến một làng Tây Nguyên
thì ngoài nhà Rông, giọt nước là nơi thứ hai người ta tìm đến thăm...Các dân tộc khác nhau cũng có cách chọn giọt nước khác nhau. Người Ba Na hiền hòa thì chọ vùng thoai thoải đặt giọt nước, còn người Xê Đăng, Gia Rai thì lại chọn nơi hiểm trở chon von để đặt.

Người Tây Nguyên sống hiền hoà, thuỷ chung tốt bụng. Ban ngày trẻ con đi học, thanh niên đi rẫy, trong làng chỉ còn người già. Họ địu cháu sau lưng thơ thẩn ra nhà Rông gặp nhau trò chuyện. Sau khung cửi các cô gái dịu dàng và nhẫn nại lồng từng con sợi, phối từng sợi chỉ màu, ngày này sang ngày khác thành những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu để làm áo, làm váy, làm khăn cho mình dùng và cả để bán làm quà lưu niệm.

 

Thực ra thì làng Tây Nguyên cũng không khác làng người Việt là bao về bản chất, ấy là tính bảo thủ vững bền của bản sắc, là sự hài hòa giữa vật chất và tâm linh, là những tốt đẹp ân nghĩa giữa người với người, là những vốn văn hóa truyền thống vừa tinh hoa vừa lạc hậu, là quan hệ hài hòa con người và thiên nhiên... .Nét văn hóa làng quê ấy có vẻ đối lập với văn minh, thế nên khi văn minh đô thị đổ đến, nó vừa hồ hởi sung sướng đón nhận lại vừa e ấp chống đỡ. Tất nhiên không ai cưỡng lại được văn minh, nhưng làm thế nào để vừa văn minh mà lại vẫn giữ được cái hồn, cái cốt của làng quê là cả một vấn đề lớn, mà Đảng và nhà nước ta cũng đã bỏ ra nhiều công sức tiền của để làm việc này.

Không ngoài các hệ lụy ấy, việc khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên cũng vướng vào những vấn đề nêu trên. Một mặt nó mang văn minh đến những vùng được chọn làm công trường, đánh thức nó dậy, thổi vào đấy khí thế, sức sống hiện đại, giúp người dân sở tại tiếp cận với văn minh, với cái mới, vượt “tầm nhìn” ra khỏi ngôi làng của mình, họ tiếp xúc với các phương thức sống khác, nền văn minh khác. Nhưng mặt khác, nó “phá” dữ dội những gì mà con người đã gìn giữ hàng ngàn đời nay. Các mối quan hệ rạn nứt, các truyền thống văn hóa bị lai căng, dẫu có sức đề kháng rất mạnh được hun đúc qua nhiều đời, nhưng những gì du nhập chỉ mới và lạ chứ chưa chắc đã tốt. Triết lý hưởng thụ, sống gấp thay thế tinh thần tương thân tương ái, đồng cam cộng khổ, tư tưởng vọng ngoại (chỉ là ngoại làng chứ không phải ngoại quốc) trỗi dậy phá đi bao quan hệ tốt đẹp.

Không thiếu những đứa con lai không biết bố đã ra đời sau những đợt công nhân khai thác khoáng sản đến rồi đi, những tan vỡ quan hệ, những âm ỉ chia li, những bài những bạc, những trận đâm chém “tìm đến”… một khi chúng ta không chuẩn bị được tâm thế cho những người sở tại. Mà chả cứ người dân tộc Tây Nguyên bản địa, mà ngay cả người xuôi cũng thế. Biết bao bi hài đã xảy ra với những người nông dân cần cù chân chất khi quê họ thành công trường, khi họ cầm trong tay những món tiền kếch xù trước đó nằm mơ không nổi, có thể là tiền đền bù, có thể là tiền làm thuê...

Tất nhiên khai thác khoáng sản là những vấn đề lớn của đất nước. Nó mang lại nguồn thu và là nơi cung cấp vật liệu các loại phục vụ đời sống con người. Chúng ta không thể cực đoan để bắt tất cả phải yên lặng như cũ. Nhưng cũng cần có một cái nhìn và phương án thực hiện hợp lý, chứ không phải ào ạt đầu tư!

Những con người tôi gặp

Những gì xảy ra trong chuyến đi khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Thái độ né tránh, tránh được càng nhiều càng tốt, trốn được thì ... tốt hơn,của những người có trách nhiệm quản lý, từ tỉnh đến huyện, của những người trực tiếp khai thác, từ công ty của nhà nước đến tư nhân ... khiến chúng tôi hiểu mình đang tiếp cận đến một vấn đề "nhạy cảm".

Ông giám đốc một công ty cổ phần khoáng sản Đ chắc chắn đang ở dưới xưởng một huyện, cách thành phố Buôn Ma Thuột mấy chục cây số, để tiếp nhận và khai trương một cái máy mới. Thế nhưng khi chúng tôi gọi điện thoại, nhiều người gọi nhiều lần vẫn điệp khúc nhẹ nhàng: Tôi đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiếc quá không tiếp các anh chị được!

