Tài nguyên khoáng sản rồi sẽ sớm cạn kiệt!
4/8/2010 3:14:00 PM
Ai cũng biết khoáng sản là một tài nguyên không thể tái tạo. Vì thế, tài nguyên khoáng sản của quốc gia cần được bảo vệ, quy hoạch và khai thác một cách hợp lý phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế đất nước, đồng thời phải đảm bảo cho các thế hệ mai sau còn có thể tiếp tục khai thác.
Việc các địa phương cấp giấy phép khai thác khoáng sản tràn lan hiện nay dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên và tàn phá môi trường mà chính các địa phương cấp phép cũng không kiểm soát được. Riêng tại huyện Quỳnh Hợp, tỉnh Nghệ An, sau một đợt thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu tỉnh ngưng cấp phép 241 mỏ khoáng sản do sai phạm trong việc khai thác, trong quản lý lao động và hủy hoại môi trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong cuộc họp thảo luận về dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) ngày 18-3, đã lên tiếng báo động về tình trạng khai thác khoáng sản ồ ạt của các thành phần kinh tế, đồng thời yêu cầu Chính phủ xem xét lại việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản cho địa phương, hạn chế xuất khẩu khoáng sản. Đây không phải là lần đầu tiên, mà tại diễn đàn Quốc hội các đại biểu, trong đó có Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhiều lần yêu cầu chấn chỉnh việc khai thác khoáng sản, hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô, nhưng thực tế diễn ra ngược lại. Việc khai thác, chế biến cũng như xuất khẩu khoáng sản vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu.
Cuối năm 2009, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng cho xuất khẩu 400.000 tấn tinh quặng sắt, 84.000 tấn magnetit, 18.000 tấn mangan, 44.000 tấn kẽm... Như vậy, số lượng khoáng sản xuất khẩu năm 2010 sẽ còn nhiều hơn năm 2009.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng tinh quặng sắt nhập từ Việt Nam năm 2009 là 1,81 triệu tấn, trị giá trên 100 triệu đô la.
Cần nói thêm, chỉ ba công ty sản xuất thép lớn nhất Việt Nam mỗi năm cần tiêu thụ hơn 2 triệu tấn tinh quặng sắt. Nếu tiếp tục xuất khẩu tinh quặng sắt như hiện nay thì các nhà máy luyện thép lò cao ở Việt Nam được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng trong tương lai gần.
Một nghịch lý khác là tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã báo động rằng từ năm 2013, Việt Nam sẽ phải nhập than đá nhưng cũng chính tập đoàn này trong năm 2009 đã xuất khẩu 29 triệu tấn than đá và năm 2010 lại đề nghị xuất khẩu tiếp 18 triệu tấn. Có phải vì lợi ích cục bộ của chính tập đoàn này?!
Rõ ràng về mặt quản lý vĩ mô, chúng ta chưa có một chiến lược dài hạn, xuyên suốt nhằm bảo vệ, quản lý, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản với hiệu quả tối ưu cho sự phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên quốc gia. Chúng ta cũng chưa có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để ngăn chặn việc phung phí tài nguyên đã được báo động trong dư luận cũng như ở diễn đàn Quốc hội. Tài nguyên khoáng sản rồi sẽ sớm cạn kiệt nếu tình hình nói trên còn tiếp tục diễn ra.
(TB KTSG, 8/4/2010)
Lượt xem : 1757