Số đầu tiên trong số 13
8/31/2019 6:57:00 AM
(VACNE) - Trưa nay mát mẻ. Chẳng bù cho cả tuần qua trưa nào cũng nóng như lửa đốt. Mỗi khi ra khỏi phòng có cảm nhận như đến gần lò nung. Người kể chuyện nhấp ngụm cà phê nóng, mắt nheo nheo như nhìn vào vật gì xa xa, rồi thong thả nói. Thưa các “thượng đế”, vâng xin kể sự kiện liên quan đến số đầu tiên trong 13 “điểm nóng” môi trường như dự kiến trưa hôm trước.
Lần đầu đến nhà máy xi măng Hải Phòng, hình như năm 1995 thì phải, rất ấn tượng với cơ sở rộng rãi, sạch mát và trang nghiêm. Sạch sẽ chắc là do sân bãi mới vừa dược dọn dẹp, phun nước để dón đoàn môi trường. Còn trang nghiêm là do các yếu tố lịch sử của nhà máy và đặc biệt là do bức tượng người công nhân xi măng rất đẹp, rất hoành tráng tạo ra, chắc là vậy.
Để hiểu rõ hơn, xin dẫn bài của tác giả Quang Hưng viết trên báo Nhân dân ngày 17 tháng 9 năm 2010. Theo đó,nhà máy này được khởi công tại ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý vào cuối năm 1899 và cũng là cơ sở công nghiệp xi-măng đầu tiên trên cõi Đông Dương lúc bấy giờ. Đây cũng là một trong những cái nôi đầu tiên hình thành nên giai cấp công nhân Việt Nam, với lớp lớp nhiều thế hệ, hàng vạn người lao động đã gắn bó cả cuộc đời mình, sống, chiến đấu, làm việc và hy sinh ngay trong nhà máy.
...Trong tâm khảm nhiều người Hải Phòng, hai ống khói trắng nhà máy xi-măng ẩn hiện chân trời phía Tây Bắc là hình ảnh thật thân thương, gần gũi như bến cảng, con tàu. Nhạc sĩ Vũ Loan đã sáng tác ca khúc “Thành phố niềm nhớ”có câu: “Thành phố nơi em sống, có khói trắng xi-măng như tóc mẹ già, tiếng còi tầu, ấm như tiếng cha.... Là người Hải Phòng ai chẳng biết đến biệt danh của thành phố Hoa phượng đỏ và câu thơ “Hải Phòng có bến Sáu Kho. Có sông Cửa Cấm có lò xi măng”.
Ấy vậy mà không khó để nhận ra rằng, cũng làn khói trắng ấy, thực tế lại là sự khốn khổ chịu đựng của biết bao người dân sống quanh vùng. Cả một vùng rộng lớn, bán kính trong vòng 15 km quanh nhà máy lúc nào cũng trắngbụi xi-măng. Mái nhà, tán cây đâu đâu cũng bị phủ một lớp bột đá dày màu xám. Có người còn nói ấn tượng rằng các cô gái vùng Hạ Lý, Thượng Lý gần đó, không dám phơi áo trắng ra sân, đến bữa đi vo gạo nấu cơm, rửa rau phải che nón lên rá.
Từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực (tháng 1 năm 1994),những vấn đề nêu trên và nhiều hệ lụy khác của nhà máy này liên tục được phát hiện và chỉ rõ.Ô nhiễm nặng nề đặt ra yêu cầu bức xúc đối với nhà máy, đến mứccó nguy cơ phải ngừng hoạt động. Các cuộc họp bàn càng về sau càng căng thẳng. Thậm chí việc một số người dự họp của các bên nhận ra là đã quen nhau từ khi cùng thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ môi trường ở Quốc hội hàng tháng trời dạo trước cũng không làm dịu được không khí trong phòng. Rất nhiều giải pháp về kinh tế, xã hội và đương nhiên về môi trường đã được đưa ra, nhưng cũng không thể nào giữ được nhà máy ở địa điểm lúc đó.
Cuối cùng, Chính phủ đã quyết định cho phép xây dựng một nhà máy xi-măng mới nằm trên đất Hải Phòng (tại mỏ đá Tràng Kênh bên sông Bạch Đằng, thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên). Nhiều người còn nhớ bài báo rất hay đăng trên báo Nhân Dân có tên “Con rồng xanh lột xác vì môi trường”. Vâng, Con Rồng chính là biểu tượng của nhà máy và được in đậm nét trên bao xi măng Hải Phòng.
Và cuộc “lột xác” để “phục sinh rồng” bắt đầu khi nhà máy xi-măng Hải Phòng mới được khởi công xây dựng ngày 25-12-2002, trùng ngày nhà máy cũ được xây dựng cách đó trên 100 năm...Và 4 năm sau, đúng ngày 24-1-2006, Công ty Xi-măng Hải Phòng chính thức tắt hệ thống lò nung tại nhà máy cũ, chấm dứt hoạt động của lò nung xuyên qua ba thế kỷ. Con rồng xanh lột xác, hóa thân vào một thời kỳ mới vì môi trường cho phát triển bền vững.
Vâng, chuyện là vậy. Người kể chuyện nói thêm rằng đã tâm sự với nhiều người về một mong muốn nhỏ và thường là được tán thưởng. Đó là mong sao bức tượng người công nhân xi măng rất đẹp của nhà mày trước đây được dựng ở một địa điểm công cộng, dưới những cây phượng vỹ tán lá xanh mướt vòm hoa đỏ rực đặc trưng của thành phố cảng anh hùng.
Khác với thường lệ, cả Quán yên lặng. Mọi người đều nghe rõ tiếng của những giọt cà phê nhỏ xuống chén. Chủ Quán lí nhí mời “thượng đế” mai nhớ đến nghe câu chuyện thứ hai trong con số 13.
Quán Cà phê MT, trưa cuối tháng 8/2019
Lượt xem : 1799