Tản mạn về hoa
3/3/2020 7:14:00 AM
Hoa tự ngàn xưa vẫn luôn là một tặng vật kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Khắp đông tây kim cổ, hoa luôn được trân trọng và đi vào sinh hoạt văn hóa của con người. Trong thi ca, hoa được cảm thụ bằng những danh xưng hình và tượng tuyệt hảo.
Mùa sen (ảnh minh họa). Ảnh: PHƯƠNG THẢO.
1. Trương Cảnh Tu đời Tống bên Tàu dùng mười hai loại hoa để sánh với mười hai loại khách. Theo ông, hoa mẫu đơn là quý khách; hoa sen là tĩnh khách (khách trầm tĩnh); hoa mai là thanh khách (khách thanh cao); hoa trà là nhã khách (khách thanh nhã); hoa cúc là thọ khách (khách sống lâu); hoa quế là tiên khách (khách tiên); hoa thụy hương là giai khách (khách xinh đẹp); hoa tường vi là dã khách (khách quê mùa); hoa đinh hương là tố khách (khách đạm bạc); hoa lài là viễn khách (khách phương xa); hoa lan là u khách (khách ẩn dật); hoa thược dược là tượng khách (khách thợ).
Cũng trong đời Tống, Tăng Thụy Bá dùng mười loại danh hoa để sánh với mười loại bạn hữu, gọi là “hoa trung thập hữu”, gồm: hoa trà là vận hữu (bạn phong vận); hoa quế là tiên hữu (bạn cõi tiên); hoa mai là thanh hữu (bạn thanh nhã); hoa sen là tịnh hữu (bạn tinh khiết); hoa thược dược là diễm hữu (bạn xinh đẹp); hoa thụy hương là thù hữu (bạn lạ lùng, khác biệt); hoa cúc hoa là giai hữu (bạn tốt); hoa lài là nhã hữu (bạn tao nhã); hoa hải đường là danh hữu (bạn nổi tiếng); hoa dành dành là thiền hữu (bạn của người tu thiền).
Văn nhân Trung Quốc lại căn cứ vào đặc điểm của các loài hoa mà gán cho chúng những cái tên vô cùng thanh nhã. Bốn loài hoa mai, lan, trúc, cúc được gọi là “Tứ quân tử” (bốn người quân tử). Tùng, trúc, mai là ba loại cây chịu được trời lạnh nên có tên gọi là “Tuế hàn tam hữu” (ba người bạn trong thời tiết giá lạnh). Trong cái “triều đình” của các loài hoa đó, mẫu đơn được xem là vua (“hoa trung chi vương”), còn thược dược là tể tướng (hoa tướng), nên hai loài hoa được ghép thành “hoa trung song tuyệt” (hai loại hoa tuyệt vời trong các loài hoa). Đã có vua thì phải có hoàng hậu, cho nên mẫu đơn là vua của các loài hoa thì nguyệt quý là hoàng hậu (hoa trung hoàng hậu).
Xương bồ là một loại cỏ mọc hoang tại những miền núi phía bắc và trung nước ta, thường ở những nơi khe đá, khe suối, chỗ mát và dùng làm thuốc, hương, nhưng có lẽ nhờ thân thảo mềm mại lả lướt nên được ghép với lan, cúc, thủy tiên để tạo thành “hoa thảo tứ nhã” (bốn loại thanh nhã trong các loài hoa cỏ). Còn hoa trà, nghinh xuân, hoa mai, thủy tiên thì gộp thành “hoa trung tứ hữu” (bốn người bạn trong các loài hoa).
2. Các loài hoa cũng được sánh với tình chị em, nên tường vi, nguyệt quý, mai côi được gọi là “tường vi tam tỷ muội” (ba chị em họ tường vi); bạc hà, lưu lan hương là “hoa trung nhị tỷ muội” (hai chị em trong các loài hoa); còn năm loài hoa trồng trong bồn là sơn trà, đỗ quyên, tiên khách lai, thạch lạp hồng, điếu chung hải đường được ghép thành “bồn hoa ngũ tỷ muội”.