Chúng tôi đã tìm cách vào trụ sở công ty và gặp vị phó giám đốc. Anh này không biết chúng tôi đã liên lạc bất thành với giám đốc nên mặc dù tiếp đoàn trong tâm trạng lo sợ nhưng vị phó giám đốc này vẫn thật thà cho biết vị giám đốc đang đi huyện. Chúng tôi đăng ký với anh sáng hôm sau quay lại gặp giám đốc làm việc. Ấy vậy mà sáng hôm sau khi một nữ đồng nghiệp gọi lại, vị phó giám đốc này hốt hoảng vô cùng: Tôi không biết gì cả, chị gọi thẳng cho giám đốc! Chúng tôi liên lạc lại với anh giám đốc thì …. anh này vẫn đang ở thành phố Hồ Chí Minh và cho biết là nếu ở nhà cũng không tiếp chúng tôi được vì muốn tiếp phải họp hội đồng quản trị!

Bằng nhiều cách liên hệ khác nhau, chúng tôi vẫn không được ai có trách nhiệm ở cả Ủy ban tỉnh lẫn các sở ban ngành liên quan tiếp để hỏi chuyện về khoáng sản tại tỉnh Đắk Lăk? Lạ thật! 

Nhưng trước đó, xuống huyện Kông Chro của tỉnh Gia Lai, chúng tôi được lãnh đạo huyện tiếp rất tận tình, cử cả trưởng phòng Tài nguyên môi trường - Tô Thành Nam - dẫn đi thăm các nơi khai thác, chủ yếu là đá. Nhưng chúng tôi lại gặp sự tránh né của các chủ mỏ. Xã Kon Gang là nơi tập trung mỏ đá nhiều nhất của tỉnh, và các mỏ này cũng đã bị ngừng khai thác từ tháng 07/2008 theo chủ trương chung của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.

Phải công nhận là đá ở Kon Gang khá kỳ lạ, nó như những cái cột được chôn đứng sin sít nhau dưới đất, cách mặt đất chỉ khoảng hai gang tay. Bóc lớp đất mặt này ra là gặp đá đứng... chờ, chỉ việc ngoắc cáp vào kéo là những phiến đá to dài như cây gỗ, phẳng phiu bón lộn, từ từ ngã ra và lên xe xuất bến. Đá này là đá bazan chủ yếu dùng để làm đá trang trí, xây dựng ... Anh Tô Thành Nam bảo đá này khai thác chả được bao nhiêu, mỗi mỏ như thế ký quỹ môi trường chỉ dăm ba triệu, không đủ phục hồi môi trường, vì nguyên thuê xe chở đất lấp lại chỗ đá vừa khai thác thì cũng đã một triệu một xe. Trên địa bàn xã Kon Gang có 9 công ty đơn vị khai thác đá nhưng chỉ có hơn chục người của xã làm cho các công ty đơn vị này vì đòi hỏi phải có tay nghề mà công ty thì không có ý định đào tạo mà chủ yếu tuyển những người đã biết việc từ nơi khác.

Đá nằm rải rác, mỗi nhà có một ít nên không đủ để khai thác công nghiệp, chủ yếu là khai thác thủ công, mà thủ công thì xử lý vấn đề môi trường cực khó, bụi rồi đá vụn không xử lý được cứ vương vãi. Mà thực ra, với những nơi có đá thì lâu nay dân cũng chẳng trồng cây gì cho ra hồn trên đất ấy. Trước khi có các công ty đến khai thác đá, người ta đã thử trồng một số loại cây như điều chẳng hạn, nhưng chỉ được vài ba năm khi điều lớn rễ gặp lớp đá là héo quắt rồi chết.

Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà ven đường, ông chủ nhà đang chăm vườn ớt khá tốt. Ông bảo mới trồng thử ớt mấy năm nay và thu hoạch được, vì căn trồng vào mùa mưa, và cây ớt rễ ăn không sâu, chịu khó bón phân thì cũng tốt. Tuy thế đây chỉ là cách làm ăn nhỏ lẻ. Hỏi ông tiêu thụ thế nào, ông bảo cứ hái rồi chở đi dọc đường bán, được giá ra phết!.

Ghé thăm một nhà khác cũng ngay trên đường liên huyện An Khê - Kông Chro, thì hai vợ chồng đang tra hạt bắp. Hỏi sao không trồng ớt như nhà ông kia thì bảo ớt bán khi nào cho hết anh ơi, mà để thì không được. Thôi thì trồng lấy sào bắp ăn cho... vui. “Thế anh chị sống chính bằng gì? " "Nuôi được gần chục con bò với gần một héc-ta lúa nước một vụ anh ạ. Chỉ trồng được một vụ mùa mưa thôi, còn mùa khô thì chịu chết. Ngay nước ăn cũng chả có. Ở nông thôn mà phải đi mua nước như ở thành phố, mua từng can hai mươi lít ấy”. Hai vợ chồng, bốn đứa con, một ngày tiết kiệm cũng hết một can hai mươi lít. Hỏi có đi bốc đá thuê không, ngày cũng kiếm được trăm bạc đấy, bảo dạ có nhưng giờ việc cũng ít rồi, với lại vợ chồng đều yếu cả ... Khổ, bốn đứa con không yếu mới là lạ.

