Vietnamese English
Tại sao Hà Nội phải có 9 sân golf?

8/24/2009 11:46:00 AM

"Tại sao cứ phải làm sân golf mà không phải là khu đô thị, khu công nghiệp - những loại hình đầu tư có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn?”, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, băn khoăn.



Hoan nghênh quyết định dừng 10 dự án sân golf của UBND thành phố Hà Nội, song nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về những hệ lụy và lãng phí không đáng có, khi Thủ đô cùng lúc có tới 9 dự án sân golf.

Cùng với việc quyết định dừng 10 dự án sân golf, UBND thành phố Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép 5 dự án được phép tiếp tục triển khai. Nếu được chấp thuận, Hà Nội sẽ có tổng cộng 9 sân golf.

'Xin đừng động đến đất lúa'

Theo tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khó có thể kết luận việc Hà Nội có 9 sân golf là nhiều hay ít. Điều quan trọng nhất là những sân golf đó được xây dựng ở vị trí nào và đất mà nó sử dụng là loại đất gì. Mặt khác, nếu tính cả vùng Hà Nội thì con số chưa dừng ở đây. Bởi nhiều địa phương lân cận Hà Nội cũng đã có sân golf như Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc…
 

Nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội có quá nhiều sân golf. Ảnh: Trung Kiên

“Người dân ở đó lấy đâu ra tiền mà chơi golf. Tính ra thì mỗi một sân golf có được mươi người chơi một ngày hay không?”, tiến sĩ Liêm đặt câu hỏi về hiệu quả kinh tế mà những sân golf đã đi vào hoạt động mang lại.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho hay, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội cho rằng các sân golf đã đi vào hoạt động đang tạo công ăn việc làm cho 1.500 người và nộp ngân sách 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần xem xét những sân golf này đã lấy mất bao nhiêu diện tích đất trồng lúa và đất có thể chăn nuôi, canh tác.

“Tôi thấy chỉ có sân Đồng Mô và sân Sóc Sơn là ít động đến đất lúa, còn sân Vân Trì (Đông Anh) thì quả là có vấn đề. Tại sao cứ phải làm sân golf mà không phải là khu đô thị, khu công nghiệp - những loại hình đầu tư có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn?”, tiến sĩ Liêm băn khoăn.

Đồng tình với quan điểm trên, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, khẳng định: nếu như sân golf được xây ở những vùng đồi gò, sỏi đá thì không ai phản đối. Nhưng nếu động đến đất lúa, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì không thể chấp nhận.

Nói về hiệu quả kinh tế của các sân golf như UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm phân tích: “Không nên đưa ra một con số đơn thuần như thế. Phải xem xét cơ cấu lao động tại các sân golf, xem có bao nhiêu nông dân mất đất được làm việc trong đó, hay đa phần là sinh viên, những lao động được đào tạo từ nơi khác chuyển đến”. Tiến sĩ Nghiêm cũng cho rằng, cần xem xét số tiền 100 tỷ nộp ngân sách là từ doanh thu của sân golf hay từ nguồn thu nào khác (cho thuê nhà, biệt thự, kinh doanh du lịch sinh thái…).

Một sân golf trung bình có 10 người chơi một ngày, nhưng có thể làm hàng chục nghìn nông dân mất đất.

Cấp phép vội vã

Hoan nghênh quyết định dừng 10 dự án sân golf, song tiến sĩ Phạm Sỹ Liên không khỏi băn khoăn khi nhiều dự án, trong số đó, có những dự án cấp phép cách đây chưa lâu. Không ít những sân golf được cấp phép khi thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đã cận kề.

“Điều này thể hiện sự vội vã quá mức, bởi người có trách nhiệm phê duyệt, cấp phép trong thời điểm đó không thể không biết rằng Hà Nội sắp được hợp nhất với Hà Tây”, tiến sĩ Liêm bình luận và kiến nghị cần xem xét, quy trách nhiệm cá nhân cụ thể trong việc việc cấp phép ồ ạt này. Việc này là cần thiết để các địa phương rút kinh nghiệm, tránh lãng phí.  

Cùng quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cho biết: “Những người có trách nhiệm không thể không ý thức được rằng khi sáp nhập, sẽ có quy hoạch mới. Quy hoạch mới sẽ đi đôi với kế hoạch sử dụng đất mới, mục tiêu mới của các dự án đầu tư”. Theo ông Võ, điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt, làm ảnh hưởng đến lợi ích chung. Việc phải có sân golf để thu hút khách du lịch, khách quốc tế là rất cần thiết và không thể không có. Tuy nhiên, đối với các dự án sân golf, hiệu quả sử dụng đất chưa bao giờ được coi là cao. Đó là chưa kể đến những hệ lụy về môi trường mà sân golf có thể gây ra.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, 10 dự án sân golf mà thành phố quyết định dừng triển khai sẽ được chuyển đổi mục tiêu đầu tư. Trước khi dừng 10 dự án, Hà Nội có tổng cộng 19 dự án sân golf, trong đó địa bàn Hà nội (cũ) có 8 dự án, Hà Tây (cũ) 10 dự án và Mê Linh (Vĩnh Phúc) có 1 dự án. Tổng diện tích chiếm đất của các dự án này là 6.690 ha, trong đó có 482 ha đất trồng lúa.

Trần Ngọc Trung
Nguồn: Đất Việt, 24/8/2009

Lượt xem : 2847