Vietnamese English
Tăng tốc năng lượng tái tạo

10/21/2024 8:54:00 AM

Cuộc cách mạng năng lượng tái tạo ở Việt Nam chỉ trở thành hiện thực nếu có thêm động lực từ chính sách thực tế sau những cam kết rất mạnh mẽ.

 Lam Hồng 

 

Cánh đồng điện gió tại Phan Rang, Ninh Thuận. Ảnh: shutterstock.com

 


Việt Nam trở thành một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất về cam kết giảm lượng khí thải.

Tham vọng lớn 

Việt Nam đang nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt bằng cách tăng cường sử dụng các công nghệ năng lượng tái tạo. Mức tiêu thụ năng lượng gió và mặt trời đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2019, đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất năng lượng mặt trời lớn thứ 10 thế giới và các kế hoạch mở rộng thêm nhiều dự án hơn đang được triển khai. Trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 50% tổng năng lượng vào năm 2050, đồng thời loại bỏ dần tất cả các nhà máy đốt than.

Có thể thấy, quyết tâm của Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh cả nước đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, những nguồn tài trợ năng lượng truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật đang chuyển trọng tâm sang tài trợ cho công nghệ tái tạo. Đồng thời, nhiều nhà sản xuất lớn nhất thế giới, bao gồm cả các công ty đang hoạt động tại Việt Nam như Apple, H&M, Lego, Nike, Nestlé, PepsiCo và Samsung đã cam kết với sáng kiến RE100 toàn cầu.

Do đó, Việt Nam đứng trước nguy cơ đánh mất sự quan tâm của họ cũng như các nhà đầu tư tiềm năng mới nếu không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao.

Dù đặt quyết tâm cao nhưng than đá vẫn là nguồn năng lượng mũi nhọn ở Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào nhu cầu năng lượng trong năm 2022, tiếp theo là thủy điện ở mức 30%, dầu khí 11%. Việc chuyển dịch nguồn cung ra khỏi các nhà máy nhiệt điện than đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt khi xét đến nhu cầu năng lượng đang bùng nổ của Việt Nam và cán cân giữa nguồn cung năng lượng tái tạo chưa liền mạch với nguồn than đá giá rẻ sẵn có.

Mặt khác, các dự án năng lượng tái tạo tiếp tục phải đối mặt với những rào cản kinh tế theo cơ chế thuế quan hiện hành ở Việt Nam, khiến mảng này trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà phát triển.

Thực thi trung bình

Mức độ đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng tái tạo của Việt Nam mới ở mức trung bình dưới cả góc độ thể chế, công nghệ, nguồn nhân lực, khả năng đầu tư. Chính vì vậy, các nhà đầu tư cho rằng Việt Nam cần gỡ những nút thắt quan trọng là quy định và chính sách về tài khóa, thuế, phí; bên cạnh thị trường phát điện cạnh tranh, nên mở cửa thị trường mua bán điện cạnh tranh.

Tháng 12 năm ngoái, Việt Nam đã ký Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thỏa thuận này có cách tiếp cận toàn diện, trải rộng ở các lĩnh vực bao gồm cải tiến chính sách, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Các đối tác đã cam kết huy động 15,5 tỉ USD ban đầu trong 3-5 năm tới để giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam.

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, cho rằng ngành tài chính có thể đóng một vai trò tích cực trong việc khai mở tiềm năng về năng lượng tái tạo cho Việt Nam, đồng thời hỗ trợ tham vọng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.

Theo bà Myriam Ferran, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác quốc tế của Ủy ban châu Âu về chính sách phát triển quốc tế, năm 2024 EU đã cam kết 200 triệu EUR vốn đầu tư Chính phủ cho Việt Nam, tuy nhỏ so với nhu cầu nhưng tạo đòn bẩy quan trọng để thu hút nguồn vốn lớn hơn từ các khu vực khác. Tuy nhiên, Việt Nam cần thúc đẩy tiến độ ký kết hiệp định tài chính, nếu không sẽ mất nguồn vốn tài trợ.

Trong bài viết liên quan, Tiến sĩ Richard Ramsawak và Giáo sư Robert Baulch (Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT) đề xuất để đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo, cần thực hiện một loạt hành động đổi mới, bao gồm: tăng tỉ trọng năng lượng gió và mặt trời trong tổng sản lượng điện, trong đó điều cốt lõi là giải quyết vấn đề thuế năng lượng tái tạo và các thỏa thuận bán điện trực tiếp, cùng với việc tăng cường thể chế và quy định cần thiết để hỗ trợ triển khai kịp thời các dự án này. 

Ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn dự án vốn và cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam, cũng cho rằng cần mở rộng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo thông qua các quy định về đấu giá, tăng cường năng lực tài chính xanh, xây dựng quỹ năng lượng tái tạo..

(nhipcaudautu.vn)

Lượt xem : 533