ThienNhien.Net - Trong mục Sức Khoẻ của Chicago Tribune - một trong mười tờ nhật báo lớn nhất của Mỹ - có một chuyên trang mang tên "Chất độc màu da cam" ("Orange Agent"). Trong tháng 12 này, chuyên trang đã thu hút một lượng lớn độc giả nhờ đăng loạt bài viết điều tra đặc sắc của hai nhà báo Jason Grotto và Tim Jones về đề tài chất độc điôxin trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Lật lại câu chuyện đau thương về chất độc hoá học Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, các nhà báo đã lần tìm, xâu chuỗi kết quả nghiên cứu của hàng loạt báo cáo, tài liệu mật về phía Mỹ có liên quan, câu chuyện bức xúc của những cựu binh Mỹ đang sinh sống tại bang Indiana (Mỹ), và dành gần một tháng trời lăn lộn khắp 8 tỉnh thành của Việt Nam nơi có những nhân chứng sống về chất độc hoá học chiến tranh.
Các nhà báo đã đưa ra hai bức tranh tương đồng về những gia đình đang sinh sống ở hai nửa bán cầu, cách xa nhau tới 8.300 dặm, với hình ảnh những người con trong gia đình đang đau đớn vật lộn trong bệnh tật. Họ cùng chung cảnh ngộ, cùng là những thế hệ F1 chịu hậu quả chất độc diôxin, đang bị hành hạ bởi những căn bệnh quái ác, vô phương cứu chữa . Chỉ vì, cha (mẹ) họ đã cùng có mặt trên chiến trường Việt Nam những thập kỷ 60-70.
Một vùng rừng ngập mặn của Việt Nam trước và sau khi bị quân đội Mỹ rải hoá chất độc hoá học làm rụng lá. (Ảnh: AP) |
Viết về các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, các tác giả nhận xét rằng họ là nhân vật chính của "Tấn bi kịch ba màn". Màn thứ nhất là sự "mù thông tin" của những quân nhân này về tác hại của chất độc làm rụng lá đối với sức khoẻ của chính mình khi tham gia rải chất độc làm rụng lá lên những cánh rừng Việt Nam. Màn thứ hai là khi họ đã nhận ra chân tướng sự thật, khi những căn bệnh quái ác xuất hiện và bắt đầu tác oai tác quái. Màn thứ ba là sự thất bại của bộ máy chính quyền Mỹ trong việc hỗ trợ các cựu chiến binh và gia đình họ chống đỡ hậu quả chiến tranh.
Jack Cooley là một trong những nhân vật được nhắc tới. Cooley từng có mặt tại chiến trường Việt Nam và chết ở tuổi 65 do căn bệnh ung thư máu. Những năm tháng cuối đời ông là chuỗi ngày chờ đợi và vô vọng. Ông nói với con gái rằng "Cha có cảm giác bị phản bội". Sự "phản bội" ấy chính là sự thờ ơ, tắc trách, trễ nải của các nhà chức trách Mỹ đối với Cooley và hàng triệu cựu binh Mỹ trong việc công nhận những căn bệnh có liên quan đến chất độc hoá học chiến tranh và giải quyết đền bù cho họ.
Khoản đền bù 2.700 USD chỉ đến được gia đình Cooley trước khi ông chết 3 tháng, sau đằng đẵng thời gian chờ đợi, vì cũng chỉ có được vì trước đó một người bạn cũ của ông được bổ nhiệm làm thư ký cho văn phòng Bộ Cựu chiến Binh Mỹ đã ra tay giúp đỡ.
Là nạn nhân của "Tấn bi kịch ba màn", nhiều cựu binh Mỹ tỏ ra cực kỳ thất vọng trả lời phỏng vấn: "Họ chỉ muốn chúng tôi chết đi cho rồi. Họ cứ lần lữa, lần lữa mãi cho đến khi bọn cựu chiến binh chúng tôi chết hết".
