Cảng được xây tại khu vực Cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ với tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km.
Khao khát cháy bỏng của bao người
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam khẳng định: "Có cảng trung chuyển là khao khát cháy bỏng của bất kỳ người làm cảng, làm logistics nào để Việt Nam có thể sánh vai với thế giới. Chúng ta đã chậm lắm rồi, nên phải chuyển biến nhanh hơn nữa...".
Theo các chuyên gia thương mại quốc tế, Singapore đã hy sinh một số ngành kinh tế biển cho phát triển logistics, chủ yếu là cảng trung chuyển, để trở thành trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghệ của khu vực và thế giới.
Năm 2015, phát biểu tại lễ khánh thành giai đoạn 3 và 4 dự án nâng công suất cảng biển Pasir Panjang, Thủ tướng Lý Hiển Long nhớ lại: "43 năm trước, Nihon - con tàu container đầu tiên cập cảng chúng ta - chỉ chở 300 container. Nihon không phải là nhân tố thay đổi cuộc chơi, nhưng đó là nhân tố khởi đầu một cuộc chơi. Bây giờ chúng ta đón những con tàu chở đến 18.000 container". Singapore thịnh vượng nhờ hệ thống cảng biển phát triển, ông khẳng định.
Ý tưởng đưa Cần Giờ hướng ra biển lớn đã có từ 20 năm trước. Trong thư gửi lãnh đạo TP. HCM năm 2002, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh ý tưởng xác định hướng Đông là Cần Giờ, sẽ hình thành khu đô thị nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch. Khu đô thị biển gần liền với vùng rừng sinh thái độc nhất (rừng Sác), có bờ biển trải dài, cách không xa thành phố sẽ mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Để chuẩn bị hạ tầng khu đô thị Cần Giờ, cố Thủ tướng lưu ý về cơ bản đã có điện lưới, đường sá và đặc biệt là chủ trương định hướng rất đúng là mở rộng tuyến đường hiện nay, dự kiến bắc cầu nối liền từ Nhà Bè qua Bình Khánh ... Những công trình đã có dự kiến nếu không đồng thời xác định ngay từ bây giờ sẽ dẫn tới thiếu đồng bộ. Ngoài ra cũng không thể không quan tâm tới mối liên hệ tổng thế trong vùng giữa Vũng Tàu - Cần Giờ cùng với cửa ngõ giao lưu quốc tế.
Ý tưởng đưa Cần Giờ hướng ra biển lớn đã có từ nhiều năm trước.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ cho biết, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ tạo đột phá cho vùng Đông Nam Bộ, nếu không làm sớm cả vùng sẽ bị lỡ mất cơ hội. Ông cho rằng, vấn đề cần bàn hiện nay không phải là có làm cảng Cần Giờ hay không, mà là làm sao triển khai nhanh nhất.
Theo TS. Trần Du Lịch, dự án triển khai sớm sẽ là bước đột phá không chỉ cho TP. HCM mà cả Đông Nam Bộ, bởi hình thành cửa ngõ giao thương tầm cỡ quốc tế. Cảng Cần Giờ cũng được cho sẽ không ảnh hưởng hoặc cạnh tranh khu Thị Vải - Cái Mép ở Bà Rịa - Vũng Tàu, mà cả hai sẽ tạo thành một hệ thống cảng biển cho vùng.
Điều đặc biệt hơn, Hãng tàu MSC (Thụy Sĩ) – hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay, rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Họ đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu đầu tư cảng.
Mong muốn về một cảng mang tầm quốc tế tại Cần Giờ là nội dung quan trọng mà Ban thường vụ Thành ủy TP. HCM lưu ý, yêu cầu đề án phải cập nhật thêm tính lịch sử. Các thế hệ lãnh đạo từ hai ba chục năm trước đã định hướng khu vực Cần Giờ sẽ có cảng hướng ra biển lớn, mở cửa giao thương với quốc tế.
Không thể chần chừ nữa
Sau khi nghe báo cáo và khảo sát thực địa tại Cần Giờ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá huyện Cần Giờ có tiềm năng đặc biệt để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hải, logistic tầm vóc khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao với các trung tâm trung chuyển hàng hải hiện tại trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á.
Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP.HCM chủ trì phối hợp với các sở, ngành khẩn trương hoàn thành Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong đó lưu ý đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm việc làm, sinh kế cho người dân tại khu vực có mức cao hơn... Song song đó là đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, người dân. TP. HCM phải sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV - 2023.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc rà soát, hoàn thiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng giao nghiên cứu, hướng dẫn UBND TP. HCM về việc lập, trình dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy định pháp luật.
Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng đã được Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM thống nhất, đồng thời giao Ban cán sự Đảng UBND TP. HCM lãnh đạo UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Đề án, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, có cơ sở thực tiễn và khoa học, có tính thuyết phục cao, phù hợp quy hoạch, định hướng của Trung ương và TP, phát huy hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, song song với tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ sau cảng.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM Trần Quang Lâm cho rằng, với điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" như hiện nay, TP. HCM cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để biến cảng Cần Giờ giàu tiềm năng từ ước mơ trở thành hiện thực.
Theo ông Trần Quang Lâm, thiên thời, địa lợi thể hiện ở điều kiện tự nhiên, vị trí ở cù lao Phú Lợi là cửa sông Cái Mép - Thị Vải nằm gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, có nhiều lợi thế cho phát triển hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics. Luồng Cái Mép - Thị Vải được đánh giá tốt nhất Việt Nam hiện nay. Khu vực Cần Giờ trong quy hoạch đã được định hướng là bến cảng tiềm năng từ trước đây. Cần Giờ còn nằm trong vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam, nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế.
Về "nhân hòa", đó là các nghị quyết của Quốc hội, Bộ Chính trị, Chính phủ... về chủ trương, mục tiêu đưa Cần Giờ, TP. HCM nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như đã nói ở trên.
Cục trưởng Hải quan TP. HCM Đinh Ngọc Thắng cho rằng, dự án cảng trung chuyển Cần Giờ mang tầm vóc khu vực. Đây là công trình được sự mong mỏi của nhiều thế hệ, nếu không làm sớm sẽ bị tụt hậu. Theo ông, khi khu cảng được xây dựng, 70-80% hàng hóa trung chuyển về đây. Việc này sẽ giúp giảm chi phí logictics, bởi lâu nay hàng hóa phải trung chuyển qua đi Singapore, chi phí cao hơn.
Cơ hội vàng cho phát triển du lịch
Du lịch Cần Giờ có vị trí quan trọng đặc biệt, vì vậy UBND TP. HCM đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển ngành du lịch huyện Cần Giờ, do chính Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi trực tiếp làm Trưởng Ban. Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu và Phó Giám đốc Sở VHTT TP. HCM Võ Trọng Nam làm Phó Trưởng ban, cùng 17 thành viên.
Cầu Cần Giờ - niềm mơ ước của người dân Cần Giờ - có vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BOT, dự kiến sẽ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo việc phối hợp hoạt động và kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND huyện Cần Giờ trong việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình phát triển du lịch trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM. Tham mưu, đề xuất với UBND TP. HCM các giải pháp, cơ chế, chính sách về phát triển du lịch trên địa bàn thành phố và tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho ngành du lịch huyện Cần Giờ
Vấn đề cản trở phát triển du lịch Cần Giờ chính là giao thông, cụ thể là du khách phải đi phà. Vào những lúc cao điểm, du khách phải chờ mấy tiếng đồng hồ mới qua được phà.
Vấn đề sẽ được giải quyết, cùng với việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP. HCM sẽ làm cầu Cần Giờ kết nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè. Cùng với đó là nâng cấp mở rộng đường Rừng Sác, xây nút giao tuyến này kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cầu Cần Giờ chiều dài 3,4km, vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BOT, dự kiến sẽ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay, khởi công vào 30/4/2025. Cầu Cần Giờ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển du lịch mạnh mẽ.
Lãnh đạo Sở Du lịch TP. HCM đi khảo sát để phát triển du lịch Cần Giờ.
Đường đưa du khách tới Cần Giờ cũng sẽ nhanh hơn khi nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành được xây dựng. Khi vành đai 3 TP. HCM cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành khép thành vòng tròn hoàn chỉnh, du khách có thể theo cao tốc đi qua đường Rừng Sác. TP. HCM dự kiến làm thêm đường trên cao dọc theo Rừng Sác, khách du lịch hay xe phục vụ hậu cần cảng quốc tế dù đường đông vẫn không bị kẹt xe. Các tuyến phà biển, tàu cao tốc cũng là một lựa chọn để khách du lịch về Cần Giờ.
Như Ngọc