Vietnamese English
Tại sao diện tích rừng bị tàn phá ở Đắk Nông ngày càng tăng?

7/26/2009 6:59:00 PM

 

Tỉnh Đắk Nông hiện có 391.635 ha đất lâm nghiệp trong đó có 362.213 ha đất lâm nghiệp có rừng. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thì từ khi tái thành lập tỉnh đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 1.856 vụ phá rừng trái phép làm thiệt hại trên 1.765 ha rừng. Trong đó, năm 2004 phát hiện 174 vụ phá rừng, làm thiệt hại 176 ha rừng; năm 2005 là 237 vụ với 385 ha; năm 2006 là 284 vụ với 326 ha; năm 2007 có 287 vụ với gần 202 ha; năm 2008 là 589 vụ với 438 ha và trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã phát hiện 312 vụ phá rừng với hơn 237 ha bị thiệt hại.
Đây mới chỉ là những con số thống kê trên giấy tờ, còn con số thực tế có thể sẽ lớn hơn gấp nhiều lần vì trong thực tế nhiều chủ rừng phát hiện diện tích rừng do mình quản lý bị tàn phá nhưng không báo cáo và nếu kiểm lâm có báo cáo thì phải là những vụ việc có đầy đủ hồ sơ pháp lý, còn những vụ việc chưa làm rõ được chắc cũng chưa nằm trong những con số thống kê này. 

Trong những năm qua, biết được đây là một địa bàn "nóng" về phá rừng nên Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh Đắk Nông đã có nhiều văn bản, chỉ thị về công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng như đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tình trạng phá rừng, nhưng xem ra vẫn không mấy hiệu quả, diện tích rừng bị tàn phá vẫn gia tăng qua từng năm. Trong đó, diện tích rừng bị mất tập trung nhiều ở các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có dự án trồng, quản lý và bảo vệ rừng trong thời gian qua đã để mất hơn 600 ha rừng. Qua đó cho thấy nhiều chủ rừng và địa phương ở tỉnh Đắk nông đang bất lực trước tình trạng phá rừng đang diễn ra tràn lan hiện nay.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng các cơ quan chức năng ở Đắk Nông đã nêu ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó xử trong quản lý và bảo vệ rừng ở tỉnh này là từ hệ thống pháp lý đến công tác tổ chức, lãnh đạo và cả nguồn nhân lực bảo vệ đều đang có nhiều bất cập. Dường như bọn lâm tặc đang “nhờn luật” do hình thức quản lý và xử lý của cơ quan chức năng hiện nay chưa có hiệu quả. Nhiều người cho rằng, khi giao đất và rừng cho các chủ dự án, tỉnh chưa phân loại, định giá rừng, nên đến khi mất rừng thì không có cơ sở để xử lý; thời hạn xử lý hành chính theo quy định là 2 năm, nhưng nhiều trường hợp, diện tích rừng khi phát hiện bị phá lại không chứng minh được phá vào thời điểm nào nên nhiều đối tượng phá rừng lợi dụng điểm yếu này để khai vượt thời hạn nêu trên dẫn đến "vô hiệu hóa các quy định của Nhà nước.
Đối tượng phá rừng hiện nay ngoài dân di cư tự do vào phá rừng chiếm đất làm rẫy thì còn có cả cả những lâm tặc mặt mày "đằng đằng sát khí" tổ chức phá rừng để lấy gỗ bán. Bọn chúng sử dụng cả nhiều loại vũ khí và sẵn sàng tấn công lại các lực lượng bảo vệ nếu đến "làm phiền" chúng. Với một lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở quá mỏng, công cụ hỗ trợ lại vừa thiếu và yếu như hiện nay thì việc bảo vệ rừng là rất khó khăn.
Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng là trong thời gian qua, sự phối, kết hợp giữa các cấp, ngành trong vấn đề bảo vệ rừng vẫn còn tình trạng buông lỏng dẫn đến các đối tượng phá rừng lợi dụng sơ hở này để tàn phá rừng.
Vì vậy, để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Đắk Nông trong thời gian tới, trước hết, các cấp, các ngành của tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn nữa, trong đó lực lượng chủ chốt vẫn là kiểm lâm, cảnh sát môi trường và lực lượng bảo vệ rừng của các doanh nghiệp được giao quản lý và bảo vệ rừng.
Thứ hai, tỉnh phải kiểm tra, rà soát lại các quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, tiến hành phân loại rừng trước khi giao cho các chủ dự án nhằm gắn liền quyền lợi và trách nhiệm cho họ.
Thứ ba là phải chọn những điểm nóng về phá rừng để tăng cường lực lượng bảo vệ, xử lý nghiêm những vụ vi phạm đã có đầy đủ chứng cứ pháp lý để làm gương cho những đối tượng khác.
Thứ tư là cần có chính sách đồng bộ để giải quyết tình trạng dân di cư tự do hiện nay, phải ngăn chặn ngay trước khi họ vào rừng chứ đừng để họ phá rừng xong mới tiến hành xử lý, giải quyết hậu quả.
Cuối cùng là cần xem xét lại chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh sao cho việc triển khai các dự án mới sẽ không những không tổn hại đến diện tích rừng mà còn bổ trợ, bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.
Thực hiện được một số đề xuất trên, may ra mới có thể giúp làm giảm nhiệt được phần nào tình trạng phá rừng đang nóng bỏng tại Đắk Nông.
 C.L
Nguồn: MONRE NET, 24/7/2009

Lượt xem : 5335