Vietnamese English
Tài nguyên thiên nhiên và môi trường – Nền tảng phát triển bền vững

2/20/2021 6:21:00 PM

(VACNE) – Trong các cuộc tọa đàm tại Văn phòng VACNE gần đây, trong Hội thảo Khoa học Quốc gia lần thứ IV “Môi trường và Phát triển bền vững” do VACNE phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội (CRES) và Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học tổ chức PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn, Ủy viên BCH VACNE đã trình bày báo cáo “Tài nguyên thiên nhiên và môi trường là nền tảng phát triển kinh tế bền vững”.

Được phép của tác giả, xin đăng tóm tắt bài viết với tiêu đề trên.

Thế giới đã chuyển sang phát triển theo hướng bền vững, xanh, tuần hoàn (Hình 1). Nền tảng lý thuyết cho việc chuyển sang ấy là các lý thuyết phát triển mới, trong đó có lý thuyết kinh tế mới. Lý thuyết này coi tài nguyên thiên nhiên và môi trường là nền tảng phát triển kinh tế bền vững.

Hình 1. Diễn tiến từ “nâu” sang “xanh” của nền kinh tế

1. Lý thuyết kinh tế truyền thống (kinh tế nâu)

Lý thuyết kinh tế học truyền thống chỉ tập trung vào các quá trình, các mối quan hệ trong bản thân các hoạt động kinh tế, bỏ qua các tác động ra bên ngoài hệ thống kinh tế (các ngoại ứng). Kinh tế học truyền thống và Kinh tế học tân cổ điển tập trung chủ yếu vào phát triển hệ thống kinh tế trên cơ sở sử dụng tối ưu, hiệu quả các nguồn lực, trong đó có tài nguyên thiên nhiên, để sản xuất hàng hóa và tạo ra lợi nhuận. Có thể khái quát nội dung chủ yếu của lý thuyết kinh tế học truyền thống ở 4 đặc điểm:

- Hàng hóa cá nhân ở vị trí trung tâm; tài nguyên, môi trường không phải là hàng hóa.

- Các yếu tố sản xuất (đất đai, lao động, vốn, KHCN) ở vị trí trung tâm.

- Doanh thu, lợi nhuận là động lực cơ bản.

- Hệ thống quản lý tuyến tính (Hình 2).

Hình 2. Hệ thống quản lý tuyến tính ở lý thuyết kinh tế truyền thống

Trong bối cảnh phát triển mới và hiện đại, các lý thuyết kinh tế truyền thống chưa đủ để giải quyết được các vấn đề đặt ra từ yêu cầu PTBV và ứng phó với BĐKH, không chỉ bởi nội hàm PTBV rộng hơn mối quan hệ kinh tế với môi trường mà còn cả bởi để giải quyết mối quan hệ kinh tế - môi trường trong bối cảnh phát triển mới hiện nay còn cần giải quyết cả những vấn đề khác trực tiếp liên quan, tác động ảnh hưởng tới cả kinh tế và môi trường, như vấn đề nghèo đói, sinh kế, việc làm, thu nhập, sức khỏe, giáo dục, BĐKH, … Các vấn đề này trước đây thường được nhận thức và giải quyết một cách gần như tách biệt với nhau, thậm chí còn coi rằng kinh tế là nền tảng, cần được đi trước làm điều kiện, tiền đề cho giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Tư duy “kinh tế trước, môi trường sau” thịnh hành và thống lĩnh ở hầu hết các nước trong các quyết định phát triển trong nhiều thập kỷ gần đây và đang được nhận thức lại để thay đổi, chuyển sang hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ TNMT và PTBV. Đó cũng là cơ sở cho sự ra đời, phát triển của các lý thuyết kinh tế mới: kinh tế bền vững, xanh, tuần hoàn.

2. Lý thuyết kinh tế mới (kinh tế bền vững, xanh, tuần hoàn)

          Trong khi Kinh tế học truyền thống gần như không chú ý gì đến Tự nhiên, chỉ coi tài nguyên thiên nhiên là một yếu tố cung cấp đầu vào cho quá trình sản xuất thì Kinh tế học bền vững lại rất chú ý đến Tự nhiên, coi đó là yếu tố giới hạn cho tăng trưởng, phát triển kinh tế. Cuốn giáo trình “Kinh tế học bền vững - Lý thuyết kinh tế và thực tế của phát triển bền vững” ví mô hình kinh tế trong nhiều thế kỷ qua như “nền kinh tế thú dữ ăn thịt” vì sự khai thác tự nhiên tàn bạo của nó với hệ quả là tài nguyên thiên nhiên ngày càng suy giảm, suy kiệt, cạn kiệt, môi trường tự nhiên ngày càng ô nhiễm, suy thoái, đe dọa sự phát triển tiếp tục của kinh tế và xã hội loài người. Đã có tính toán và cảnh báo rằng năm 2017, bắt đầu từ ngày 2/8 đến hết năm con người trên Trái đất phải “lạm quỹ” thiên nhiên để đáp ứng các nhu cầu sống của mình trong khi năm 2016 là từ ngày 3/8, năm 1997 là từ ngày 30/9, năm 1985 là từ ngày 5/11. Ngày mà con người trên Trái đất phải “lạm quỹ” thiên nhiên để đáp ứng các nhu cầu sống của mình được gọi là Overshoot Day. Công bố của Mạng lưới Dấu chân toàn cầu (GFN) cho biết tính trung bình từ năm 1970, ngày Overshoot Day của Trái Đất đã tới sớm hơn 3 ngày/năm. Nghĩa là, chúng ta hiện đang cần có hơn 1 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu của mình và sự phát triển của con người trên Trái đất đang ngày càng thâm dụng nhiều hơn vào quỹ thiên nhiên.

Còn nền kinh tế bền vững được ví như là “nền kinh tế trên con tầu vũ trụ”, theo đó mọi thứ trên con tầu này cần được sử dụng hợp lý, thông minh và được tuần hoàn tái chế để đảm bảo cho chuyến bay lâu dài. Khác với Kinh tế học truyền thống, Kinh tế học bền vững coi Trái đất như một hệ thống kín và ngoài năng lượng mặt trời thì không có sự tăng thêm nào về vật chất cả. Mọi hoạt động phát triển trên Trái đất cần được tuân thủ nguyên tắc giới hạn khả năng có thể cung cấp của Trái đất.

Lý thuyết kinh tế mới coi tài nguyên thiên nhiên và môi trường là nền tảng cho hoạt động kinh tế và nâng cao chất lượng sống của con người và qua đó cũng đồng thời thể hiện mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tất yếu giữa 3 trụ cột cơ bản của PTBV cần được đảm bảo một cách hài hòa, liên tục (Hình 3).

Description: thapSD

Hình 3. Tài nguyên, môi trường là nền tảng

Lý thuyết kinh tế mới dựa trên nền tảng nhận thức hoàn toàn khác về mối quan hệ Con người - Tự nhiên (Bảng 1).

Bảng 1. Khác biệt trong nhận thức cũ và mới về mối quan hệ Con người - Tự nhiên

Nhận thức cũ

Nhận thức mới

Trái đất có nguồn tài nguyên vô hạn

Tài nguyên trên Trái đất là hữu hạn

Lúc tài nguyên hết hãy tới nơi khác tìm

Tái chế và ưu tiên sử dụng tài nguyên tái tạo được

Cuộc sống của con người được cải thiện dựa vào của cải vật chất

Vật chất chỉ là một khía cạnh của chất lượng cuộc sống của con người

Con người phải chinh phục thiên nhiên

Con người phải hợp tác với thiên nhiên

Công nghệ mới sẽ giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay

Vấn đề môi trường hiện nay chỉ có thể giải quyết với sự tham gia của đạo đức

Đã có con người tất yếu phải có phế thải

Trong hệ sinh thái phế thải chỉ tồn tại tạm thời, nhìn lâu dài trong thiên nhiên không có phế thải

3. Một số kiến nghị

3.1. Xác lập quan điểm thống nhất trong chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế về tài nguyên thiên nhiên là nền tảng, trong đó nền tảng tài nguyên thiên nhiên phải được chuyển giao giữa các thế hệ theo tiếp cận thế hệ hiện tại vay của thế hệ sau và phải được trả lại cả gốc lẫn lãi.

3.2. Xác lập vai trò tài nguyên thiên nhiên là nền tảng trong mọi chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH các cấp độ.

3.3. Thực hiện quy hoạch môi trường (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên) đi trước một bước làm nền tảng cho các quy hoạch phát triển khác, trong đó lấy năng lực tải (carrying capacity) của môi trường là trọng tâm.

3.4. Thực hiện lượng giá tài nguyên và môi trường giống như đối với các tài sản vật chất/kinh tế khác làm cơ sở cho hạch toán, kiểm toán TNMT ở tất cả các cấp độ (quốc gia, ngành, địa phương, doanh nghiệp).

3.5. Đối với một số tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, khan hiếm (nước, đất đai, ...) cần xây dựng bảng cân đối tài sản cả về mặt vật lý (tự nhiên) và cả về mặt giá trị (vốn hóa).

3.6. Hình thành chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về TNTN là nền tảng để cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc giáo dục, nâng cao nhận thức trong xã hội./.

Tài liệu tham khảo

1. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, 2018, Chủ biên: Nguyễn Danh Sơn, Kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Holger Rogall, 2011 (sách dịch), Kinh tế học bền vững - Lý thuyết kinh tế và thực tế của phát triển bền vững, nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ.

3. http://vacne.org.vn/tu-hom-nay-chung-ta-an-vao-duoi-cua-minh/216350.html.

Nguyễn Danh Sơn

Lượt xem : 1981