Sau sau là cây thuốc quý
4/8/2021 6:36:26 AM
(VACNE) - Sau sau không chỉ là một cây gỗ, tạo bóng mát, mà còn là cây thuốc quý, nhiều bộ phận được sử dụng để làm thuốc.
Trước thông tin lãnh đạo Hà Nội vừa chấp thuận đề nghị của Sở Xây dựng Hà Nội về việc trồng cây xanh (cây Bàng lá nhỏ, còn gọi là Bàng Đài Loan) thay thế cây Phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh và đường Trần Duy Hưng. KS. Lê Huy Cường (Hội KHKT Lâm nghiệp) khuyến cáo: Hà Nội nên cân nhắc chọn cây bản địa như cây Sau sau mọc phổ biến trong nhiều khu rừng thưa và rừng thứ sinh ở Việt Nam, như ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hòa Bình..., nhiều khi chúng mọc thành những quần thể thuần loại, chiếm ưu thế. Sau sau không chỉ là một cây gỗ, tạo bóng mát, mà còn là cây thuốc quý, nhiều bộ phận được sử dụng để làm thuốc. Là một nhà khoa học về thực vật và cây làm thuốc, tôi thấy ý kiến của KS. Cường rất đúng, các cấp lãnh đạo Hà Nội nên chú ý.
Cây Sau sau, còn có tên Sau trắng, Cổ yếm, Lau thau, tên khoa học là Liquidambar formosana Hance, thuộc họ Sau sau (Altingiaceae). Đây là cây gỗ, cao 20-25m hoặc hơn. Lá mọc so le, có cuống dài, lá non màu hồng, có lông hình sao; phiến lá xẻ 3 thuỳ hình chân vịt, dài 6-12cm, rộng 9-17cm; mép lá khía răng cưa nhỏ, vò lá có mùi thơm, lá kèm hình dải. Vào mùa khô, lá cây thường chuyển màu đỏ nâu rồi rụng lá. Hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực có 1 nhị, không có bao hoa, tụ hợp thành đầu; các đầu này lại hợp thành chuỳ ở ngọn cành. Hoa cái cũng tụ hợp thành đầu, có đài, không cánh hoa, bầu dưới, 2 ô với 2 vòi nhụy cuộn lại ở đầu vòi và uốn cong ra phía ngoài. Quả kép, hình cầu đường kính khoảng 3cm, nằm ở đầu một cuống dài 3-9cm, gồm nhiều quả nang, mang lá đài và vòi nhụy tồn tại trên quả. Hạt hình bầu dục, thường có cánh. Mùa hoa tháng 3-4, quả tháng 9-10.
Hình 1: Cành, lá Sau sau (nguồn: T.C. Khánh)
Hình 2: Quả Sau sau (nguồn: Internet)
Bộ phận dùng làm thuốc là lá, quả, rễ và nhựa Sau sau. Ở Trung Quốc, lá cây này có tên là Phong hương diệp, quả là Lộ lộ thông, rễ là Phong hương căn và nhựa là Phong hương chí.
Theo Đông y, lá Sau sau có vị đắng, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thu liễm, chỉ huyết. Quả có vị đắng, mùi thơm, tính bình; tác dụng khu phong, hoạt lạc, lợi thủy, thông kinh. Nhựa Sau sau có vị ngọt, cay, tính ấm; tác dụng thông khiếu, khai uất, khử đàm, hoạt huyết và giảm đau. Rễ có vị đắng, tính ấm; tác dụng khử thấp, chỉ thống, nhưng không nên lấy rễ làm thuốc, vì làm chết cây.
Hình 3: Lá Sau sau chuyển màu đỏ trước khi thay lá (nguồn: Internet)
Thành phần hoá học: Cây Sau sau có các chất tanin, saponin, tinh dầu và chất nhựa. Theo Shih-Chang Chien và cs. (2012) ở Đài Loan (Trung Quốc), nhựa Sau sau có 26 hợp chất hóa học, trong đó có 3 triterpenoid mới là 2α, 3α-dihydroxyolean-12-en-28-al,3α-hydroxyolean-12-en-30-ol và 3α-hydroxyolean-2-oxo-12-en-28-al. Các hợp chất dễ bay hơi là β-caryophyllen (22,7%), α-pinen (23,3%), β-pinen (19,6%), và các hợp chất không bay hơi là 3α, 25-axit dihydroxyolean-12-en-28-oic (19,1%), oleanonic aldehyd (14.0%), và axit betulonic (13.4%).