Tuy nhiên, phía sau nỗi bức xúc, vô vọng của những cựu binh Mỹ, các nhà báo đã vén lên một tấn bi kịch khác còn nặng nề hơn. Đó là nỗi đau da cam những nạn nhân chiến tranh người Việt và thái độ né tránh, cố tình dây dưa của chính phủ Mỹ.
Con số ước tính khoảng 2,1 đến 4,8 triệu người dân Việt Nam đã tiếp xúc với hoá chất diệt cỏ trong chiến tranh, do Gs. Jeanne Stellman, giảng viên ĐH Colombia của Mỹ đưa ra trong một bài viết đăng trên tạp chí nghiên cứu chuyên ngành Nature cũng bị Mỹ gạt phắt.
Các nhà báo cho biết tổng chi phí Mỹ phải chi trả cho dịch vụ y tế đối với quân nhân Mỹ tham chiến tại Việt Nam tăng 60% kể từ năm 2003, chiếm già nửa tổng chi cho toàn bộ cựu chiến binh Mỹ tham gia tất cả các cuộc chiến tranh, lớn hơn cả lượng chi cho cựu binh Mỹ tham gia Thế Chiến thứ 2 và cựu binh Mỹ phục vụ chiến tranh tại Hàn Quốc.
Bản đồ Mỹ rải chất độc hoá học làm rụng lá tại chiến trường Việt Nam (Nguồn: Bộ Cựu Chiến Binh Mỹ)
Đến nay, Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã chính thức công nhận hơn mười loại bệnh tật có liên quan tới chất độc điôxin mà các cựu chiến binh và gia đình, con cái họ sẽ được bồi thường, trong đó có ung thư, Parkinson và các dạng khuyết tật bẩm sinh.
Năm 2008, chính phủ Mỹ cũng đã chi 13,7 tỉ USD bồi thường thiệt hại cho cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, trong đó bao gồm hàng triệu gia đình có con cái bị dị tật bẩm sinh.
Song, chính phủ Mỹ nhất quyết không chịu thừa nhận có một mối liên hệ giữa chất độc này với các bệnh tật mà người Việt đang gánh chịu.
Kể từ năm 1995 khi hai nước bình thường hoá quan hệ, quốc hội Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 125 triệu USD chống HIV/AIDS, 46 triệu USD về thương vong do bom mìn Mỹ còn sót lại.
Nhưng, khoản chi cho tất thảy những vấn đề liên quan đến hoá chất diệt cỏ đã được rải thảm trên chiến trường Trung và Nam Việt Nam, bao gồm cả chi phí khắc phục môi trường và các vấn đề sức khỏe, mới chỉ là 6 triệu USD.
Khoản hỗ trợ này chỉ bằng một phần ba sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện tư nhân của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam".
Đối với vấn đề còn được coi là "nhạy cảm" đối với cả hai phía Mỹ và Việt Nam này, hai nhà báo đã không né tránh khi đề cập đến quan điểm chính trị của hai bên, song họ cũng đã nỗ lực hết sức để đảm bảo tính khách quan của những thông tin và nhận định, bằng cách đưa ra những bằng chứng thực tế, có sự kiểm định, đối chiếu về thời điểm, địa điểm với các mốc sự kiện trong quá khứ. Các nhà báo đã sử dụng các loại bản đồ phân lớp, thiết bị định vị toàn cầu GPS để tái hiện và phân tích các dữ liệu về việc rải chất độc hoá học của quân đội Mỹ trong quá khứ.
Loạt phóng sự của Jason Grotto và Tim Jones sẽ góp thêm một tiếng nói khách quan giúp người dân Mỹ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam và những hậu quả thê thảm mà chúng để lại, những khó khăn đối với những nạn nhân bước ra từ cuộc chiến cũng như trách nhiệm của chính phủ Mỹ trong việc giải quyết hậu quả do chính mình đã gây ra. Loạt phóng sự khép lại nhưng đã mở ra cho người đọc nhiều suy nghĩ và trăn trở.