Vietnamese English
Tản mạn chuyện lũ

1/17/2011 4:00:00 PM

"Thủy hỏa đạo tặc", thủy tai xếp hàng thứ nhất trong bốn tai họa đe dọa cuộc sống con người. Giờ đây nó đang phô diễn sức tàn phá khủng khiếp ở miền Trung. Lũ chồng lên lũ, cơn lũ này vừa qua thì cơn lũ khác lớn hơn đã lại ập tới. Không chỉ lũ, lốc xoáy cũng đã xuất hiện ở ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cuốn đi và làm tốc mái một số nhà dân và trường học. Họa vô đơn chí, ngoài khơi một cơn bão lớn tên là Megi với sức gió lên tới cấp 15, cấp 16 đang trên đường tiến vào biển Đông trực tiếp đe dọa các tỉnh ven biển.

 
Tản mạn chuyện lũ

 

Miền Trung hầu như năm nào cũng có mưa lũ nhưng có chiều hướng tần suất và cường độ lũ năm sau cao hơn năm trước là điều rất đáng lo ngại. Thiên tai lớn và dồn dập như vậy, sức người thì có hạn nên dù có cố gắng phòng chống cũng không tránh được sự thiệt hại về người và của; sự bù đắp của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng cho nhân dân vùng lũ tuy không nhỏ và rất kịp thời thì cũng chỉ là biện pháp tình thế chứ không phải là biện pháp căn bản và lâu dài. Cho nên, thiết nghĩ vấn đề cấp thiết đặt ra đối với vùng đất thường xuyên lũ lụt này là phải làm gì và làm thế nào để đồng bào ta có thể sống yên ổn không nơm nớp lo sợ mất người mất của mỗi khi mùa mưa bão đến, có vậy mới có thể nói đến chuyện phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Nên chăng, ngay sau đợt lũ lụt này, các Bộ ngành có liên quan phối hợp với các tỉnh vùng lũ tổ chức các cuộc hội thảo khoa học có sự tham gia của các chuyên gia để cùng bàn bạc giải bài toán khó này.
Nói đến các cơn giận dữ của thiên nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, con người không thể đối đầu trực tiếp mà hoặc là tìm cách né tránh hoặc sống chung với nó. Điều đó cũng có lý nhưng miền Trung là dải đất dốc và hẹp, một bên là núi, một bên là biển, có chỗ cách nhau chỉ 50km, rừng thì bị tàn phá, mưa to không giữ được nước, lũ lụt bất thần ập xuống rất nhanh vậy thì tránh ở đâu và tránh thế nào? Còn sống chung với lũ thì không phải lũ nào cũng sống chung được. Ở đồng bằng sông Cửu Long bà con nông dân ta đời này qua đời khác sống chung được với lũ, hơn nữa năm nào lũ về muộn là mong lũ như trẻ con mong mẹ về chợ, vì lũ về mang theo nguồn thủy sản vô cùng phong phú, lũ về mang thêm phù sa vừa có tác dụng vệ sinh đồng ruộng, vừa hứa hẹn một mùa lúa bội thu sau lũ. Cũng là lũ nhưng lũ ở đồng bằng sông Cửu Long là lũ do nước sông Mê Kông dâng cao, nước lên từ từ không gây thiệt hại gì đáng kể, còn lũ ở miền Trung là do mưa lớn gây ra, rừng bị phá nên lũ hình thành rất nhanh, ập xuống cũng rất nhanh cuốn phăng tất cả ra biển vậy thì sống chung với lũ miền Trung thế nào.
Bác Hồ đã dạy: "Lụt thì lút cả làng/Muốn cho khỏi lụt thiếp chàng cùng lo". Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Xem tivi nhìn các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước lần lượt xếp hàng bỏ vào hòm kính phong bì trị giá một ngày lương ủng hộ đồng bào vùng lũ tôi thực sự xúc động. Mong sao đến một ngày nào đó không xa những hình ảnh như thế không còn tái hiện mà thay vào đó là những chương trình hành động, những kế hoạch quy mô giải quyết về cơ bản nạn ngập lụt ở nước ta.
Trần Thiên Nhiên

Lượt xem : 2514