Vietnamese English
Siêu dự án đô thị ven sông Hồng: Giới chuyên môn đứng ngoài?

7/22/2009 10:27:00 PM

Trung tuần tháng 7 này, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức phản biện về siêu dự án đô thị ven sông Hồng tại Hà Nội.



Đây là dự án hợp tác giữa hai thành phố Hà Nội và Seoul (Hàn Quốc), về lập qui hoạch phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, với tổng đầu tư dự tính lên đến 7 tỉ USD.

Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, khi thực thi dự án thì tuyến đê hai bên bờ sông Hồng sẽ được củng cố, nâng cao khả năng chống lũ, chỉnh tuyến, tạo dòng chảy hợp lý, các công trình kiến trúc theo triền đê hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Ngoài việc xây dựng thêm đê mới để ổn định dòng lũ và tận dụng đê hiện tại thành “tuyến đê 2”, sẽ cải tạo 6 bến cảng dọc 40 km sông Hồng.

2.462 ha đất cho 4 khu vực

Tổ dự án Hà Nội-Seoul cho biết tổng diện tích qui hoạch công viên ven sông Hồng dự định là 4.200 ha. Trong đó, khoảng 80% (3.360 ha) sẽ được dùng vào mục đích chính là bảo tồn và khôi phục môi trường sông, 20% còn lại sử dụng chính dòng sông để tạo nên một “sức sống mới” cho toàn bộ dự án.

Tại nhiều nơi sẽ hình thành các khu bảo tồn thiên nhiên, đường cây xanh dành cho người đi bộ, đường chạy ven sông, không gian thể thao tổng hợp, kè bậc thang để người dân hóng mát. Một mặt nghiêng ven sông sẽ hình thành theo hình thái tự nhiên được coi là “vùng đệm” để chuyển tiếp sinh thái. Các loài sinh vật được tạo nơi cư trú, thực vật được bảo tồn.

Cùng với đó, khu đầm lầy sinh thái được hình thành gồm: công viên, không gian trải nghiệm sinh thái, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, dự án tính đến việc bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử sông Hồng và qui hoạch lộ trình khám phá lịch sử ven sông bằng du thuyền; trục văn hóa truyền thống Hồ Tây-Cổ Loa được chú trọng giữ gìn, phát triển.

Tại khu vực 2, một khu phức hợp quốc tế kỹ thuật cao dự tính hình thành với quảng trường đi bộ trung tâm (bờ sông Hồng phía hồ Tây), khu nghỉ dưỡng Ngọc Thụy với đồi hóng gió (bờ sông Hồng phía Long Biên, Gia Lâm). Khu phục hồi sinh thái ven sông sẽ nằm ở khu vực Võng La và Từ Liêm, công viên thể thao ở Đông Anh, công viên văn hóa lịch sử ở Hoàn Kiếm, công viên mở dành cho cư dân đô thị ở Tây Hồ, đầm lầy lọc nước ven sông ở Hoàng Mai.

Tổ dự án Hà Nội-Seoul cho biết, với 2.462 ha đất mới tạo ra, dự án có kế hoạch phát triển 4 khu vực chính: 560 ha khu cư trú, nhà ở, 830 ha khu vực sự kiện quốc tế, 500 ha công trình công cộng, 212 ha công viên đô thị, 120 ha khu thương mại, 40 ha còn lại dành cho các khu trung chuyển hàng hóa. Khu vực 4 (hai bên sông Hồng từ cầu Thanh Trì đến Hưng Yên) rộng nhất được qui hoạch khu cư trú, vành đai xanh và công viên Olympic.

Khu vực 1 (từ cầu Thăng Long đến điểm cuối dự án) rộng 560 ha, khu vực 3 (từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì) diện tích 230 ha dành xây dựng khu trung chuyển hàng hóa phức hợp như: sân bay, liên kết khu công nghiệp, chợ bán buôn, trung tâm chuyển phát và một số khu cư trú. Khu vực 2 (từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương) phát triển các khu cư trú liên kết với đô thị mới Hà Nội, trung tâm tài chính quốc tế, sân vận động thể thao dân tộc...

Để triển khai dự án này, gần 40.000 hộ dân đang sống trên khu vực bãi sông, đê hiện tại phải di dời. Dự án sẽ bồi thường thích hợp và tạo điều kiện tái định cư (nếu có nhu cầu) tại các điểm cư trú mới trong khu vực dự án. Theo tính toán của tổ nghiên cứu này, khi hoàn thành (dự kiến vào năm 2020), dự án sẽ cung cấp nhà ở cho khoảng 97.000 hộ và 70% số này (68.000 hộ) sẽ được bán. Như vậy, khoảng 29.000 hộ dân thuộc diện di dời kể trên có thể tái định cư.

