Vietnamese English
Tái chế “tài nguyên rác” thành nguyên liệu sản xuất

6/24/2015 8:05:00 AM

Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011- 2020 hướng đến việc thu gom và tái chế “tài nguyên rác” thành nguyên liệu phục vụ sản xuất.

 Trong khi các nước tiên tiến như Nhật, Mỹ, Anh đầu tư hàng triệu USD tái chế rác thải vì mục tiêu tiết kiệm và bảo vệ môi trường thì Việt Nam lại nằm trong top những quốc gia đang lãng phí nguồn “tài nguyên rác".


Sản xuất phân compost từ chất thải tại Công ty VWS. Ảnh: TRƯƠNG HẰNG

Ngành tái chế phế liệu ở Mỹ mỗi năm đem về doanh thu trên 90 tỷ USD. Và ngành công nghiệp tái chế còn được cho là có vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của nước Mỹ vì nó không những giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp nước Mỹ sử dụng hợp lý hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt tạo việc làm cho rất nhiều người.

Trong khi đó, Trung Quốc có ngành công nghiệp tái chế cực kỳ mạnh. Theo một cán bộ của Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM, Trung Quốc nhập về và tái chế đến khoảng 50% phế liệu của thế giới, kiếm hàng trăm tỷ USD mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng vạn người.

Để có thể kiếm được những khoản tiền khổng lồ như vậy, tất nhiên công nghệ tái chế của các nước này phải rất cao. Đó là những nhà máy tái chế hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường chứ không phải là những cơ sở tái chế nhỏ lẻ như ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Rõ ràng ngành tái chế rác không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác như: giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh… 

Trong thời gian qua, ngành tái chế rác thải tại Việt Nam đã có những bước phát triển, dễ thấy nhất là việc thành lập một số nhà máy tái chế rác thải với quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại đang được các nước trên thế giới vận hành. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng việc xây dựng nhà máy mà không quan tâm đúng mức đến việc phân loại rác để có nguồn nguyên liệu, thì những nhà máy này không thể vận hành hết công suất, đồng thời làm lãng phí một nguồn tài nguyên vô cùng lớn.

Tại Việt Nam, hầu như các doanh nghiệp sản xuất bao bì đang rất khan hiếm nguồn nguyên liệu tái chế giá rẻ, do đó phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài với giá cao (do các phế liệu nhập này đã được phân loại trước khi đóng kiện nhập về Việt Nam). Từ đó, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, giảm tính cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế. 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành giấy và ngành nhựa đang rất mong nhà nước sớm triển khai quy hoạch ngành công nghiệp tái chế nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chính vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011- 2020, theo đó 70% tổng số lượng chất thải rắn ở nông thôn phải thu gom và xử lý để bảo đảm vệ sinh môi trường, với 60% được tái chế để tái sử dụng. 

Đến năm 2015 thì 85% tổng số lượng chất thải rắn tại đô thị phải được thu gom, xử lý, 60% được tái chế để tái sử dụng, hai con số này đến năm 2020 là 90% và 85%. 

Từ 2016-2020, 90% tổng số lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, 100% chất thải rắn y tế, phải được thu gom và xử lý. 

Đây là chủ trương rất hợp lý của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay, thể hiện ý chí, sự quyết tâm của Nhà nước trong công tác xử lý, tái chế rác thải. Tuy nhiên, để chương trình này thành công còn rất cần sự ủng hộ, cần sự thay đổi quan điểm sống xưa cũ của người dân về rác để rác không còn là thứ bỏ đi như dân ta vẫn nhầm tưởng.

Nhiều nước trên thế giới đã coi việc phân loại và xử lý rác là một ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận. Một số quốc gia như Thái Lan, Myanmar, Singapore với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, nên mỗi năm họ đã tiết kiệm được 50-55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế rác thải…

 

Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Lượt xem : 3016