Bảy loại cây thân mộc, gồm hoàng sơn tùng, anh lạc bách, phong, ngân hạnh, tước mai, đông thanh, du, được gọi là “thụ thung thất hiền” (bảy gốc cây hiền nhân). Còn “viên lâm tam bảo” (ba báu vật trong vườn cây) dùng để chỉ ngân hạnh trong loài cây, hoa mẫu đơn trong loài hoa, hoa lan trong loài cỏ.
Hoa lan là loại hoa vương giả cao quý nên có nhiều tên như “hoa trung quân tử” (bậc quân tử trong loài hoa), “thiên hạ đệ nhất hương” (hương thơm nhất thiên hạ), “không tục giai nhân” (người đẹp trong chốn thiền môn lẫn trong cõi tục). Thơ Xuân Diệu có câu “Hoa lan vương giả vẫn thầm hương”. Danh hiệu “thiên hạ đệ nhất hương” của hoa lan có một đối thủ xứng tầm là “nhân gian đệ nhất hương” là hoa lài. Nhưng trên thực tế, mùi thơm ngào ngạt nhất và làm người ta sảng khoái nhất vẫn là hoa quế, nên nó có đến hai tên gọi rất xứng đáng là “thập lý phiêu hương” (hương phảng phất bay mười dặm), và “thu phong tống sảng” (theo gió thu làm con người sảng khoái).
Hoa thủy tiên theo gió đong đưa trên mặt hồ, rất xứng đáng với bốn chữ “lăng ba tiên tử” (nàng tiên lướt sóng). Hoa quỳnh chỉ nở về đêm nên chỉ có nó mới xứng danh với bốn chữ “nguyệt hạ mỹ nhân” (người đẹp dưới trăng). Loài địa lan tưởng chừng như rất đỗi bình thường kia lại được tôn xưng là “lục sắc tiên tử” (nàng tiên áo lục).
3. Hoa cúc trong văn học gắn liền với nhân cách thanh khiết cao nhã của nhà thơ Đào Uyên Minh đời Tấn, nên nó có tên là “cao phong lượng tiết” gợi đến tiết tháo thanh cao của ông. Đào Uyên Minh có câu thơ nổi tiếng “Thái cúc đông ly hạ” (hái cúc nơi bờ giậu phía đông), nên hoa cúc còn có tên “đông ly cao sĩ”. Giữa tiết trời thu lạnh giá, hoa cúc vẫn mơn mơn xinh tươi nên văn nhân còn gọi nó là “tuyết lý thiền quyên” (người đẹp trong tuyết). Cây đỗ quyên có vinh hạnh được sánh một trong bốn mỹ nhân dung nhan tuyệt đại trong văn học Trung Quốc là Tây Thi, với danh xưng “hoa trung Tây Thi” (Tây Thi trong loài hoa).
Trong tất cả loại hoa kể trên, có nhiều loài hoa rất phổ biến, thậm chí là rất tầm thường, nhưng dưới cặp mắt thưởng ngoạn của văn nhân đời xưa, chúng lại mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Điều đó cho thấy ý nghĩa và giá trị của sự vật không phải nằm trong tự thân chúng mà đôi khi lại nằm nơi trình độ và khả năng cảm thụ của người thưởng ngoạn. Trái táo rơi dưới cặp mắt của chúng ta chỉ là một trái táo, nhưng dưới cặp mắt nhà bác học Newton thì nó lại cánh cửa dẫn đến phát minh “định luật hấp dẫn vũ trụ”.
Trồng hoa là một nghệ thuật, nhưng thưởng ngoạn được hoa lại là một nghệ thuật cao nhã không kém. Những loài hoa được thi ca nâng niu trân trọng như trên kể ra cũng không uổng phí khi sinh ra làm loài hoa cỏ.
LIÊU HÂN/Baoquangnam
Lượt xem : 2941