Sức ép của xã hôi tiêu thụ lên Đa dạng sinh học
8/6/2013 12:04:00 PM
(VACNE) - Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo: loài người sẽ không còn cơ hội nhìn thấy cá trong các đại dương vào năm 2050
Nguyễn Dình Hòe - VACNE
Lao động và tích lũy của cải là động lực khiến tổ tiên khỉ vượn tiến hóa thành loài người. Do động lực đó mà từ khi sinh ra, con người đã phải học và sống theo cách hương tới “Sở hữu” - có nghĩa là “Phải có”. Phần lớn nhân loại hướng đến sự giàu có, và đang nỗ lực hết mình cho lý tưởng trở thành giàu có, theo nghĩa “giàu là có rất nhiều thứ”. Phấn đấu làm giàu cho đến lúc chết.
Ngoài thỏa mãn nhu cầu ăn mặc, vui chơi, người ta ngày càng tích lũy nhiều hơn nhà cửa, xe cộ, tàu thuyền, cũng như nhiều phương tiện tiêu dùng đắt tiền khác. Rồi tích lũy tiền bạc thành nhiều dạng đầu tư, thành các loại tài khoản nhà băng, thành kim loại quý hiếm để bất cứ lúc nào cũng có thể biến chúng thành những thứ thỏa mãn nhu cầu của mình. Ngày xưa nhiều tiền quá tiêu không hết, người ta cho tiền vào chum rồi chôn dưới đất. Bây giờ thì không chôn xuống đất nữa mà có rất nhiều cách chôn, ví dụ tậu nhiều bất động sản, hay xây những khu mộ hoành tráng như cung điện.
Hàng hóa sản xuất ra ngày càng đa dạng về chủng loại và nhiều về số lượng đã được siêu công nghệ quảng cáo suốt ngày quyến rũ tiêu dùng. Rằng phải mua sắm thế nào, phải tiêu đi, mua đi mới là …sành điệu. Rằng kiếm nhiều tiền là hình mẫu lý tưởng của sự thành đạt. Rằng “người không tiền như đấu sĩ không gươm, như kị sĩ không ngựa, như cái lốp xe xì hơi”. Không ít người có quyền và kẻ có tiền còn liên kết nhau thành các kiểu mafia để làm loạn xã hội, cũng chỉ với mục đích là làm giàu nhanh hơn nữa.
Và vì thế mà bao nhiêu tài nguyên của Trái đất đang biến hết thành tài sản riêng của con người, Theo báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 1997, nếu để đạt mức sống như một cư dân trung bình của Hoa Kỳ, thì toàn bộ tài nguyên của Trái Đất chỉ đủ cung cấp cho 2 tỷ người. Mà nay dân cư trên Trái Đất đã trên7 tỷ rồi.
Vì thế mà từ khi xã hội loài người xuất hiện, Thế Giới đã lâm vào đợt diệt chủng lớn nhất trong lịch sử Trái Đất. Đến năm 2009, 17.291 trong tổng số 47.677 loài đã biết trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, bao gồm 21% động vật có vú, 30% động vật lưỡng cư, 35% động vật không xương sống và 70% loài thực vật – là số liệu được đưa ra trong các nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Trên thế giới có nhiều triệu loài đã tiệt chủng mà ngay chính con người còn chưa kịp biết đến.
Thêm nữa, nghiên cứu Kinh tế học về hệ sinh thái và đa dạng sinh học (TEEB) cũng cho thấy, khoảng một phần ba môi trường sống của Trái Đất đã bị suy thoái dưới tác động của con người. Tồi tệ hơn, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo: loài người sẽ không còn cơ hội nhìn thấy cá trong các đại dương vào năm 2050[1].
Muốn bảo vệ Đa dang sinh học, chỉ còn cách là mô hình tiêu thụ cũa xã hội phải bền vững, phải “Biết đủ là giàu” hoặc “Tri túc thiểu dục” (biết đủ, giảm ham muốn) - như giáo lý nhà Phật đã nói trên 2500 năm qua.
Lượt xem : 1146