Sao không đầu tư ở bờ trái?

Ông Đỗ Viết Chiến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (đơn vị đầu mối chuyên trách dự án), khẳng định hiện nay đã hội đủ các điều kiện để thực hiện dự án. Ông nói: “Nếu không sớm thực hiện dự án thì sẽ triệt tiêu nguồn lực đầu tư từ 1.500 ha đất bóc ra từ thềm đất bãi. Diện tích đất bỏ không này chính là nguồn nuôi dự án nhằm tái đầu tư trở lại. Nếu không thực hiện sớm, quĩ đất này cũng bị lấn chiếm, lại quay trở lại mốc ban đầu”.

Nhiều ý kiến cho rằng qui hoạch, bố trí lại dân cư hai bên bờ sông Hồng là việc đáng làm. Nhưng, làm thế nào để mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng, cho người phải di dời nhà cửa, hi sinh cho lợi ích chung cho Hà Nội, chứ không phải cho một thiểu số người, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Có những phân tích khá sâu sắc về ý tưởng của các nhà qui hoạch Hàn Quốc. Đó là họ thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, di dời dân tối đa đến nơi ở mới, để tạo quĩ đất lớn nhất tại những vị trí đẹp, đắc địa, để xây dựng các công trình phục vụ mục đích kinh doanh thu lợi nhuận cho nhà đầu tư. Mục đích chính của giai đoạn 1 (2008-2012) tại khu vực 1 ở cả 2 bờ phải (R1) và bờ trái (L1), đoạn từ điểm đầu của dự án đến cầu Thăng Long, là xây dựng các chung cư nhiều tầng để phục vụ việc di dân, bằng cách bán lại cho các gia đình phải di dời của khu vực này và khu vực R2, R3 phía bờ phải, đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Như vậy thì không thể gọi là tái định cư tại chỗ được, chẳng hạn họ di dân từ phía bờ phải sang bờ trái, như từ R2 sang L2, từ R3 sang L3.

Đấy là chưa đề cập đến việc tiền đền bù có đủ để mua nổi căn hộ tái định cư có diện tích tương đương hay không. Mục đích chính và mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho các nhà đầu tư là giải phóng và sử dụng quĩ đất có diện tích lớn nhất của dự án. Khu vực 2 , đặc biệt là khu R2 (đoạn bờ phải từ cầu Nhật Tân đến cầu Chương Dương) có vị trí rất đẹp, đắc địa nhất nhì Hà Nội, dùng để xây dựng các công trình phục vụ kinh doanh. Dải đất này nằm giữa sông Hồng và hồ Tây lại trông ra ngã ba sông Hồng, sông Đuống, nên cực thoáng đồng thời rất gần trung tâm thành phố, nhất là Khu chính trị Ba Đình.

Thử hình dung xem khi họ xây nhà biệt lập (thực chất là biệt thự), chung cư cao cấp, văn phòng, trung tâm tài chính, thương mại, khách sạn cao cấp để bán và cho thuê thì giá sẽ là bao nhiêu? Còn nếu xây chung cư cho tái định cư tại chỗ thì họ thu được lợi ích gì? Có bao nhiêu người dân hiện ở khu vực này có đủ tiền mua lại căn hộ, căn nhà mà họ xây trên đất trước kia là của mình? Nếu các nhà qui hoạch, các nhà đầu tư Hàn Quốc thật sự mong muốn một Hà Nội hiện đại hơn, lấy sông Hồng làm trung tâm, tại sao họ không đặt các công trình này sang phía bờ trái là nơi quĩ đất còn nhiều, để làm chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả một khu vực rộng lớn, còn kém phát triển? Ở phía bờ trái sông Hồng ít phải di dân hơn, ít gây tác động tiêu cực đến các vấn đề xã hội do hệ lụy của việc di dân để lại và dễ thực hiện hơn không?

Giới chuyên môn chỉ "vuốt đuôi"

Ông Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn tỏ ra bức xúc: “Đồ án do tổ dự án Hà Nội-Seoul đưa ra gồm 4 phân đoạn, trong đó chúng tôi có ý kiến nhiều nhất phân đoạn 4. Nguyên tắc của họ là nắn đê ra ngoài để khai thác quĩ đất đồng thời bảo vệ dân, khắc phục ngập lụt, nhưng họ lại bỏ quên 2 vạn dân ở phân đoạn R4 thuộc huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai, gồm 7.000 dân phường Lĩnh Nam và 13.000 dân các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc. Việc họ đề xuất Khu công nghiệp Gia Lâm cũng không hợp lý, cần xem xét lại. Đã 3 lần, Viện Qui hoạch đô thị-nông thôn làm việc với họ và gửi cả công văn, nhưng họ không sửa chữa, không điều tra hiện trạng 2 vạn dân, khi đem ra triển lãm cũng không nhắc đến vấn đề này”.

Ông Hải cho rằng, khó thực hiện việc chuyển những hộ dân trong đê mới và đê cũ. Ý tưởng của dự án là chuyển con đê mới vào trong để thay thế con đê cũ, nhằm tạo ra quĩ đất, lấy “mỡ nó rán nó” để phát triển đô thị. Có người lưu ý những mặt trái của dự án: sự khác biệt cực lớn giữa mùa lũ và mùa cạn của sông Hồng khi đem so sánh với những dòng sông khác, sự ô nhiễm 40 km dòng sông bị bó hẹp lại nhất là trong mùa cạn.

 Ông Trần Vương (CHLB Đức) nhận xét dự án chỉ là “một mảng vá đẹp ngay sát Hà Nội cổ, khiến cho không gian Hà Nội đã chật lại càng chật thêm”. Ông Vương đề nghị tập trung nguồn đầu tư vào một Hà Nội mới ở phía tây thủ đô, đừng để con sông Hồng chỉ còn là một con lạch nhỏ chảy giữa thành phố.

KTS. Nguyễn Trực Luyện, cựu Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng bây giờ sông Hồng không còn là một bộ phận của thành phố, vì một khu vực dân cư tự phát bên ngoài đê. Ông nói: “Đồ án trưng bày để lấy ý kiến dân còn thiếu nhiều thông tin quá. Trị thủy sông Hồng không đơn giản. Tất cả những thông số kỹ thuật phải được đặt ra và cân nhắc. Chế ngự con sông phải tiến hành trên cả hệ thống, không phải chỉ một đoạn chảy qua thành phố”.

Ông Luyện nêu rõ, chấp nhận một dự án phải có sự thẩm định chuyên môn, mà chuyên môn thì không phải chỉ có Hà Nội, cần phải có sự đóng góp ý kiến của toàn giới kiến trúc sư qui hoạch đô thị. Cho biết không được tổ dự án tham khảo ý kiến, ông Luyện nói: “Giới chuyên môn thì đứng ngoài. Nghĩa là giới chuyên môn luôn được tham gia ý kiến sau, vuốt đuôi, rất muộn”.

TS. Phạm Văn Quang, Phó viện trưởng Viện Địa chất-môi trường, người đã trình Chính phủ nhiều công trình lớn về giải pháp trị thủy sông Mekong, sông Hồng, sông Mã, chỉ rõ: “Ý tưởng của các bạn Hàn Quốc rất hay, thiết kế đẹp. Duy có điều làm tôi thất vọng là, không thấy họ nói đến những kết quả điều tra cơ bản về địa chất công trình và địa chất nói chung của dự án phát triển sông Hồng. Với một dự án lớn thế này thì không lẽ nào lại không nghiên cứu kỹ về địa chất”.

TS. Quang nhấn mạnh: “Các hoạt động động đất trong tương lai có thể xảy ra dọc theo các đứt gãy nói trên ở khu vực này. Mặt khác, dòng chảy sông Hồng trong nhiều năm qua vẫn còn thể hiện rõ các hoạt động bên lở, bên bồi. Vậy dự án này đã xây dựng đồng thuận hoặc chưa đồng thuận với qui luật của dòng chảy sông Hồng? Cho nên khi triển khai dự án phải tuân thủ đúng qui luật của dòng chảy sông Hồng”.

TS. Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, đặt câu hỏi: “Xây dựng đô thị ven sông Hồng theo hướng đô thị sinh thái, nhưng vào mùa khô nước sông cạn kiệt thì đâu còn sinh thái! Sông Hồng mỗi năm cần nạo vét khoảng 80 triệu m3, dự án chỉ tính nạo vét 21 triệu m3 thì có ổn không?”.

TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc  Hà Nội cho rằng việc gia tăng dân số ở khu vực dự án, cũng như việc qui hoạch “đô thị nén” là rất không ổn, ngày càng gây nhiều khó khăn cho chỉnh trang phát triển Hà Nội. Chưa kể, kinh phí lên đến 7 tỉ USD, nhưng trung bình mỗi hộ di dời chỉ được khoảng 600 triệu đồng, chỉ mua được nửa căn hộ chung cư nhiều tầng loại thường hiện nay...
(Theo VnEconomy)

 

Lượt xem : 3221