Gần hai tuần rong ruổi qua tỉnh này tỉnh kia, chỉ duy nhất lãnh đạo hai huyện là Kông Chro của Gia Lai và Buôn Đôn của Đăk Lăk là vui vẻ tiếp chúng tôi.

Chúng tôi có một buổi trưa nắng nhễ nhại lội giữa rừng khộp Hờ Bông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vào khu khai thác đá trộm (khai thác trái phép). Trong bãi đậu kềnh càng mấy chiếc xe cẩu, xe xúc và xe reo chở đá. Có mấy người mắc võng nằm thiu thiu nghe radio trong lán và cũng chả thèm chạy ra “ngó” khi thấy chúng tôi lỉnh kỉnh túi cặp, ba lô, máy ảnh, máy quay phim lếch thếch lội vào. Thấy chúng tôi bảo là khách du lịch, họ à ừ kệ. Những tảng đá to như ngôi nhà, tảng thì được để nguyên chở ra, tảng thì được chẻ cho dễ cẩu lên xe. Vùng núi Hờ Bông này là vùng khô hạn nhất Gia Lai, toàn rừng khộp xấu. Xung quanh vùng rừng khộp Hờ Bông này có dăm bảy doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá, chủ yếu chế biến làm đá xây dựng. Và các chủ doanh nghiệp này, họ cũng phản ứng với các hành vi khai thác đá trái phép một cách công khai. Chính một người trong số họ đã “xung phong” bỏ việc nhà đang bề bộn dẫn chúng tôi vào đây.

Ở huyện Buôn Đôn (tỉnh Đăk Lăk) hiện có 11 điểm khai thác đá thì cũng có điểm khai thác trái phép. Có thể nói việc khai thác trái phép hay gọi đúng tên là khai thác trộm diễn ra ở bất cứ nơi đâu có khoáng sản. Có sông thì cát tặc, có núi thì đá tặc, có vàng thì vàng tặc, có than thì than tặc... Nạn khai thai thác trộm này dẫn đến rất nhiều hệ lụy nguy hiểm mà ai cũng đã từng biết hoặc từng nghe nói. Chính quyền nhiều nơi cũng biết và cũng ra tay quyết liệt nhưng rồi cũng đâu vào đấy, nhất là hiện nay đang dai dẳng nạn than tặc và vàng tặc…

xe cho da lau
Những chiếc xe vận chuyển đá khai thác trái phép tại Gia Lai. (Ảnh: Văn Công Hùng)
Đến khi ngồi viết những dòng này, trong tôi vẫn văng vẳng lời nói của vợ người nông dân có bốn đứa con đang đi học, sống trên mỏ đá ngay bên con đường nhựa An Khê - Kông Chro mà tôi đã nhắc ở trên: Các anh chị mà xuống đây vào mùa khô mới thấy nỗi cơ cực của người dân ở đây. Chả cây gì sống được, đến bò cũng sùi bọt mép ... Tôi hỏi có khoan nước được không, anh chồng bảo chỉ nhà nước có dự án thì mới khoan được thôi chứ dân thì chả bao giờ tự khoan được vì nó lên đến hàng trăm triệu. Trong nhà anh chị này cũng có đủ tivi, xe máy, chỉ có thiếu nước vào mùa khô thôi…

Có khoáng sản nhưng không đồng nghĩa là khai thác bằng mọi giá, phải làm sao để không lãng phí, đem lại nguồn lợi công bằng cho đôi bên và không ảnh hưởng môi trường. Dường như đây là một câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời!

Trời đất ưu ái ban phát cho Tây Nguyên nhiều tiềm năng vốn có khiến bất kỳ vùng đất nào cũng phải ghen tỵ. Tây Nguyên không chỉ có rừng xanh bát ngát chiếm già nửa diện tích, khoảng 1,5 triệu ha đất đỏ bazan được xếp vào loại đất tốt nhất trên thế giới để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều ghềnh thác chiếm trên 22% nguồn thủy năng của cả nước, những điều kiện thuận lợi về cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch mà còn có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng. Ngoài bô-xít, nơi đây còn tập trung một nguồn lớn tiềm năng về đá, vàng sa khoáng, fenspat, sỏi, cát, đất, than, nước khoáng thiên nhiên, sa khoáng ti-tan (ilmenit), các loại khoáng sản kim loại và quặng apatit, vôn-fram.

Ghi chép của Văn Công Hùng
Nguồn: Thiennhien Net, 21/9/2009

Lượt xem : 3368