Vietnamese English
Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc hạn chế rác thải ven biển

7/23/2009 9:16:00 PM

Nguy cơ ô nhiễm môi trường biển đang ngày càng tăng do sự gia tăng rác thải ven biển bởi chính các hoạt động của con người. Giải quyết vấn đề rác thải biển, bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng đã trở thành một lĩnh vực trọng yếu của các quốc gia ven biển, đồng thời cũng là quan tâm của nhân loại. Ở Việt Nam có khoảng 43 triệu người, chiếm trên 50% dân số cả nước, đang sinh sống tại các tỉnh ven biển. Cộng đồng dân cư ven biển được xem là một trong những nhân tố chính trong việc giải quyết vấn đề môi trường và hạn chế rác thải biển (họ là đối tượng vừa có thể gây tác động và vừa chịu ảnh hưởng trực tiếp của tác động).


Hồ Thị Yến Thu, Đỗ Hồng Hạnh
Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD)

 
 
Bài viết này xin được chia sẻ cách tiếp cận và kinh nghiệm của một tổ chức phi chính phủ trong nước – Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD )- trong việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng nhằm giải quyết vấn đề rác thải biển, góp phần bảo vệ môi trường biển trong lành và năng suất.
           
Huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng
         
Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) là một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn biển, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ven biển và phát triển bền vững vùng bờ tại Việt Nam.

         
Mục tiêu của MCD là hỗ trợ cộng đồng đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội, nhằm bảo tồn các hệ sinh thái ven biển với năng suất sinh học cao, được duy trì bởi các thế hệ cộng đồng ven biển có đời sống tốt, có trình độ học vấn, được thông tin đầy đủ và có trách nhiệm với xã hội.

         
Qua các nghiên cứu và thực tế cho thấy rác thải biển phần lớn xuất phát từ các hoạt động của chính cộng đồng cư dân sống, sinh hoạt và lao động sản xuất trên biển và ven biển.

         
Xuất phát từ phương châm cộng đồng là trung tâm, MCD luôn lấy cộng đồng dân cư ven biển làm đối tượng chính để cùng với họ tổ chức và tham gia các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải biển, từ đó thay đổi thái độ và cách ứng xử, để họ có thể tự thực hiện và quản lý công tác bảo vệ môi trường tại địa phương mình.

         
Năm 2000, lần đầu tiên phong trào Làm Sạch Biển Quốc Tế (ICC) được Liên minh Sinh vật Biển Quốc tế (IMA) – tiền thân của MCD - khởi xướng tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hoà nhằm mục tiêu vệ sinh môi trường và xử lý rác thải tại bờ biển, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái biển khỏi ô nhiễm.

         
Phong trào đã thu hút hàng nghìn tình nguyện viên tham gia bằng những hành động thiết thực như thu gom rác, các đồ vật gây nguy hiểm hoặc không phân huỷ được trên bờ biển.

         
Trong quá trình triển khai phong trào, MCD luôn huy động sự tham gia rộng rãi của các nhóm cộng đồng như các nhóm công chức, giáo viên, phụ nữ, học sinh, thanh niên, nông dân, ngư dân, cựu chiến binh, v.v… Thông qua hoạt động này, MCD đã nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường biển, và đây là một trong các yếu tố tạo nên sự thành công của phong trào.

         
Từ năm 2000 đến 2005, Chiến dịch Làm sạch bờ biển quốc tế (ICC) được diễn ra tại nhiều tỉnh thành ven biển (Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hoà, Đà Nẵng…) với sự tham gia của hàng nghìn tình nguyện viên. Kết quả cho thấy hoạt động này không chỉ tăng về số lượng, mà còn có sự cải thiện về chất lượng (trong đó có sự sáng tạo và tham gia tích cực hơn của cộng đồng và chính quyền địa phương)

         
Từ năm 2006, nhằm tăng cường hơn nữa sự chủ động của chính quyền và cộng đồng địa phương, tên gọi chính thức của chiến dịch được đổi thành “Cộng đồng làm sạch bờ biển” (CCC). Điều này khẳng định định hướng đi của MCD trong việc gắn kêt với cộng đồng, lấy cộng đồng là trung tâm và tính chủ động của cộng đồng ngày càng được nâng cao.
 

         
Tăng cường kết nối chính quyền và cơ quan chức năng của địa phương và các nguồn lực tham gia vào chiến dịch

         
Một trong những mục đích của Chiến dịch “Cộng đồng làm sạch bờ biển” là tăng cường sự phối hợp giữa cộng đồng, chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể và các tổ chức, cá nhân trong công tác vệ sinh môi trường biển và ven biển, đảm bảo tính bền vững của công tác này.

         
Do đó, ngoài sự tham gia của cộng đồng, MCD chú trọng tăng cường sự tham gia kết nối nguồn lực, xây dựng hợp tác trong các vấn đề quản lý có sự tham gia của các cơ quan chức năng trung ương và địa phương.