Công dụng theo y học cổ truyền:
- Quả Sau sau có vị đắng, tính bình, mùi thơm; tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy, thông kinh; dùng chữa phong thấp, đau nhức xương khớp, tâm vị trướng đau; thuỷ thũng đầy trướng, lợi tiểu, kinh nguyệt không đều, thông tia sữa và lợi sữa, mày đay, viêm da, chàm. Liều dùng: 3-10g, dưới dạng thuốc sắc.
- Lá Sau sau có vị đắng, tính bình; tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thu liễm, chỉ huyết; dùng chữa viêm ruột, lỵ, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam; dùng ngoài trị mẩn ngứa, eczema. Liều dùng: 15-30g, dưới dạng thuốc sắc. Trong dân gian, ngọn lá non của cây Sau sau là một món rau sống ngon, thường ăn kèm với nem chua hoặc gỏi. Dân tộc Dao ở xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) còn dùng lá Sau sau giã nhỏ, ủ 2-3 ngày, rồi lấy nước lá đó ngâm gạo nếp để nấu xôi có màu tím đen, là một trong món xôi ba màu của người dân tộc.
- Nhựa Sau sau màu vàng nhạt, có vị ngọt, cay, tính ấm; tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết, giảm đau; dùng trị trúng phong, ho có đờm, kinh giản, thổ huyết, nôn ra máu, chảy máu cam, vết thương chảy máu, đòn ngã tổn thương. Nhựa còn được dùng làm thuốc chữa đau răng và làm sạch mủ mụn nhọt. Dùng với liều 1,5-3g, tán thành bột, rồi chiêu với nước. Theo tài liệu nước ngoài, nhựa Sau sau có tác dụng chống nấm; trộn với quả Mận rừng (Rhamnus crenata) để làm thuốc chống táo bón.
Trong những năm 70 của thế kỷ trước, do thiếu ‘Bôm Canada’ để gắn tiêu bản giải phẫu thực vật (phải nhập từ nước ngoài, được chế từ nhựa một số cây trong họ Thông ở Bắc Mỹ, như Abies balsamea, hoặc Abies fraseri và Tsuga canadensis), bộ môn Thực vật (trường ĐH Dược Hà Nội) đã tự chế tạo ‘Bôm Việt Nam’ từ nhựa cây Sau sau, gọi là “VN Balsam” để thay thế và đã dùng tốt trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chỉ số khúc xạ của loại bôm này cũng tương tự như bôm Canada, nhưng chóng khô hơn khi để ra ngoài không khí (T.C. Khánh, Kỹ thuật hiển vi, Nxb Y học, Hà Nội 1980).
Theo kinh nghiệm dân gian, Tầm gửi trên cây Sau sau cũng là một vị thuốc quý, được người dân sử dụng rộng rãi và chữa được nhiều bệnh. Theo bà Lương Thị Lộc (dân tộc Cao Lan), thôn Khe Cua, xã Đội Cấn (tỉnh Tuyên Quang), thì Tầm gửi Sau sau kết hợp với Tầm gửi cây Xoan, cây Si, cây Gạo sẽ thành bài thuốc chữa đau dạ dày rất hiệu quả.
Bài thuốc từ cây Sau sau:
1. Chữa vết thương chảy máu: Nhựa Sau sau bôi để cầm máu và làm vết thương mau lành.
2. Chữa đau răng, sâu răng: Nhựa Sau sau khô, tán nhỏ, chấm vào chỗ răng đau.
3. Chữa lở ngứa, mày đay, nổi mẩn: Dùng lá hay vỏ Sau sau nấu nước để rửa hoặc tắm.
4. Chữa phong thấp, lưng gối đau, tay chân co quắp, toàn thân tê buốt: Dùng quả Sau sau 20g sắc uống, hoặc thêm hoa cây Thông hay lõi Thông (Tùng tiết) 20g, sắc uống. Lưu ý, không dùng cho phụ nữ có thai.
5. Chữa mụn nhọt, sưng lở, bị thương đau nhức hay chảy máu, phong thấp sưng đau: Dùng nhựa Sau sau, nhựa Thông mỗi vị 40g, sáp Ong, dầu Vừng mỗi thứ 10g, đun cho chảy ra, đánh đều rồi phết một lớp mỏng lên trên giấy bản để dán vào chỗ đau.
TSKH. Trần Công Khánh
Lượt xem : 2164