Vietnamese English
Tài sản vô giá của Việt Nam có nên đánh đổi?

10/4/2009 9:20:00 PM

(LĐ) - Sau khi Lao Động có loạt bài việc VQG Cát Tiên - khu dự trữ sinh quyển thế giới - phải kêu cứu vì nhiều dự án thuỷ điện đang đổ về đây, nguy cơ tiêu diệt hệ sinh cảnh động vật hoang dã hiếm hoi của Việt Nam và thế giới..., nhiều nhà khoa học, quản lý liên quan đến bảo vệ rừng đã lên tiếng.

 
Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ ra sao khi các dự án thuỷ điện triển khai?

Giáo sư Võ Quý (Chủ tịch Hội Sinh thái VN, là người thứ hai của Châu Á được trao Giải thưởng Hành tinh xanh của Tổ chức Asahi Nhật Bản, được Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là người hùng về môi trường năm 2008):

VQG Cát Tiên được Việt Nam và thế giới công nhận là khu bảo tồn lớn, dự trữ sinh quyển lớn, không hẳn vì diện tích lớn (hơn 71.000ha không tính vùng đệm - PV) mà có nhiều động vật hoang dã quý hiếm còn sót lại, mà tê giác là điển hình nhất. Dù chỉ còn 3-5 cá thể, nhưng đây chính là tài sản đa dạng sinh học của cả nước, của thế giới.

Vì vậy, các dự án thuỷ điện phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cần lưu ý rằng, chúng ta không thể làm ĐTM cho phải phép như đã từng xảy ra, mà phải có hội đồng khoa học nghiêm túc xem xét.

Việc xem xét ở đây phải trên tiêu chí: Không thể quy đổi so sánh giá trị 1 con tê giác với tiền bạc với 1 hay hàng trăm MW thuỷ điện! Trước đây ở VQG Tam Đảo, có 1 dự án du lịch sinh thái giá trị khoảng 300 triệu USD đã duyệt, đã có ĐTM rồi. Chúng tôi - những nhà khoa học - phải lên tiếng, tổ chức cả hội nghị đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư về mọi góc độ. Nhờ vậy dự án mới ngừng lại. 
 

Tuy nhiên, dù ĐTM nghiêm túc như thế nào, thì tôi cũng lưu ý rằng, theo quy định luật pháp, với vùng lõi, vùng bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm ở cấp VQG là không được tác động.

VQG Cát Tiên.

Ông Phạm Trọng Thịnh (Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ - Bộ NNPTNT):

Vị trí của VQG, của những loài động vật quý hiếm như tê giác, bò tót v.v... đã được Chính phủ, bộ, ngành liên quan xác định bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt. Việc bảo vệ tài sản đó, cũng là thực hiện một (đảm bảo sự bền vững của môi trường) trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) mà Việt Nam - một trong 189 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc - phấn đấu đạt được vào năm 2015. Chúng ta có tài sản quý như vậy, có nên để tác động vào, ảnh hưởng để mất đi tài sản đó không?

Tôi cho rằng, làm gì thì làm, phải hạn chế thấp nhất việc gây ảnh hưởng đến bảo tồn VQG. Phải lập ĐTM một cách chi tiết, cẩn thận và xét nhiều góc độ, lấy ý kiến nhiều nhà khoa học mới phê duyệt cho dự án thuỷ điện triển khai, thì mới đảm bảo, nếu không rất nguy hại...

Ông Trần Văn Mùi - GĐ Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, nguyên GĐ VQG Cát Tiên:

Bây giờ, đọc báo chí lại thấy nhiều thuỷ điện cận kề, thậm chí "ăn" vào cả vùng lõi cần bảo vệ nghiêm ngặt nữa thì VQG lâm nguy mất rồi! Hiện nay, chỉ có những nước chưa phát triển mới làm thuỷ điện, chứ nước phát triển họ tìm nguồn năng lượng khác ví như phong điện v.v..., bởi thuỷ điện không chỉ ảnh hưởng môi trường lớn, mà ngược lại "tuổi thọ" thuỷ điện hạn chế nhưng sẽ xoá đi tính "thiên thu" của môi trường, đặc biệt môi trường sinh học đa dạng hiếm hoi như VQG Cát Tiên.

 

 
Ngô Sơn thực hiện
Nguồn: Lao Động, 3/10/2009

Lượt xem : 2321