Vietnamese English
Sung ngọt, một giống cây ăn quả mới ở Việt Nam

9/25/2021 6:00:00 AM

(VACNE) - Bài viết của TSKH. Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm CREDEP, Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam



 

 


Hình 1 và 2: Cây và quả Sung ngọt cắt dọc (nguồn: Internet)


Thời gian vừa qua, trên báo mạng đưa nhiều tin về một loại quả mới xuất hiện trên thị trường ở Việt Nam, gọi là Sung Mỹ. Mặc dù giá bán quả này rất đắt (150.000 - 250.000đ/kg, hoặc hơn nữa), nhưng vẫn có nhiều người tìm mua. Nơi bán thì luôn ở trong tình trạng ‘cháy hàng’. Nếu gọi “Sung Mỹ” thì không đúng, bởi vì nguồn gốc cây này không ở Mỹ, mà nó ở vùng Tây Nam Á, giữa khu vực Địa Trung Hải và Iran, sau đó được trồng ở nhiều nơi, kể cả California (Hoa Kỳ) và Australia, vv. Ở Việt Nam, cây này cũng được nhập trồng ở Phú Yên, Khánh Hoà và đang được trồng thử nghiệm tại xã Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) để  lấy quả ăn và làm thuốc. Do quả cây này có vị ngọt, trông giống quả Sung, nên có người đã gọi nó là ‘Sung ngọt’. Tên Sung ngọt đúng hơn.

         
Cây Sung ngọt có tên khoa học là Ficus carica L., thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Nó là cây gỗ nhỏ, cao khoảng 3-4m, hoặc hơn, toàn cây có nhựa mủ màu trắng. Lá đơn, mọc so le, đa dạng, thường xẻ 5-7 thùy sâu hình chân vịt, màu xanh sẫm ở trên, nhạt hơn ở mặt dưới, dài và rộng 10-20cm, phiến lá ráp, có lông ngắn. Quả loại sung, dạng như quả lê, dài 3-10cm, màu sắc thay đổi khi chín, thường có màu nâu đỏ và có vị ngọt đặc biệt.

         
Ngoài việc ăn tươi, quả Sung ngọt còn được chế biến thành mứt, nước giải khát… nhưng phổ biến nhất là sấy khô. Khi khô thì quả có vị ngọt đậm như quả Chà là.

         
Các loài trong chi Ficus (như Sung, Vả, Ngái, vv.) là thực vật có hoa, nhưng lại không nhìn thấy hoa, vì bộ phận sinh sản khi mới hình thành đã có dạng các quả nhỏ, rồi cứ lớn dần. Vì thế, nên được gọi là cây không hoa mà có quả, hay “vô hoa quả” (Wù hua guô – tiếng Hoa). Thực ra, cây có nhiều hoa đơn tính rất nhỏ, nằm trên bề mặt của đế cụm hoa nạc, lõm sâu, có hình quả, bọc kín các hoa vào trong. Hoa đực nằm xung quanh một lỗ nhỏ ở đỉnh của đế cụm hoa này, hoa cái nằm ở phía dưới, những con côn trùng khi chui qua lỗ nhỏ này bị dính hạt phấn của hoa đực, rồi vào trong khoang rỗng của đế cụm hoa để thụ phấn cho hoa cái, tạo thành quả thật rất nhỏ, trông như hạt. Đây là quả kép, gọi là “quả loại Sung”.

         
Quả Sung ngọt khi chín có vị hơi ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao, ngoài sử dụng để ăn tươi còn được chế biến dưới nhiều dạng như mứt, nước giải khát, nhân bánh, nhưng phổ biến nhất là sấy khô. Loại quả kém phẩm chất đuợc dùng để làm ruợu.

         
Những nghiên cứu về thành phần hoá học cho biết lá và quả Sung ngọt có chứa các acid hữu cơ, amino acid, các phenol, tyrosin, carotin; các acid fumaric, chikimic, quitic; các men cravin, lipase và protease. Lá chứa 0,06% chất đắng ficusin và bergapten. Nhựa mủ chứa men thủy phân protein, có tác dụng làm mềm thịt. Người ta cũng đã tách được từ quả cây này các chất psoralen, bergapten, taraxasterol, β-sitosterol và các vitamin A, B, vv.

         
Quả và rễ cây Sung ngọt có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, kiện vị, chống ho, cầm máu, trừ lỵ, tiêu thũng, và nhuận phế. Nó được sử dụng theo y học cổ truyền để điều trị các bệnh đau dạ dày, thần kinh, hạ đường huyết, hạ lipid máu, bảo vệ gan và kháng khuẩn.


Shukranul Mawa và cs. (2013), ở Trung tâm nghiên cứu cây thuốc, thuộc trường Đại học Kebangsaan (Malaysia), đã chứng minh hoạt chất trong nhựa mủ cây Sung ngọt có tác dụng ức chế sự phát triển nhiều dòng tế bào ung thư. Tài liệu khác cho biết nó có tác dụng chống oxy hóa và ức chế cholinesterase.

         
Ở Trung Quốc, quả và rễ cây Sung ngọt được dùng chữa bệnh tả, trĩ, mụn nhọt, viêm khí quản, háo suyễn, phổi nóng sinh ho.

         
Ở Ấn Độ, quả cây này dùng làm thức ăn bổ dưỡng; dịch quả xanh được dùng để chữa các mụn cơm.

         
Những nơi có điều kiện nên trồng cây Sung ngọt trong vườn hoặc trong chậu, vừa làm cây cảnh, vừa để lấy quả ăn và làm thuốc. Cây Sung ngọt có thể nhân giống bằng phương pháp giâm cành, hoặc chiết cành thì cây ra quả nhanh hơn. Gần đây, một người ở Đà Nẵng đã sưu tầm 130 giống Sung ngọt từ nhiều nước để trồng trên mái tôn nhà mình, nhiều cây đã cho quả ngọt. (vnexpress.net)

TSKH. Trần Công Khánh

Lượt xem : 1751