Tây Giang tổ chức Lễ khai năm tạ ơn rừng
3/10/2021 8:18:00 AM
Tây Giang có hơn 91 nghìn héc ta rừng với nhiều loại gỗ quý hiếm như lim, đỗ quyên , giổi, cùng sự đa dạng về hệ động thực vật quý hiếm còn sót lại trên dãy Trường Sơn. Đặc biệt khu rừng di sản pơmu có hơn 2.000 cây, gồm 1.146 cây được công nhận Cây di sản Việt Nam.
(QNO) - Ngày 27.2, tại Làng sinh thái di sản Pơmu (xã A Xan), huyện Tây Giang tổ chức Lễ khai năm tạ ơn rừng năm 2021. Năm nay do tình hình dịch Covid-19 nên chỉ tổ chức phần lễ, không có phần hội.
Già làng Clâu Blao (xã Tr’Hy) - người tham gia nghi thức cúng tạ ơn rừng cho biết, Lễ khai năm tạ ơn rừng được tổ chức theo đúng nguyên mẫu lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu xưa, như một dịp tạ ơn “mẹ rừng” đã ban tặng và nuôi nấng cộng đồng Cơ Tu trong việc sinh tồn, xây dựng cuộc sống.
Bên cạnh khai năm cầu may, Lễ khai năm tạ ơn rừng còn là lời hứa của người dân trong việc nâng cao ý thức về xây dựng, quản lý và bảo vệ rừng, tạo sự gắn kết cộng đồng, giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp và thu hút đầu tư du lịch cho địa phương.
“Chúng tôi phải dạy con cháu yêu rừng, giữ rừng, bảo vệ nguồn nước, mạch sống của đồng bào Cơ Tu. Từ lâu người dân nơi đây thương rừng như thương con. Rừng còn Tây Giang còn, rừng mất Tây Giang suy vong” - già làng Clâu Blao nói.
Người Cơ Tu bao đời nay sinh sống ở rừng, ở núi. Rừng núi là tài nguyên vô giá, giúp họ tồn tại và phát triển. Vì nhiều lý do mà lễ hội này trong một thời gian dài bị mai một. Lễ hội khai năm tạ ơn rừng được khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững ở vùng biên giới.
Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, phần lễ thực hành các nghi lễ liên quan phong tục cúng rừng theo truyền thống như dựng cây nêu, cúng khai năm mới tạ ơn rừng. Hiện nay, ngoài tăng cường công tác bảo vệ rừng thì những lễ hội như thế này có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống, văn hóa giữ rừng của đồng bào Cơ Tu.
Tây Giang có hơn 91 nghìn héc ta rừng. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm hơn 70% với nhiều loại gỗ quý hiếm như lim (250ha), đỗ quyên (430ha), giổi (300ha), cùng sự đa dạng về hệ động thực vật quý hiếm còn sót lại trên dãy Trường Sơn. Đặc biệt khu rừng di sản pơmu có hơn 2.000 cây, gồm 1.146 cây được công nhận Cây di sản Việt Nam.
(Báo Quảng Nam)
Lượt xem : 1966