Sông Hồng cứu sông Tô Lịch
9/19/2009 10:37:00 AM
TT - Một phương án cứu sông Tô Lịch vừa được Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Hà Nội đề xuất. Đó là dùng nước sông Hồng bổ sung cho sông Tô Lịch nhằm pha loãng mức độ ô nhiễm và dần tiến tới hồi sinh 14,6km sông “chết”.
|
Sơ đồ một phương án dẫn nước sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch - Nguồn: Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội cung cấp - Đồ họa: Vĩ Cường
|
>> Làm sạch sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng
Lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội cho rằng chất lượng nước sông Tô Lịch ngày càng suy giảm do lưu lượng nước thải đổ vào sông ngày càng lớn. Từ năm 2003, sông Tô Lịch đã được nạo vét và kè hai bên bờ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn chưa được thực hiện: đó là sự ô nhiễm nghiêm trọng của dòng sông do phải gánh chịu toàn bộ nước thải đô thị và công nghiệp chưa qua xử lý thải trực tiếp xuống sông.
Ông Nguyễn Trung Cường, nhà cạnh sông Tô Lịch thuộc P.Khương Đình (Thanh Xuân), than phiền bao nhiêu năm qua dòng sông vẫn nguyên một màu đen. “Mức độ ô nhiễm gồm đủ loại mùi hôi thối, xác động vật trôi nổi... nên giờ có thấy dòng sông đen hơn, nặng mùi hơn người dân cũng không còn sức kêu than nữa” - ông Cường than vãn.
150.000m3 nước thải/ngày
Theo ước tính của Sở TN-MT, toàn tuyến sông Tô Lịch có trên 200 cửa xả lớn nhỏ nhưng chưa hề có hệ thống thu gom và tách nước thải, nước mưa. Trung bình mỗi ngày sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải, đó là chưa kể lưu lượng nước thải sông này phải tiếp nhận thêm từ đoạn hợp lưu với sông Lừ và sông Kim Ngưu.
Tại hạ lưu của sông Tô Lịch còn phải tiếp nhận nước thải của 100 cơ sở thuộc các khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển, trong đó có những nguồn thải nguy hại như cyanure, thủy ngân, nước thải bệnh viện và trung tâm y tế của TP.
600 tỉ đồng xử lý nước thải
Đề án nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2010 vừa được TP phê duyệt tháng 7-2009 xác định từ nay đến năm 2010 sẽ thực hiện dự án thu gom và xử lý nước thải cho một đoạn sông Tô Lịch tại đầu đường Hoàng Quốc Việt cắt đường Bưởi.
Dự án này sẽ được đầu tư khoảng 600 tỉ đồng xử lý toàn bộ nước thải sông Tô Lịch đoạn chảy đến Hoàng Quốc Việt và nước thải thu gom từ bờ sông khoảng 1-2km trước khi đổ vào sông Tô Lịch.
|
Số liệu quan trắc gần đây cho thấy vào mùa khô hàm lượng oxy hòa tan (DO) thấp hơn 2,5 lần so với tiêu chuẩn, nhu cầu oxy sinh học (BOD5) vượt tiêu chuẩn cho phép 4,7 lần, hàm lượng amoniac vượt tiêu chuẩn cho phép 17,3 lần, hàm lượng nitrit vượt 3,3 lần, riêng hàm lượng coliform vượt tiêu chuẩn cho phép đến 9.552,5 lần...
Điều đó khiến dòng sông này trở thành sông chết khi nguồn nước tại đây không thể sử dụng cho bất cứ mục đích nào.
Lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội cho rằng phương án bổ sung nước từ đầu nguồn cho sông Tô Lịch có ý nghĩa tiên quyết đối với việc cải tạo, nâng cấp sông này. Đồng thời duy trì cân bằng nước cho dòng sông và trước mắt là pha loãng nước sông, giảm nồng độ ô nhiễm.
Theo Sở TN-MT, phương án lấy nước sông Hồng đưa qua hồ Tây phức tạp và khó thực hiện. Các tính toán của cơ quan chức năng Hà Nội đều nghiêng về phương án lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ rồi bơm vào sông Tô Lịch.
Một chuyên gia về thủy lợi của Bộ NN&PTNT cho biết cơ quan này đã nhận được đề nghị của Hà Nội về tăng lưu lượng nước sông Hồng đổ vào sông Nhuệ, từ đó dẫn đến sông Tô Lịch. Bộ NN&PTNT cơ bản nhất trí đề xuất này.
Hướng tuyến thuận lợi
Mặt khác, Bộ NN&PTNT đang quy hoạch nâng cấp, cải tạo hệ thống cống Liên Mạc (huyện Từ Liêm) nhằm nâng cao khả năng chủ động tưới tiêu cho các địa phương nằm dọc hai bên bờ sông Nhuệ.
Hiện năng lực của hệ thống cống dẫn nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ chỉ có lưu lượng 36,3m3/giây, và Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch nâng cấp hệ thống này về lưu lượng lên gấp đôi hiện tại. Và với đề nghị của Hà Nội, chuyên gia về thủy lợi của Cục Thủy lợi cho hay Bộ NN&PTNT đã chấp thuận điều chỉnh quy hoạch này để tăng thêm lưu lượng cấp nước vào sông Nhuệ lên mức 75m3/giây nhằm có đủ nước cho cuộc “thau rửa” sông Tô Lịch.
Theo đề xuất của Hà Nội, vị trí lấy nước từ sông Hồng và vị trí bổ cập vào sông Tô Lịch dựa trên nguyên tắc gần với nguồn cấp nước nhất - tức là lấy từ đầu nguồn sông Nhuệ để hạn chế ô nhiễm của bản thân sông Nhuệ.
Trên cơ sở các hệ thống kênh mương hiện có, Hà Nội xác định điểm lấy nước tại sông Nhuệ là ngay sau cống Liên Mạc qua hệ thống kênh mương tại Chèm - Đông Ngạc (huyện Từ Liêm), mương chạy dọc đường Nguyễn Hoàng Tôn (Q.Tây Hồ), Cổ Nhuế (Từ Liêm) tới Nghĩa Đô (Cầu Giấy) và cấp vào sông Tô Lịch.
Phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội Vũ Tuấn Định giải thích lưu lượng thiết kế của cống Liên Mạc có thể đảm bảo cho việc bổ cập nước 5m3/giây. Ông Định cho biết hiện đây là hướng tuyến thuận lợi và khả thi nhất mà sở đang nghiên cứu để giới thiệu.
Theo phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Phạm Văn Khánh, hiện đây mới chỉ là ý tưởng trong đề án nghiên cứu nên chưa thể chi tiết hóa.
XUÂN LONG - ĐỨC BÌNH
Nguồn: Tuổi Trẻ, 19/9/2009
Lượt xem : 4798