Sơ lược vài nét về lịch sử cây gỗ Nghiến làng Lũng Túng, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng
5/30/2011 3:04:00 PM
Bài phát biểu của ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Cao Bằng tại Lễ công nhận cây nghiến làng Lũng Túng, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng là Cây di sản VN, 17/5/2011
Tỉnh Cao Bằng có diện tích tự nhiên là 6690,72Km, trong đó 3/4 diện tích là rừng núi, núi đá vôi, thảm thực vật phủ trên đồi núi rất phong phú đa dạng. Tại các khu vực núi đá vôi của tỉnh cây nghỗ Nghiến mọc rất nhiều, mười ba huyện thị đều có cây Nghiến mọc xanh tốt quanh năm, nhiều rừng Nghiến với diện tích hàng chục Ha như rừng Nghiến ở huyện Nguyên Bình, Thạch An, Phục Hòa, Quảng Uyên, Trà Lĩnh...Rừng có nhiều cây gỗ Nghiến cổ thụ vào loại nhất của tỉnh là những rừng Nghiến tại huyện Hạ Lang cách thị xã Cao Bằng 72Km.
Một trong những cây Nghiến tiêu biểu đại diện cho sự tồn tại lâu năm nhất tỉnh Cao Bằng là cây Nghiến cổ thụ ở đầu bản Lũng Túng xã Kim Loan huyện Hạ Lang, theo đường tỉnh lộ từ thị xã Cao Bằng đến huyện lỵ Hạ Lang quãng 60Km rẽ trái, theo đường liên xã mới mở khoảng 8km thì đến trung tâm xã Kim Loan. Cây Nghiến mọc bên tay phải ven đường, chu vi của gốc cây Nghiến cách khối đá khổng lồ mà cây Nghiến mọc lên độ 1m, vòng tay của 6 người ôm không xuể chu vi quãng 9,6m, đường kính gốc cây Nghiến đo được là 2,5 m. Bước đầu chúng tôi sưu tầm vào thời điểm này đây là một cây Nghiến cổ thụ nhất tỉnh Cao Bằng, theo các nhà nghiên cứu lâm nghiệp địa phương so với cây Nghiến mọc ở tảng đá bên cạnh mộ Liệt sĩ Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) người đội viên thiếu niên Tiền Phong của Việt Nam hy sinh năm 1944 ở bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng, các cụ già làng Nà Mạ kể lại cây Nghiến đó đã mọc trên 100 năm đường kính gốc cây Nghiến đến nay chỉ đo được 45cm. Như vậy đường kính cây Nghiến Lũng Tủng là 2,5m thì thời gian tồn tại của cây ước độ trên dưới 1000 năm tuổi, là một trong những cây Nghiến cổ thụ nhất của tỉnh Cao Bằng hiện nay. Tuy nhiên việc kết luận chính xác tuổi của cây Nghiến Lũng Tủng là bao nhiêu năm cần phải có những khảo nghiệm tỷ mỉ của các nhà khoa học.
Theo ông Nông Văn Cầu, Chủ tịch xã Kim Loan cho biết một trong những nguyên nhân cơ bản để cây nghiến Lũng Túng xã Kim Loan tồn tại lâu dài với thời gian như vậy vì cây Nghiến nằm trong khu vực "Đông Sấn" đầu làng Lũng Túng nơi dân bản thường qua lại đây là khu "rừng thiêng" trong bản. Các cây cổ thụ ở "Đồng Sấn" đều có linh hồn, ái đó nếu liều lĩnh chặt hạ sẽ bị thần rừng phạt năng nề, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng hoặc gia đình mình, nếu không bảo vệ được tốt dân bản sẽ gặp phải những tại họa khôn lường.
Ở các huyện Miền Đông của tỉnh Cao Bằng hiện còn rất nhiều rừng cây cổ thụ, trong đó có những rừng Nghiến thuộc loại rừng thiêng, đây chính là những ứng xử mang tính luật tục của dân tộc Tày Nùng Cao Bằng với thiên nhiên, môi trường sinh thái, những nét ứng xử văn hóa ấy cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy trong giai đoạn hiện nay.
Kinh thưa các vị đại biểu - Thưa toàn thể nhân dân Bản Lũng Túng xã Kim Loan huyện Hạ Lang. Hôm nay cây Nghiến Lũng Túng đã trở thành cây Di sản Việt Nam, đây là một vinh dự lớn đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Song trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể nhân dân xã Kim Loan lại càng nặng nề hơn. Gìn giữ - bảo vệ - chăm sóc cho cây mãi mãi phát triển trường tồn với thờ gian để nơi đây sẽ là 1 địa điểm đón du khách đến tham quan chiêm ngưỡng về cảnh quan môi trường sinh thái tại quê hương chúng ta.
Lượt xem : 3983