         
Từ năm 2000, cùng với nỗ lực của MCD và cộng đồng, các chiến dịch làm sạch bờ biển đều có sự hỗ trợ tích cực, hợp tác tổ chức của các cơ quan chính quyền địa phương và trung ương, các tổ chức phi chính phủ, báo giới và thành phần tư nhân để thúc đẩy quy mô và diện tác động của họat động. Có thể kể tên một số đơn vị như Công ty CocaCola Việt Nam; Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (NADAREP); Các sở Tài nguyên Môi trường và Sở Thủy sản địa phương; Ban Quản lý các Khu bảo tồn biển và Vườn quốc gia…

         
Các chiến dịch được các phương tiện truyền thông đại chúng ghi nhận và phổ biến đã giúp chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức chung và tạo ảnh hưởng sâu rộng trong đông đảo quần chúng. 

         
Xây dựng năng lực và chuyển giao phương pháp cho cộng đồng và các bên liên quan

         
MCD nhận thức rõ hoạt động làm sạch bờ biển không thể giải quyết ngay vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường. Nhưng sự kiện này giúp giáo dục, nâng cao hiểu biết cho người dân, giúp họ nhận thức một cách nghiêm túc và sâu sắc hơn nữa, biến thành nhận thức thành những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường.

         
Do đó, mỗi chiến dịch làm sạch bờ biển
được MCD tổ chức với một chiến dịch truyền thông tổng thể đi kèm, bao gồm các hoạt động: tổ chức cộng đồng theo các nhóm, tập huấn cho các trưởng nhóm và cán bộ địa phương, hướng dẫn địa phương viết bài tuyên truyền, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo đài v..v.

         
Qua quá trình tập huấn về cách phân loại rác, các kỹ năng tổ chức, các hoạt động tuyên truyền,…cán bộ địa phương và thành viên cộng đồng được nâng cao nhận thức và kiến thức, tăng cường khả năng tổ chức các sự kiện tương tự tại địa phương. 

          Như vậy, các hoạt động làm sạch bờ biển góp phần tôn tạo cảnh quan môi trường, giúp cải thiện vấn đề rác thải cho chính người dân, góp phần bảo vệ môi trường biển, giảm áp lực ô nhiễm lên các hệ sinh thái, từ đó giúp đảm bảo sinh kế ổn định cho các hộ gia đình sống dựa vào hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển, đồng thời, tăng cường sự chủ động của chính quyền và người dân trong việc bảo vệ môi trường biển. Một số cộng đồng ven biển đã đề xuất và thực hiện các sáng kiến và hành động nhằm bảo vệ môi trường biển. Tại một số địa phương như xã Vạn Hưng tỉnh Khánh Hòa, xã Giao Xuân tỉnh Nam Định, các hoạt động làm vệ sinh môi trường, làm sạch bờ biển đã trở thành hoạt động thường kỳ tại địa phương.

        
Hạn chế rác thải biển - từ nhận thức đến hành vi

Từ những hoạt động thực tế đã diễn ra, MCD nhận thấy phần lớn những rác thải ven biển xuất phát từ những thói quen của con người, thói quen trong việc vứt rác bừa bãi, thói quen sử dụng những vật liệu nguy hại với môi trường, và sự thiếu nhận thức về những tác hại của rác thải đối với xã hội. Để có được sự cải thiện trong vấn đề này đòi hỏi có sự hiểu biết về nguồn gốc và tác hại của rác thải, xác định rõ những hướng đi khác để vận chuyển và tiêu huỷ, cần có những hỗ trợ về công nghệ xử lý rác và tiến hành các giải pháp, đặc biệt các biện pháp phối hợp các bên và dựa vào thị trường. Một số giải pháp đề xuất cho các hoạt động bảo vệ môi trường biển và giảm thiểu rác thải biển:
 
·         Thay đổi những thói quen và hành vi của con người cần có thời gian, vì vậy cần có họat động thường xuyên để tuyên truyền và giáo dục bảo vệ môi trường biển. Việc này có thể thực hiện thông qua các câu lạc bộ, tổ chức của địa phương, hoặc qua Trung tâm Học tập Cộng đồng tại thôn xã
·         Chính quyền có thể phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các tổ chức xã hội phổ biến và thúc đẩy việc tuân thủ thi hành văn bản pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường biển và ven biển, quản lý rác thải biển, đồng thời tạo cơ chế cung cấp những giải pháp xử lý rác thải
·         Có diễn đàn và cơ chế hỗ trợ cung cấp thông tin và tập huấn hướng dẫn cho người dân về quy trình và công nghệ xử lý rác thải phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của cộng đồng
·         Nhà nước nên có các chương trình, dự án hỗ trợ cộng đồng tham gia “Giảm thiểu rác thải, tái sử dụng và tái chế rác thải”, khuyến khích các doanh nghiệp và khách hàng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất “sạch” và sản phẩm “sạch”.
·         Cần có cơ chế để công tác làm sạch bờ biển được lồng ghép vào các hoạt động thường kỳ của địa phương (đặc biệt ở cấp xã, huyện), nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường.
 

Lượt xem : 2946