Đây là nội dung trong báo cáo triển khai Kết luận Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh diễn ra vào tháng 5/2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Mù Cang Chải, Yên Bái. Ảnh: Thế Phi
Theo đó, tăng trưởng xanh là quá trình cơ cấu lại các hoạt động kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hài hòa với các mục tiêu bền vững môi trường và công bằng xã hội. Tăng trưởng xanh được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của các quốc gia trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có những bước tiến trong việc xây dựng động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh nhờ ban hành các chiến lược, chính sách quan trọng cùng với các cam kết mạnh mẽ trên diễn đàn thế giới. Điển hình là việc thông qua Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (PTR0) tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Báo cáo đã đưa ra những kết quả quan trọng nhất của dự án, bao gồm các đánh giá chiến lược về tình hình phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam thời điểm hiện tại, các định hướng chính để đẩy nhanh quá trình triển khai chiến lược và sử dụng tốt nhất các nguồn lực, cùng với đề xuất về các bước cần triển khai tiếp theo.
Về hiện trạng phát triển của tăng trưởng xanh tại Việt Nam, nước ta đã đạt được một số thành công ban đầu về tăng trưởng xanh. Trong giai đoạn 2010 đến năm 2020, ước tính có khoảng 9 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo và sản xuất trang thiết bị, máy móc cho các dự án thuộc các lĩnh vực tăng trưởng xanh. Các khoản đầu tư này cùng với các doanh nghiệp trong nước bước đầu xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam với mức 6,7 tỷ USD vào năm 2020 (khoảng 2% GDP tại Việt Nam) cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ, khoảng 10-13% mỗi năm trong vòng 2 năm qua.
Tiềm năng cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam vẫn còn vô cùng to lớn, về điều kiện tự nhiên, Việt Nam có độ che phủ rừng quốc gia ở mức trên 40% đem lại nguồn dự trữ carbon lớn. Vị trí địa lý và địa hình đem lại tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, với tiềm năng sản xuất năng lượng mặt trời khoảng 840 GW và tiềm năng sản xuất năng lượng gió khoảng 350 GW, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất về nền kinh tế số trong khu vực, với quy mô thị trường kinh tế số khoảng 23 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có thể đạt đến 50 tỷ USD năm 2025.
Về xã hội, sự tăng trưởng nhanh của tập người tiêu dùng với nhận thức ngày càng cao về kinh tế xanh, với hơn 80% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm xanh, cũng tạo nên sự thúc đẩy cho tiềm năng tăng trưởng xanh quốc gia. Nếu tận dụng triệt để được những tiềm năng, thế mạnh của quốc gia, những lợi ích kinh tế - xã hội có thể đạt được cho Việt Nam khi xây dựng thành công nền một nền kinh tế xanh là rất lớn.
Mặc dù có đà tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn đang trong thời kì sơ khai, vẫn còn nhiều thách thức cần quan tâm, xem xét và tìm phương hướng giải quyết, liên quan đến việc lồng ghép các mục tiêu, hành động tăng trưởng xanh vào trong các quy hoạch chuyên ngành, hệ thống cơ sở pháp lý cho tăng trưởng xanh đồng bộ, chặt chẽ và hệ thống tài chính xanh để thúc đẩy các dự án xanh.
Theo đánh giá, đến năm 2050, nền kinh tế xanh của Việt Nam có thể đóng góp thêm 300 tỷ USD mỗi năm vào tổng GDP, tạo ra hơn một triệu việc làm trực tiếp và đảm bảo đạt được các cam kết về PTR0 vào năm 2050.
Những định hướng quan trọng trong thời gian tới bao gồm: Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió và điện mặt trời); Phát triển hệ sinh thái Hydro sạch; Chuyển đổi năng lượng ngành giao thông vận tải và logistic; Xanh hóa các ngành công nghiệp và sản xuất. Ngoài ra, nông nghiệp xanh, lâm nghiệp, quản lý chất thải và nước thải và công trình xanh cũng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
Có thể khẳng định, tăng trưởng xanh là xu hướng toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Để vượt qua những khó khăn, thách thức, Việt Nam cần nhanh chóng hình thành các lộ trình rõ ràng, tập trung vào đề xuất giá trị phù hợp để không chỉ tối đa hóa cơ hội thành công của Việt Nam mà còn đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên. Tăng trưởng xanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính đồng thời thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và bình đẳng xã hội là một thách thức lớn lao, nhưng cũng là một trong những cơ hội lớn nhất cho Việt Nam trong thế kỷ 21.