Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ
8/1/2022 7:26:00 AM
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước. Khu vực này được đề xuất định hướng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Cơ hội trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực
Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Việt Nam đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời nỗ lực hết sức mình để phục hồi hậu Covid-19.
Theo các chuyên gia, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, với nhiều hành động thiết thực và cụ thể.
TS Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhận định, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia.
Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
“Vùng Đông Nam bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước…” – TS Phạm Thu Phong nhấn mạnh.
Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái sinh học. Tính toán sơ bộ, tổn thất từ thiên nhiên đem đến cho Việt Nam có thể lên đến 11% GDP vào năm 2100.
Cùng với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hậu Covid-19, ghi nhận hiện nay cho thấy, các hoạt động kinh tế của Việt Nam nói chung, vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM nói riêng đang dần trở nên sôi động. Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch hành động để tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững.
Đối với các địa phương, đón đầu xu thế hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số nhưng không quên hóa giải nguy cơ từ biến đổi khí hậu. Các tỉnh, thành trong cả nước đang nỗ lực phát triển theo hướng “xanh hóa” vừa tích cực khai phá tốt thế mạnh mỗi địa phương, vừa nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kết nối chia sẻ nguồn lực, kết nối đầu tư, tập trung huy động mọi nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong quá trình phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là việc biến rác thải thành năng lượng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững…
Tăng trưởng xanh - Động lực tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ
Đông Nam Bộ đóng góp 30% GDP và 40% thu ngân sách cho cả nước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vùng này muốn tăng trưởng kinh tế bền vững thì phải phát triển kinh tế xanh. Trong liên kết vùng nên phối hợp việc sử dụng nguyên, nhiên liệu và tái chế. Vùng nên tập trung phát triển các mô hình công nghiệp sinh thái. Phát triển kinh tế xanh, doanh nghiệp phải chú trọng việc tái sử dụng, tái chế và tái sản xuất.
Bên cạnh đó, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước. Vùng Đông Nam bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước…
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế xanh, vùng nên chọn 5 lĩnh vực ưu tiên làm trước. Đó là nông nghiệp, phát triển đô thị, vận tải, chuyển đổi năng lượng và kinh tế biển. Bên cạnh đó, Nhà nước nên hoàn xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển kinh tế xanh.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị: "Nếu muốn thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực này, tôi đề nghị phải xây dựng luật về kinh tế tuần hoàn để có một cơ chế, khuôn khổ pháp lý mạnh hơn, khuyến khích các mô hình này... Chỉ bằng cách đó thì chúng ta mới thúc đẩy được xu hướng số hóa và xanh hóa".
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, để đạt được kết quả ngoài các giải pháp về chính sách cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với chiến lược phát triển chung kinh tế - xã hội.
Riêng đối với các địa phương khu vực Đông Nam bộ cần xây dựng và thực thi chương trình, kế hoạch tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong phạm vi, thẩm quyền. Song song đó là lựa chọn 1 số lĩnh vực, dự án ưu tiên cụ thể và có lộ trình, giải pháp thực hiện rõ ràng, khả thi…; áp dụng 1 số chính sách khuyến khích và chế tài phù hợp.
Ngoài ra, khu vực này cũng cần xây dựng và thực thi “văn hóa xanh” như TP Huế đang làm khá tốt. Đồng thời, khu vực Đông Nam bộ cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và xử lý rác thải, vấn đề cấp - thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…là rất thiết thực; có phương án huy động nguồn lực, tài chính xanh khả thi, phù hợp.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã gợi ý cho Việt Nam 5 lĩnh vực ưu tiên để phát triển kinh tế xanh. Cụ thể, Việt Nam cần phát triển nông nghiệp xanh và ứng dụng công nghệ cao. Vì lĩnh vực này đang có lợi thế và chiếm khoảng 14% GDP.
Lĩnh vực nữa là phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững (đô thị đang chiếm 78% tiêu thụ năng lượng và 60 khí thải GHG toàn cầu, theo UB Habitat); chuyển đổi năng lượng sạch; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn (hiện tại, 62% khí thải GHG là từ sản xuất, 38% từ phân phối và tiêu dùng, nhưng cấu trúc này đang thay đổi); gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả (Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có kinh tế biển…).
Mới đây, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 687 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, với rất nhiều mục tiêu được đặt ra.
Cụ thể, giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế; tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ tái chế rác thải, tỷ lệ nội địa hóa của nông sản và công nghiệp xuất khẩu…
Lan Anh
(KInh tế môi trường)
Lượt xem : 1443