Những đàn chim di cư đang tìm bến đỗ ở Hà Nội, thu hút các nhiếp ảnh gia, các chuyên gia môi trường đến tìm hiểu, nghiên cứu. Thế nhưng ngay tại các điểm đàn chim đậu, có nhiều người đang dùng lưới, súng săn bắt, khiến đàn chim tan tác.
Khoảng 2 tuần qua, những cánh chim di cư đầu tiên trong năm về đến Hà Nội, trong đó có nhiều loài quý hiếm như giẽ mỏ cong... Trước cảnh tượng đó, các nhà bảo tồn, nhiếp ảnh gia đã tham gia giám sát, chụp ảnh để góp phần bảo vệ chúng.
Điểm chim di cư sôi động là ở các huyện vùng thấp và ven núi, ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì, Phú Xuyên, Thường Tín, Đan Phượng, Thạch Thất. Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, tại xã Bình Minh, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai, Hà Nội) có nhiều loài chim nước quý hiếm, trong đó phổ biến nhất có chim cà kheo - là loài chim di cư rất đẹp, các đàn di cư về khá đông.
Thế nhưng, người chụp chim cứ chụp, người bảo vệ cứ bảo vệ, nhiều kẻ đã tàn sát chim trời không thương tiếc, ngay trước ống kính của các nhiếp ảnh gia môi trường.Mỗi buổi sáng, khi những đàn chim di cư sà xuống các cánh đồng ngập nước tìm kiếm thức ăn, những tay thợ săn lại chầu chực, bám đuổi và ra tay tàn sát chúng, bằng đủ loại súng hơi, súng cao su, lưới mờ giăng khắp chốn...
Súng bắn ra một phát, cả đàn chim bay đi mất tăm tích. Con nào may mắn thì thoát chết, con nào kém may hơn thì chết dưới họng súng của thợ săn. Các nhiếp ảnh gia chờ đợi đàn chim trở về từ tờ mờ sáng chỉ còn biết ngậm ngùi.
Bức xúc và đau đớn trước hình ảnh những đàn chim trời bị tàn sát ngay trên đất thủ đô, các thành viên của Chi hội Bảo tồn và Nghiên cứu Chim hoang dã Việt Nam (VBCS) đã viết đơn kiến nghị gửi đến Cục Kiểm lâm- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nội dung đơn viết: "Chúng tôi vận động bà con gỡ lưới, bỏ súng săn, vận động cha mẹ họ nói với con cái, vận động cán bộ địa phương vào cuộc, mời kiểm lâm Hà Nội vào cuộc (và các đồng chí đã đến, đã hành động). Vậy mà, mọi nỗ lực trở nên quá tuyệt vọng. Việc giăng lưới bẫy chim, thợ săn bắn chim vẫn diễn ra hàng ngày".
Vì sao vẫn còn cảnh ngang nhiên săn bắt chim trời?
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Hào, cán bộ Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Thư ký Hội nghiên cứu và bảo tồn chim hoang dã Việt Nam cũng đã kể lại câu chuyện đầy bức xúc của ông và các đồng nghiệp.
Theo ông Hào, tại các huyện như Đan Phượng, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa... (Hà Nội), xuống gần giáp tỉnh Hà Nam, sau vụ chiêm, các ruộng vẫn còn nước, hoặc có nhiều vùng ruộng bỏ hoang, không canh tác nên có diện tích mặt nước khá nhiều, tạo nên sinh cảnh vùng đất ngập nước, có nhiều mồi, thu hút các loài chim di cư về đây kiếm ăn.
Sau khi Chi hội đã công phu nghiên cứu, dựa theo đường bay của chim, yếu tố mùa, thời tiết để đi tìm và đã thấy các đàn chim nước đang kiếm ăn ở các cánh đồng xã Bình Minh. Các thành viên truyền tai nhau đến chụp ảnh chim nhằm mục đích bảo tồn, triển lãm.
"Mới chụp được 2 hôm thì thấy người dân căng lưới mờ khắp cánh đồng để bẫy chim. Hàng nghìn mét lưới được căng lên, nhiều chim đã mắc lưới. Khi phát hiện ra thì chúng tôi cũng báo cho cơ quan chức năng, nhưng gần 2 tuần thì mới có Đội kiểm lâm cơ động số 1 đến và yêu cầu người dân dỡ lưới. Thế nhưng, khi đoàn kiểm tra vừa đi, những ngày sau đó vẫn tiếp tục xuất hiện thợ săn chim, lưới mờ vẫn được căng tại các cánh đồng bên rìa của xã Bình Minh"- ông Hào nói.
Các nhiếp ảnh gia, các nhà bảo tồn đều thấy vô cùng bức xúc.
Lý giải những trăn trở này, ông Hào cho hay trong công tác bảo tồn chim hoang dã, vai trò chính, đầu tiên và quan trọng nhất thuộc về chính quyền địa phương.
Vì họ ở ngay hiện trường, trong khi lực lượng kiểm lâm thì mỏng, không thể bám sát hết các địa bàn. Chỉ khi chính quyền địa phương, công an trên địa bàn sao sát, quan tâm, quyết liệt xử lý thì mới có thể ngăn chặn được tình trạng săn bắt các loài chim hoang dã.
Thế nhưng, ông Hào cũng cho rằng việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật như vậy đang bị chính quyền địa phương buông lỏng. Trong khi đó, Việt Nam có chế tài nghiêm khắc, đầy đủ với hàng loạt các Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản quy định trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư.